Nếu phải nhặt riêng một câu chuyện nghệ thuật của giới trẻ bây giờ, hẳn sẽ không ít người cùng chung cất lời - là nghệ thuật đường phố. Phong trào du ca, âm nhạc đường phố, hay rộng hơn, là tự nhiên bày cuộc chơi nghệ thuật giữa một đám đông... đang trở nên thịnh hơn bao giờ hết. Vì hẳn, nghệ thuật đi đến tận cùng, là chạm đến trái tim con người, không phân biệt đẳng cấp, không gian biểu diễn...
1. Một nhóm những người rất trẻ, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, hầu như sáng Chủ nhật nào cũng có mặt tại Phiên chợ xanh Hội An. Chỉ với guitar, trống cajon, âm thanh hầu như mộc, với những bản acoustic khá trẻ trung, nhóm bạn trẻ này thu hút rất đông lượt người vây quanh.
Lắng nghe. Thích thú. Những khán giả có cả Tây cả ta đều gần như chung cảm xúc về một không gian tràn đầy năng lượng mà những người trẻ này mang tới. Không có cho riêng mình một tên gọi, họ chỉ đơn giản là những sinh viên tại TP.Đà Nẵng, vì yêu không gian ở Hội An mà tìm đến. Và vô tình lựa chọn khoảnh đất trống dưới một tán cây tại công viên phố Hội để làm nơi tụ hội và biểu diễn.
Vì là không gian mở, nên bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể tham gia. Từ những người hoàn toàn xa lạ, các bạn trở thành những người bạn, người anh em. Và có lẽ, minh chứng cho điều đó, là cứ mỗi lần nhóm sinh hoạt, lâu lâu lại có vài bạn trẻ mang thêm những cây đàn đến. Sau màn chào hỏi, họ ngồi lại xếp thành một vòng tròn, cùng vui, cùng sinh hoạt, cùng đàn hát. Tự nhiên như chính đây là nơi dành cho họ.
Quảng trường 24.3 của TP.Tam Kỳ. Nhiều đêm cuối tuần, người rảo bộ dọc các con đường trong khuôn viên, cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy những người trẻ với các hoạt động tương tự như tại các đường phố của các đô thị lớn. Những người trẻ say sưa đàn hát. Thậm chí ngay ban ngày, có những nhóm hoạt động liên quan đến mỹ thuật, điêu khắc, sinh hoạt cộng đồng lựa chọn chốn này để làm nơi gặp gỡ. Nhiều hơn những người trẻ tìm đến với các bộ môn nghệ thuật khác nhau, để cùng sẻ chia các kiến thức vừa cập nhật hay những kỹ năng mới chẳng hạn.
Quảng Nam có thế mạnh rất lớn ở câu chuyện của chính các CLB, đội nhóm tại các địa phương. Hiện tại, các sân chơi văn nghệ đã không còn bó hẹp tại các đô thị mà đã mở ra đến từng địa phương. Mỗi một vùng đất với bản sắc của mình đã kịp dựng nên một không gian gặp gỡ cho chính những cư dân trẻ của mình. Như Quế Sơn - cái nôi của tuồng xứ Quảng, mỗi năm đều tổ chức cho được liên hoan tuồng, như một cách để khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ và kiếm tìm nhân tố mới, bồi đắp cho bản sắc địa phương.
2. Cộng đồng người trẻ quan tâm thưởng thức văn hóa không nhỏ và đã ngày càng mở rộng hơn nữa. Người đồng sáng lập nên chương trình “Gặp gỡ mùa Thu” đầy ấn tượng, chị Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, điện ảnh, âm nhạc Việt Nam đang đón nhận những tác phẩm, dự án văn hóa vô cùng thú vị. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thế hệ trẻ, và điều cần làm là hãy để họ nói chuyện với nhau, thay đổi góc nhìn, tiếp thu cái mới, cái hay. Và điều đặc biệt hơn khi ngày càng nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật truyền thống hơn. Chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, những người trẻ đã sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng mà vẫn giữ hồn cốt vốn có. NSND Từ Minh Hiệp nói, đã thấy có một bộ phận bạn trẻ ngày càng muốn tìm tòi những giá trị đúng, giá trị gốc của nghệ thuật truyền thống dân tộc và điều này rất là đáng quý. Chính các bạn đã tìm tòi và sáng tạo hơn cả những lớp đàn anh đi trước và đây thực sự là điều rất đáng mừng.
Nghệ thuật truyền thống qua lăng kính của các nghệ sĩ trẻ đã thật sự gợi mở những phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, là cái nhìn đầy sáng tạo của một lớp người mới trước một thành trì văn nghệ làm nên bản sắc cho vùng đất. Người ta chứng kiến nhiều hơn những dự án do chính người trẻ sáng lập và thực hiện, như câu chuyện vẽ mặt nạ tuồng tại phố Hội.
Những tranh vẽ bằng cả trái tim và sự rung cảm của mình, họ đã phác họa nên một diện mạo khác của hát bội. Vài câu chuyện để thấy những tín hiệu vui trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Sẽ không cần phải quá khắt khe để nhất mực giữ lấy nguyên tác, nhưng biết trân quý lấy cái hồn dân tộc trong mỗi một bộ môn nghệ thuật, hay lần giờ từng mảnh nhỏ của tinh thần dân tộc ẩn trong từng loại hình nghệ thuật này một cách trân trọng, thì chính cội rễ này sẽ giúp thế hệ trẻ vươn xa hơn.