Dẫu công việc nhẹ nhàng nhưng phải thức khuya dậy sớm, mẹ con bà Lương Thị Một (xã Điện Quang, Điện Bàn) vẫn làm nghề để cung cấp cây ớt giống cho bà con nông dân trong vùng.
Bà Lương Thị Một tưới nước cho những vỉ ớt giống. Ảnh: THANH THẮNG |
Nghề trồng ớt ở xã Điện Quang phát triển từ hàng chục năm qua, nhưng không ai ở địa phương này quên được nghề gieo ươm cây ớt con của gia đình bà Lương Thị Một (79 tuổi, trú thôn Bảo An Tây). Như đã thành lệ, cứ vào đầu tháng 9 âm lịch, người trồng ớt lại mang hạt ớt giống đến nhà bà Một để nhờ bà gieo ươm giúp. Những ngày này, ngôi nhà của bà Một nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng nói cười của những người đến lấy cây ớt giống. Bà Một kể, bà không nhớ rõ cái nghề ươm cây giống của gia đình bà có từ bao giờ, chỉ nhớ là thời cha của bà đã làm cái nghề gieo ươm cây giống rồi. Hồi đó gieo ươm trực tiếp xuống đất, sau đó bán cho người dân nhổ về trồng. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân bắt đầu trồng cây phát triển kinh tế, vì thế nghề gieo ươm cây con của gia đình bà thịnh hành hơn. “Hồi đó, làm nhiều lắm, nhưng chủ yếu ươm cây ớt và cây thuốc lá. Nhưng thời gian sau, người ta không trồng cây thuốc lá nữa, gia đình tôi chuyển hẳn sang gieo ươm cây ớt mà thôi” - bà Một nói.
Năm nay, dù đã ở tuổi 79, mái tóc đã bạc trắng nhưng đôi tay của bà Một vẫn còn săn chắc. Bằng tâm huyết với nghề, 40 năm qua bà Một cho ra hàng trăm nghìn cây ớt giống tốt cung ứng cho người trồng ớt trong vùng. Để có người giữ nghề, bà Một đã hướng dẫn và truyền nghề gieo ươm cây con cho người con dâu của bà là chị Phan Thị Phượng. Mỗi ngày chị Phượng cùng với bà Một dậy thật sớm để làm bầu bằng lá chuối, rồi cho đất vào gieo ươm hạt ớt giống. Hai mẹ con cùng làm, bà Một cứ thế mà chỉ bảo, truyền dạy kinh nghiệm ươm, khâu kỹ thuật quan trọng nhất của nghề gieo ươm cây ớt con. Có những ngày cao điểm, người dân cần cây giống nên hai mẹ con bà Một phải bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối. Công việc nghề ươm cứ như thế mà kéo dài suốt ba tháng liên tục (từ đầu tháng 9 âm lịch cho đến hết tháng 11 âm lịch). “Nghề này tuy đơn giản, làm việc nhẹ nhàng nhưng phải cẩn trọng, tỉ mỉ nên rất tốn công. Hồi xưa cả xóm người ta thi nhau làm nhiều, thu nhập cũng khá nhưng do phải thức khuya dậy sớm nên nhiều người đã nghỉ” - bà Một chia sẻ.
Tận dụng khoảnh sân trước nhà để làm nơi gieo ươm cây ớt giống, nhưng do ở trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa nên bà Một phải thuê người chặt tre làm giàn, làm khuôn. Mỗi khuôn để được 215 cây ớt con, sau 25 ngày dày công chăm sóc, từ tưới nước cho đến kiểm tra độ phát triển của cây con, mỗi khuôn như vậy kiếm được 35 nghìn đồng lấy tiền công. Trung bình mỗi ngày mẹ con bà Một có thể vào được hơn 15 khuôn tre. Chị Phượng chia sẻ, để cây con phát triển tốt và nhanh lớn, khâu quan trọng nhất làm đất, phải chọn những loại đất thịt, không nên chọn đất cát vì không giữ đủ ẩm và nước cho cây con phát triển. “Tôi làm nghề này cũng được 10 năm rồi, lúc đầu vất vả vì làm liên tục, không nghỉ ngơi, riết rồi cũng quen. Về kỹ thuật gieo ươm, được mẹ chỉ bảo tận tình nên cũng đã nắm vững. Nghề này tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập cũng không đến nỗi nào” - chị Phượng cho biết.
Trung bình mỗi năm, gia đình bà Một sản xuất hàng trăm nghìn cây ớt giống, giúp bà con nông dân trong vùng tiết kiệm được khoảng thời gian gieo ươm cây và đảm bảo tốt nguồn giống chuẩn bị cho mùa vụ mới. Với bà Một, nghề gieo ươm cây ớt giống tuy đơn giản, nhưng tốn công và phải thức khuya dậy sớm suốt ba tháng trời. Dẫu vậy, mẹ con bà vẫn giữ nghề để giúp cho người dân địa phương có cây ớt giống trồng trọt.
THANH THẮNG