Nghệ nhân làng

NGỌC KẾT 23/02/2019 03:18

Ở xứ Gò Rùa làng Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), tôi gặp ông Nguyễn Quốc - một người đam mê tạo tác những đồ dùng quen thuộc trong gia đình người Việt như bàn ghế, ấm chén trà, giường tủ hay các loại tượng chân dung bằng gốc tre.

Ông Quốc bên một sản phẩm.Ảnh: NGỌC KẾT
Ông Quốc bên một sản phẩm.Ảnh: NGỌC KẾT

Ông Quốc sinh năm 1957, là một nông dân chính hiệu. Lúc nông nhàn ông để tâm trí vào việc mày mò chế tác các món đồ dùng thủ công mỹ nghệ từ gốc tre. Ông Quốc như một nghệ nhân thực thụ khi dẫn dắt chúng tôi đi qua quy trình tạo tác mỹ nghệ của mình. Chúng tôi theo ông, lang thang dọc làng Liễu Thạnh với những bờ tre ken dày chạy men theo đường làng, đồng lúa và những con suối nhỏ. Ở đó, ngoài những cây tre vươn mình lên bầu trời xanh là vô số những gốc tre còn lại sau khi thân bị đốn hạ. Ông chỉ vào những gốc tre già và cho biết, công đoạn đầu tiên là đào gốc tre mang về phơi khô, ngâm qua nước một thời gian cho gốc tre đủ độ săn chắc và không bị mối mọt. Sau đó, ông Quốc vớt tre lên phơi lại cho khô để có thể bắt đầu quá trình tạo hình.

Không xuất thân từ gia đình có truyền thống mộc hay chạm khắc lại chưa hề học qua thủ công mỹ nghệ, nhưng với ông Nguyễn Quốc, công việc này giống như một sự sắp đặt và luôn khiến ông phải dồn hết tâm lực vì nó. Gốc tre sau khi phơi khô trở lại, được ông Quốc đưa vào một khu vực nhỏ mà ông gọi đùa là “xưởng mỹ nghệ” của mình. Và ở đó, ông mặc sức thả hồn cùng những ý tưởng chạm trổ, đục đẽo. Ông bắt đầu từ những vật dụng dễ làm khá quen thuộc như những chiếc ghế đẩu, những cái bàn ăn xinh xắn rồi đến những vật có cấu tạo phức tạp hơn, đòi hỏi phải dày công nghiên cứu hình hài, chạm trổ hoa văn, đường nét…

Sau khi thị phạm cách làm một số vật dụng ở “xưởng mỹ nghệ”, ông Nguyễn Quốc đưa chúng tôi tham quan thành phẩm từ gốc tre của mình. Trong ngôi nhà ngói hai gian nằm lọt giữa khu vườn xanh chuối lùn và nhiều loại cây quen thuộc, ông bày biện tất cả tác phẩm như một “cuộc triển lãm mở” không theo thứ tự và bố cục sắp xếp nào. Một bộ bàn ghế sa-lông có những đường nét uốn lượn kỳ công ông dùng làm nơi tiếp khách. Trên bàn là bộ ấm trà rất đẹp mắt - sản phẩm ông đã dày công làm nên từ những gốc tre già mà phải vất vả lắm ông mới đưa về được từ bụi tre bên bờ con suối ngoài cánh đồng.

Một số sản phẩm bằng tre của ông Quốc.
Một số sản phẩm bằng tre của ông Quốc.

Chúng tôi khá thú vị khi chạm mắt vào những chiếc giường rất nghệ thuật nhưng không kém phần chắc chắn vì được thiết kế công phu từng chi tiết. Không sơn phết màu mè, chỉ đơn thuần là màu của gốc tre nên nhìn chiếc giường ta có cảm giác thân quen, ấm áp vô cùng, như cái thuở còn thơ nằm trên chiếc giường tre trong ngôi nhà cha mẹ ở quê. Ngoài những tác phẩm công phu, ông Nguyễn Quốc còn chú tâm tìm kiếm những cội tre nằm sâu trong lòng đất còn nguyên bộ rễ để từ đó thêm thắt ý tưởng, đục đẽo… cho ra nhiều chân dung ông công, ông địa, quan tướng… khá ấn tượng. Tất cả như một bộ sưu tập mỹ nghệ từ gốc tre hiền hòa, gần gũi nhưng lại gửi gắm bao điều muốn nói về cuộc sống, về khả năng sáng tạo nghệ thuật từ chính những đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân miền quê xứ Quảng. Sản phẩm của ông Quốc tuy không tinh xảo như vẫn thường thấy ở những xưởng chế tác thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, nhưng giá trị của nó chính là niềm đam mê, sự kỳ công khám phá, sáng tạo của một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Ông Nguyễn Quốc làm các sản phẩm thủ công này chỉ để cho mình và khách đến chơi chiêm ngưỡng, tuyệt nhiên chưa thấy buôn bán gì. Gần đây, khi nguyên liệu gốc tre ở xứ Gò Rùa dần vơi đi, ông Nguyễn Quốc lại chuyển sang làm tượng, phù điêu từ... xi măng. Niềm đam mê nghệ thuật cứ kéo ông đi qua những tháng ngày cần lao mà không hề thấy mỏi mệt. Bởi ông bảo rằng, chỉ khi đến với công việc này, tâm hồn ông mới trở nên thanh thoát và thăng hoa. Làm được điều gì đó mà người đời xem qua và nói “đẹp” là người nông dân như ông đã mãn nguyện rồi.

Cũng ở xóm Gò Rùa, tôi còn gặp bà Nguyễn Thị Bông, còn gọi là Tám Bông - một nghệ nhân hò khoan nhân ngãi của làng. Bà Tám Bông tuy tuổi đã cao (ngoài tám mươi) nhưng còn khá minh mẫn. Bà kể, cái thời dù khổ cực ly tán ấy phải chạy nguồn chạy biển trăm bề kiếm cơm nuôi gia đình, nhưng không khí văn nghệ thì lúc nào cũng rạo rực. Ngày ấy, bà Tám còn trẻ, giọng hát thắm thiết vô cùng đã khiến không biết bao trai làng mê mệt. “Thiệt với mấy chú chứ hồi nớ mà cha mẹ không can ngăn thì chắc tui đã đi theo nghiệp hát xướng mất rồi. Cái thời vui chi lạ, cực cách mấy nhưng hễ nghe ở mô có đám hát hò khoan ứng đáp là phải lặn lội tìm tới cho bằng được. Tới, hát vài ba câu cho thỏa lòng rồi về. Chừ tuổi già, răng rụng hết có hát hò chi được mô!” - bà nói.

Bởi niềm yêu mộc mạc mọi thứ quanh mình nên có lẽ, sẽ dễ dàng tìm thấy những nghệ nhân như ông Quốc, bà Bông ở bất kỳ làng quê nào trên đất Quảng. Tôi gọi họ là “nghệ nhân làng”.

NGỌC KẾT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ nhân làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO