Nghệ sĩ với trăn trở thời cuộc

NGUYỄN TẤN ÁI 20/02/2022 06:50

Với đại dịch Covid, cùng một vấn đề nhưng lại được văn nghệ sĩ tư duy ở nhiều phương diện khác nhau. Mau chóng vượt qua bước đi ban đầu có tính tự phát và còn ở bình diện bề mặt, văn nghệ Quảng Nam đi vào chiều sâu trong chiều kích nhận thức và phản ánh đời sống.

Cần độ lùi nhất định để nhận chân giá trị, tạo nên tác phẩm xứng tầm thời cuộc. Ảnh minh họa: Ảnh đơn “Niềm tin” của Phan Vũ Trọng, một trong 3 tác phẩm đoạt giải A của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021.
Cần độ lùi nhất định để nhận chân giá trị, tạo nên tác phẩm xứng tầm thời cuộc. Ảnh minh họa: Ảnh đơn “Niềm tin” của Phan Vũ Trọng, một trong 3 tác phẩm đoạt giải A của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021.

Những chuyển điệu

Covid là giãn cách. Với nhà văn Tiêu Đình trong “Ở nhà chống dịch” lại có phần ung dung. Đại dịch tuy có làm con người giãn cách nhưng mối quan tâm với nhau lại thêm phần sâu sắc.

Nếu Tiêu Đình với tuổi đời già dặn và sự từng trải có cái nhìn “tri thiên mệnh” thì nhà thơ trẻ Đỗ Tấn Đạt lại có những ưu tư khác: “Anh giãn cách nỗi buồn/ Qua làn khói trắng/ Và mơ về quê nhà/ Mẹ anh đang đợi/ Cha anh đang đợi/ Bông cà tím vào lòng anh bài thơ cố xứ” (Hơn cả một đại dịch).

Covid là đau thương và cái chết là điều không tránh khỏi, song thái độ và nhận thức của con người với vấn đề như thế nào? Những trang mạng xã hội đôi khi vô tâm đưa những hình ảnh đau thương như là khuếch đại tang thương. Nhà thơ Nguyễn Mậu Hùng Kiệt chỉ bằng một mẩu hai-ku đã nhắc nhẹ mà thấm sâu: “Ở đám tang này/Âm thanh khuếch đại/ Cấp số nhân niềm đau”.

Nhà văn nữ Hồ Loan trong “Bông lài nở trong mưa” qua câu chuyện về sự ra đi của nhân vật Gái, một ra đi ảm đạm. Song tác phẩm đã không kết lại ở nỗi buồn khi nhân vật con trai trong truyện đã nghĩ sẽ đưa Gái ra khỏi khu vườn chật hẹp của chú Út, sẽ là hình ảnh Gái được vẽ lên cánh hoa lài. Thông điệp nhẹ nhàng mà đọng thật sâu: qua Covid, con người biết trân trọng những yêu thương, và quan trọng hơn, níu giữ những yêu thương!

Covid là nhịp sống, nó đã làm thay đổi nhịp điệu cuộc sống. Chúng ta đã sống quá vội vàng. Yêu nhau vội vàng. Chia tay vội vàng. Đại dịch đã bắt buộc chúng ta phải nhìn lại cách sống của mình mà chậm lại, nhận chân những giá trị mà trong lúc vội vàng tăng tốc chúng ta vô tình đánh mất. Đó chính là thông điệp mà nhà văn Lê Trâm gửi gắm trong “Về soi bóng nước”.

Covid là lo lắng, Covid có làm con người xa nhau? Có khuấy động lên lòng ích kỷ? Nhà thơ Đỗ Thượng Thế đã thật trải nghiệm trong lời thơ: “Vùng vẫy trong biển trời quay quắt nhớ/ Họ trao nhau/ Tiếng chuông trong ngực” (Khúc ballad nụ hôn).

Song cũng chính anh lại rất đỗi lạc quan: “Tình yêu thương muôn đời miễn nhiễm” (Những ngày đi). Cùng một cảm quan giàu niềm tin như thế, Đỗ Tấn Đạt thâm trầm trong lời thơ: “ở nơi sự sống và cái chết giáp mặt/ điều gì cách ly được tình yêu?”.

Đại dịch tràn qua cuộc sống như và hơn cả một cơn bão lớn. Nhà thơ Lê Thị Điểm dỗ dành: “Không sao cả”/ Hãy tự trấn an mình/ Ơi phố/ Học ý chí của người đi biển/ trước sóng lớn gió to… (Rồi sẽ bình yên ơi phố).

Chưa có tác phẩm xứng tầm

Có thể khái quát tinh thần chung của văn nghệ sĩ trong mảng đề tài này cũng qua lời thơ của nhà thơ Lê Thị Điểm: “Vào cuộc marathon trên đường sinh tử/ Mắt hướng về chân trời đỏ thắm” (Thắm mùa xuân).

Rọi tia hy vọng như thắp lên một ánh lửa để xua đi đêm tối đó là tinh thần văn nghệ Quảng Nam trong hai năm qua. Và cái nhìn đã thoát khỏi sự dễ dãi bề mặt để đi vào chiều sâu, sâu ở cảm xúc, sâu ở tư duy, sâu trong nhận thức…

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành công, vẫn còn vài hạn chế cơ bản là ở xử lý đề tài. Chúng ta chưa có được những trang trực diện về Covid như sự lục vấn, cày xới, soi chiếu để đặt ra vấn đề có tầm cỡ hơn. Điều mà Kim Lân trong “Vợ nhặt”, Văn Cao trong “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” đã làm được với nạn đói những năm 1944 - 1945.

Chúng ta cũng chưa có được tác phẩm tầm cỡ với vấn đề mang tính toàn cầu này như Albert Camus, nhà văn người Pháp, đã làm với tác phẩm “Dịch hạch” khi viết về nạn dịch hạch, hay như Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) đã làm với “Đinh Trang mộng” khi viết về đại dịch AIDS.

Tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở hai phương diện chính: Chưa có một độ lùi thời gian đủ dài, đủ lâu để người nghệ sĩ có thể sống kỹ với vấn đề của cuộc sống. Lại nữa, để có được một tác phẩm có tầm thì người nghệ sĩ không chỉ biết dấn thân vào cuộc đời mà còn phải biết dấn thân vào cuộc văn. Có lẽ văn chương với phần lớn văn nghệ sĩ Quảng Nam chỉ vừa mới là cuộc phơi trải cảm xúc mà chưa thật là một cuộc dấn thân chăng?

Không ai lấy tai ương làm cơ hội. Song cần lắm những trang viết về cuộc thử thách đau thương này như một trải nghiệm, như một nhắn nhủ cho mai sau, rằng để có một cuộc sống bình yên là không dễ, rằng tai ương có thể ập đến bất cứ lúc nào ngay cả khi ngỡ như bình yên nhất. Nên chuẩn bị một tinh thần sống vững chãi để sẵn sàng đối mặt là cần thiết. Và cần thiết hơn là phải thật nhận biết giá trị của từng phút giây cuộc sống.

Tôi nghĩ khi cảm xúc đủ chín, trải nghiệm đủ ngấm, và nhận thức vấn đề đủ sâu, những văn nghệ sĩ của chúng ta sẽ để lại những trang viết đúng tầm hơn. Là chờ đợi!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ sĩ với trăn trở thời cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO