Ở lưng chừng con nước, người thợ cào hến buộc sợi dây ngang hông, rồi bước từng bước thụt lùi, gom nhặt từng con hến trên dòng Trường Giang. Ngâm mình trong nước nhiều giờ đồng hồ, họ nhặt nhạnh thứ sản vật giản dị của sông, trang trải đời mình.
Thợ cào hến dầm mình trong nước hàng giờ đồng hồ.Ảnh: T.C |
Nhọc nhằn với nghề
Nắng lấp lóa mặt sông. Hàng chục chiếc ghe từ làng hến Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) nhổ neo, bắt đầu một ngày bươn bả đi khắp sông Trường Giang để cào hến. Xuôi ngược khắp sông, họ mang theo đồ nghề giản dị là một cây cào dài chừng 1,5m gắn khung sắt dát mỏng, nằm ngang với túi lưới, và một bao lưới dùng để đựng hến. Bây giờ đương mùa rộ. Thợ cào hến tỏa đi, tìm những khúc sông cạn, rồi dầm mình theo con nước, lặn lội góp nhặt từng con hến bé chỉ bằng đầu đũa.
Ông Trần Văn Tô (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã có hơn ba mươi năm gắn bó với nghề này. Đi khắp Trường Giang, ông nhớ rõ từng khúc nông sâu, từng đoạn quanh co của sông, nhớ luôn thời điểm con nước lớn, nước ròng để ngâm mình bắt hến. Đôi tay chai sần vì ngâm nước bắt hến lâu ngày. Chân cũng chẳng còn vẹn nguyên với chằng chịt những vết xước, vết sẹo vì ngâm trong nước. Nhưng ông vẫn gắn bó với nghề, như một phần của cuộc đời mình. “Nghề ni là nghề đi thụt lùi. Nói rứa, để dễ hình dung về cách cào hến. Chẳng có chi đặc biệt hết, dùng sợi dây cột sào vô lưng, rồi dùng tay để điều khiển vợt cào sâu hay cạn dưới bùn đất, cứ rứa bước thụt lùi. Mùa này, thay vì ngược lên trên, tôi hay xuôi theo sông Trường Giang xuống vùng Tam Tiến. Đoạn sông dưới này hẹp, nhiều rớ, đăng nên ghe cào hến ít chạy vô được, chỉ có cào thủ công. Nhờ đó mà hến cũng còn kha khá so với các đoạn khác” - ông Tô kể.
Đến đoạn sông quen, ông Tô nhảy xuống nước, bắt đầu một ngày “đi thụt lùi”. Khom người, dò dẫm từng bước đi dưới nước, cứ đều đặn khoảng 2 - 3 mét, ông dỡ vợt lên khỏi mặt nước, rồi rũ bùn đất, cho hến vào trong bao lưới. Từng nắm hến nhỏ li ti bám dưới đáy lưới. Họ gom nhặt từng chút một như thế, đều đặn và tỉ mỉ. Những bước chân dẵm sâu bưới bùn, ngâm mình trong con nước dềnh dang, nhặt nhạnh con hến, như nhặt nhạnh từng giọt phù sa…
Làng Tân Phú có hơn hai trăm năm tuổi đời gắn bó với cái nghề lam lũ này. Cách không xa những khói bụi thị thành, nhưng hàng chục hộ dân nơi này vẫn tảo tần với nghề, như chấp nhận cho riêng mình một cuộc đời bình lặng mà yên ả, với Trường Giang. Họ cứ đều đặn những chuyến hành trình, có lúc từ nửa đêm, có khi rạng sáng, tự tìm lấy một đoạn sông rồi chia nhau bắt hến. Nhiều gia đình nay trang bị hẳn thuyền máy, chế vợt sắt dài hơn rồi dùng thuyền đảo khắp mặt sông để cào bắt hến. Nhưng có nhiều người, như ông Tô, chọn cách làm truyền thống với cây vợt và đôi chân, lần dò tới lui giữa dòng Trường Giang…
Mưu sinh cùng con nước
Lắm nỗi nhọc nhằn, nhưng bù lại, nghề cào hến mang lại thu nhập khá ổn định cho những người làm nghề. Ông Trần Khánh (TP.Tam Kỳ), nhiều năm nay vẫn không bỏ nghề, dù mỗi ngày phải rong ruổi hàng chục cây số đường sông đi tìm con hến. “Nghề này đi theo con nước. Phải đúng thời điểm nước xuống, hến nổi mới cào bắt được. Nước lớn, hến lặn sâu dưới cát, vừa vất vả, vừa không được bao nhiêu. Tính ra, trung bình mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm nghìn đồng. Nhưng đổi lại, là tay chân nhăn nhúm vì ngâm nước lâu ngày, rồi đạp trúng vỏ ốc, mảnh chai, những bận đau xương khớp khi trở trời” - ông Khánh kể.
Hến được đãi sạch, bán cho tư thương với giá 3.500 đồng/kg. |
Nhặt, đãi, đến xế trưa, ông Tô kiếm được lưng chừng bao hến. Ghe nhổ neo, ngược về làng. Điểm đến, là các lò chế biến hến nằm ngay trong thôn. Chủ lò cân hến, rồi phân loại, hến lớn giá chừng 3.500 đồng/kg, loại nhỏ, giá chỉ chưa bằng phân nửa. Ông Tô trút bao hến cân, nhẩm đếm. Đủ một ngày công, không nhiều, không ít. Có hôm, cũng một mình ông, cào được hơn hai tạ hến. Dưới đáy sông, chẳng ai biết chắc điều gì chờ đợi. Nhiều ít cũng tùy ngày, đó là chưa kể những tai nạn chực chờ. Ông Tô biết điều đó. Nên những chuyến trở về, được nhiều hay ít, cũng bình lặng, như sông. Tôi nhìn cái cách ông già trút bao hến, đem cân, rồi nhận tiền, có chút gì đó thảnh thơi kỳ lạ. Như kiểu, đã quen với được mất, kể cả những ngày ít ỏi, thì cũng sẽ tin một ngày khác nào đó trúng đậm, bù trừ. “Nghề mà, phải có lúc này lúc khác chứ. Tôi già rồi, nhưng còn sức, còn đi được ngày nào thì còn cào hến ngày đó. Như cái nghiệp rồi. Giờ thú thiệt, bỏ nghề, cũng khó kiếm được việc mà thu nhập đều như cào hến”- ông già bộc bạch.
Tôi đi vào một lò hến đang đỏ lửa. Những người phụ nữ luôn tay đảo nồi hến nóng rực, bốc hơi nghi ngút. Nấu chín, đãi tách vỏ, họ đã làm công việc này hàng chục năm, trở thành nơi thu mua, chế biến hến cho hàng chục hộ khác làm nghề cào hến trên sông. Từ những lò lửa nhỏ này, hến đi đến muôn nơi, theo chân thương lái ra Đà Nẵng, ngược vào Quảng Ngãi, tỏa đi các chợ gần. Bảy ký hến vỏ, lấy được một ký hến ruột, mà phải “ba lần sôi, hai lần trào”, rồi đều tay đãi đằng cho tách vỏ, ngó chừng đơn giản, nhưng cũng là tinh hoa của nghề mà họ đã hàng chục năm trời gắn bó. Lửa lò đỏ quanh năm, cũng là nguồn sống của hàng trăm lao động. Từ cái nghề giản dị ấy, mà đổi lấy an lành cho bao gia đình…
Những sợi khói từ lò hến bay lên, cuộn theo gió thổi từ lòng sông rộng. Những chiếc ghe nhỏ đã trở về, neo mình trên bến sông quê. Phía bến, vẫn thấp thoáng những dáng người nhỏ khom mình với những rổ hến. Như một thứ “phù sa” đặc biệt, sông mở lòng, ban phát cho bao phận người quê kiểng tảo tần…
THÀNH CÔNG