Nghề đan gùi của đồng bào Cơ Tu

LĂNG A CÚI 27/12/2013 08:58

Vì nhiều lý do, nghề đan gùi của đồng bào Cơ Tu ngày càng mai một. Trong bối cảnh đó, nhiều bậc cao niên vẫn chung thủy với nghề và đang cố gắng truyền lại cho lớp trẻ.

Những chiếc gùi Cơ Tu treo trên giàn bếp để tăng độ bền. Ảnh: LĂNG A CÚI
Những chiếc gùi Cơ Tu treo trên giàn bếp để tăng độ bền. Ảnh: LĂNG A CÚI

Mưu sinh với nghề

Ông Alăng Đàn, 69 tuổi, ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) hằng ngày vẫn đều đặn đan những chiếc gùi bán theo “đơn đặt hàng” cho những người trong thôn và khu vực. Mỗi chiếc có giá bán từ 500 - 900 nghìn đồng. Theo ông Đàn, trung bình mỗi chiếc gùi, ông làm trong khoảng 2 tuần lễ. Đó là chưa kể thời gian vào rừng kiếm mây, tre để làm vật liệu đan gùi. Bởi vậy, rất ít người “sống” được với nghề này. Tại xã Sông Kôn, những người còn sống với nghề đan gùi như ông Đàn không nhiều. “Vật liệu ngày càng khan hiếm, trong khi giá thành lại thấp nên rất ít người chịu bỏ công để đan gùi. Ở nhiều vùng, hiếm hoi lắm mới có người đan, nhưng cũng chỉ người già” - ông Đàn cho hay.

Học đan gùi từ khi lên 10 tuổi, ông Bh’ling Bơi (65 tuổi, trú thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang) có thể đan rất nhiều loại gùi với các mẫu mã khác nhau. Ông cho biết, chính người cha đã truyền lửa giúp ông gắn bó với nghề đan gùi, giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào suốt hàng chục năm qua. “Ngày trước đồng bào Cơ Tu không ai bán gùi vì nhà nào cũng có người biết đan” - ông Bơi nói. Ngày nay, “ngày càng ít người biết đan gùi nên số lượng “đặt hàng” với mình khá nhiều. Dù mưu sinh nhưng chất lượng gùi mình đan luôn được nhiều người khen ngợi, bởi nó vừa bền lại đúng theo nguyên bản văn hóa Cơ Tu” - ông Bơi bộc bạch.

Đồng bào Cơ Tu có hơn 10 loại gùi truyền thống với nhiều mẫu mã khác nhau như: h’đool, pr’eng, p’rôm, adong kiêr, adong mặt, achuy, arê,… và đều được đan bằng chất liệu mây rừng. Ở mỗi loại gùi, người Cơ Tu dùng với từng công việc, mục đích khác nhau, như: h’đool dùng để đựng thóc lúa; pr’eng dùng đựng thuốc lá, cau trầu; hay p’rôm dùng đựng thổ cẩm... Ngoài các loại gùi dùng cho phụ nữ, người Cơ Tu còn có một loại gùi 3 ngăn dành cho đàn ông, có tên gọi là tà-léc.

Đan gùi, dù không phải công việc chính đối với những người thợ như ông Đàn, ông Bơi nhưng cũng giúp được họ có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống. Như ông Đàn, tranh thủ vào thời gian rảnh, mỗi tháng bình quân ông đan được một chiếc gùi. Dù khoản thu nhập không cao do vật liệu khan hiếm nhưng ông vẫn cảm thấy thích thú với công việc mưu sinh của mình. Bởi, với ông “ngày nào không cầm sợi mây đan gùi thì ngứa tay chịu không nổi, văn hóa gùi đã thấm vào máu thịt của mình”.

Truyền lửa cho lớp trẻ

Chúng tôi đến thôn Bút Tưa vào một ngày cuối năm. Bên góc nhà, anh Alăng Nót đang cần mẫn đan những chiếc gùi theo đơn “đặt hàng” của bà con trong làng. Chiếc gùi mà anh Nót thực hiện có mẫu mã khá mới, được đan xen kẽ giữa vật liệu mây rừng với dây cước. Đây là kiểu cách tân rất độc đáo của đồng bào Cơ Tu trước tình trạng vật liệu mây rừng ngày càng khan hiếm. Anh Nót cho hay, gùi cước xuất hiện với đồng bào Cơ Tu đã từ gần 10 năm nay và rất được đồng bào ưa chuộng. Gùi cước dễ đan, lại đẹp, nhìn sang trọng và thường được dùng làm “tặng phẩm” khi người Cơ Tu làm quà biếu cho nhau. Ở các bản làng Cơ Tu, người trẻ tuổi biết đan gùi như anh Nót khá hiếm. Phần là do lớp trẻ ít quan tâm đến văn hóa gùi, phần cũng không tìm được người truyền nghề và kinh nghiệm. Chỉ số ít như anh Nót do thích thú với nghề đan gùi của người bác Alăng Đàn nên đã học làm theo; hay như anh Bríu Á, ở thôn Anoonh (xã A Nông, Tây Giang) nhờ sự truyền đạt kinh nghiệm từ cha cộng với sự ham học hỏi của mình nên biết đan gùi và thành thạo từng động tác như một người thợ thực thụ từ khi 15 tuổi.

Ông Alăng Đàn kiểm tra vòng đan, hoàn thiện chiếc gùi.
Ông Alăng Đàn kiểm tra vòng đan, hoàn thiện chiếc gùi.

Ở làng văn hóa Bhơ Hôồng, già làng Bh’nước Bảo luôn được biết đến với vai trò người “truyền lửa” cho giới trẻ Cơ Tu về văn hóa gùi. Theo già Bảo, giá trị của những chiếc gùi không chỉ “bó hẹp” ở dụng cụ đựng sản vật, mà còn là nét văn hóa lâu đời của đồng bào Cơ Tu về nghề đan lát truyền thống. Ngày xưa, hầu như đàn ông Cơ Tu nào cũng biết đan gùi do được cha dạy cho từ khi còn nhỏ. Nhờ có ông, nhiều thế hệ thanh niên Cơ Tu làng Bhơ Hôồng biết cách đan gùi, giữ nét văn hóa truyền thống. “Theo văn hóa truyền thống, đàn ông Cơ Tu sau khi lấy vợ đều phải tự tay đan chiếc gùi đẹp nhất, giá trị nhất tặng cho mẹ vợ. Nét văn hóa độc đáo này đang được những người già chúng tôi truyền cho lớp trẻ, cũng là giữ nghề đan lát truyền thống của cha ông” - già Bảo chia sẻ. Cùng với già Bảo, những cái tên như: Cơlâu Nâm, Bhơriu Pố (Tây Giang); Alăng Đàn, Bh’ling Bơi, Pơloong Huế (Đông Giang)... đã thực sự là những người “truyền lửa” giúp lớp trẻ Cơ Tu biết yêu hơn giá trị văn hóa truyền thống của ông cha mình.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề đan gùi của đồng bào Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO