Nghề làm dù truyền thống Nhật

QUỐC HƯNG 27/12/2019 13:21

Noriaki Tsujino là một trong số ít nghệ nhân hiện còn say mê với nghề làm dù truyền thống Nhật Bản (còn gọi là wagasa), một nghề thủ công gắn liền với vẻ đẹp văn hóa của xứ hoa anh đào.

Dù truyền thống gây ấn tượng với nhiều du khách đến với xứ hoa anh đào. Ảnh: Freesate Productions.
Dù truyền thống gây ấn tượng với nhiều du khách đến với xứ hoa anh đào. Ảnh: Freesate Productions.

Dù truyền thống Nhật được làm từ các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường như giấy Nhật Bản (washi), dây, tre... và không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa như ca kịch cổ, trà đạo hay các nghi lễ tại nước này. Quen thuộc và ấn tượng nhất với nhiều người đến Nhật là hình ảnh những thiếu nữ Nhật duyên dáng trong trang phục kimono và trên tay cầm tay chiếc dù truyền thống. Dù truyền thống Nhật có nhiều màu sắc và hoa văn rất bắt mắt. Tuy được du nhập từ Trung Quốc từ xa xưa nhưng chính người Nhật mới khiến loại dù này trở nên hoàn hảo và trở thành một trong những biểu tượng truyền thống, nét đẹp của văn hóa Nhật.

Noriaki Tsujino (34 tuổi), một trong 20 nghệ nhân chuyên nghiệp ở Nhật Bản vẫn say mê góp phần gìn giữ nghề làm dù truyền thống - một di sản gần 330 tuổi, đang đứng trước nguy cơ bị mai một cũng như rất khó cạnh tranh với dù công nghiệp có giá rẻ hơn. Noriaki Tsujino nói: “Những gì tôi thích ở dù truyền thống Nhật là hình dáng khi nó được đóng lại, hình tròn của chiếc dù khi mở ra. Mỗi loại dù có hình dáng và phong cách rất riêng. Chúng tôi sẽ nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để đưa dù truyền thống vượt qua những thách thức của thời hiện đại”. Dù truyền thống Nhật rất đa dạng, như dù lớn, nặng thường được nam giới sử dụng; dù nhẹ ít nan tre dùng cho phái nữ, loại lớn hơn nữa thì dùng cho các sự kiện ngoài trời như các buổi trà đạo… Đặc điểm chung của các loại dù này là trông mong manh, song thực ra nếu chăm sóc bảo quản tốt, thời gian sử dụng chúng có thể lên đến 20 năm. Ngoài ra, chiếc ô che được quét một lớp sáp giúp cho nó đàn hồi tốt hơn.

Đam mê làm nghề làm dù truyền thống Nhật từ lúc 25 tuổi, Noriaki Tsujino bắt đầu những chuyến du lịch khắp các vùng của Nhật Bản để học nghề thủ công này. Noriaki Tsujino may mắn trải qua khóa đào tạo nghề nghiêm ngặt dưới sự dạy dỗ của Motohiro Kinoshita - người thừa kế và đứng đầu Tsujikura, công ty sản xuất dù truyền thống lâu đời nhất ở Nhật Bản, từ năm 1690. Motohiro Kinoshita cho biết: “Khi Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai xảy ra, tất cả thợ thủ công ra chiến trường và chúng tôi không còn ai, các hoạt động của Tsujikura rơi vào bế tắc. Sau này, tôi bắt đầu nuôi dưỡng một thế hệ thợ thủ công tiếp theo những mong họ sẽ truyền lửa nghề cho hôm nay và cả mai sau, gìn giữ một nét tinh hoa văn hóa người Nhật. Những thợ thủ công trẻ tuổi như Tsujino là chìa khóa cho sự sống còn của di sản wagasa”.

Để hoàn tất một chiếc dù truyền thống, một nghệ nhân phải làm việc chăm chỉ trong nhiều ngày liền, có khi mất hàng tháng tùy theo yêu cầu của khách hàng, đơn đặt hàng. Sau khi tỉ mẩn vót nan và hoàn thành bộ khung thủ công này, nghệ nhân sẽ vẽ trang trí cho giấy washi bằng các họa tiết, hoa văn truyền thống đặc trưng của Nhật như chim muông, hoa lá, chủ đề liên quan đến các điển tích cổ xưa. Đối với dù đi mưa, còn phải trải qua công đoạn cuối cùng là sơn phết các loại dầu thực vật như dầu lanh, dầu ngô đồng hay mủ hồng lên giấy để chống thấm nước. Công đoạn quan trọng nhất là tạo ra bộ khung của dù vì việc đan nan dù đòi hỏi kỹ thuật của người nghệ nhân.

Nghệ nhân Noriaki Tsujino cho hay, câu chuyện về chiếc dù truyền thống Nhật sẽ được các nghệ nhân giới thiệu với bạn bè trên thế giới nhân dịp Thế vận hội mùa hè 2020 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề làm dù truyền thống Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO