Những tháng ngày càng gần đến tết, lòng người chợt nhớ nôn nao câu ca ngày cũ: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè”. Làng quê ở một thời quá vãng, ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng đưa ông Táo về trời cũng là lúc cây nêu được dựng lên. Sau nhiều năm phôi phai, tục dựng nêu đã được khôi phục trở lại vài năm gần đây như một cách “ôn cố tri tân” mỗi khi tết đến, xuân về.
Phải chăng đó cũng là lát cắt của một phần ký ức (mà ký ức thì luôn hiện hữu trong đời sống của mỗi người chúng ta). Cứ như thế, từ trong nghĩ suy, trong hành động đã có được những trân trọng, giữ gìn những điều thuộc về giá trị của ngày tết. Để rồi trong chúng ta thầm nhìn, thầm nhớ và thầm cảm nhận tết xưa - tết nay, tết quê - tết phố.
Để ý sẽ thấy trong vài năm trở lại đây đã có vấn đề được đặt ra rằng nên bỏ ăn tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào. Lời giải thích được đưa ra cho căn nguyên này thật giản đơn, đó là Tết Nguyên đán hiện nay gây ra một số phiền lụy về thời gian, vật chất khiến con người mệt mỏi. Lời giải thích có thể đúng nếu nhìn vào hiện tượng nhưng lại trật bài trong bản chất (bản sắc) tết truyền thống của người Việt. Nói cách khác, phiền lụy vì tết nếu có chỉ xuất phát từ thái độ sống và cảm nhận tết như một lý do cân đo đong đếm hơn thua được mất chứ không phải là một sự kiện có giá trị nhân văn sâu sắc hơn nhiều.
Chúng ta đang phải đối mặt với bao phiền muộn của đời sống xã hội và khía cạnh đạo đức nhiều nhức nhối. Vậy nên, chính những giá trị tinh thần mà tết mang lại là vô bờ. Tết hẳn nhiên chỉ gói gọn trong mấy ngày nhưng sâu thẳm lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của cộng đồng dân cư và văn hóa Việt. Tết đâu chỉ giản đơn là sự kết thúc một chu kỳ thời gian tính theo năm tháng. Hơn cả, đó là sự dừng lại, sống chậm đi cùng ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm để con người ta soi lại mình và lay động cũng như thức tỉnh những điều tử tế hơn.
Tết cũng là lúc lòng người xa xứ cựa quậy nỗi nhớ quê hương cùng những người thân yêu của mình. Trong chộn rộn và tất bật đó là quãng thời gian mà con người ta nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất, da diết nhất. Rất tự nhiên, nó gieo vào lòng người những hạt giống tâm hồn của yêu thương, kết nối, lan tỏa và cả sẻ chia.
Vì lẽ đó, tết xưa - tết nay hay tết làng - tết phố có còn vẹn nguyên hay không chính là trong cách nghĩ suy, trong tâm tưởng, trong cảm thụ và trong cách đón nhận tết của mỗi người mà thôi. Món quà ngày xuân mới nào bằng ngày gia đình sum họp. Hạnh phúc nào bằng hạnh phúc tết đoàn viên! Vậy nên, với tết, ký ức tốt đẹp vẫn ở đó. Những điều nhân nghĩa vẫn luôn ở đó. Sự tử tế vẫn như cỏ xanh quanh mỗi chúng ta.