Chị Trương Thị Hương (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình), một góa phụ có chồng là nạn nhân của cơn bão Chanchu năm 2006, một mình bươn chải nuôi 4 con ăn học nên người.
Mang thai đứa con út gần đến ngày sinh thì chị nhận được tin chồng bị nạn trong cơn bão Chanchu, chị gục ngã trên nền nhà không ăn uống trong mấy ngày liền. Được bà con hàng xóm và người thân chăm sóc, động viên, dần dần chị cũng bình phục và chuẩn bị cho ngày sinh nở. Đứa bé có tên khai sinh là Nguyễn Thị Chan Chu để ghi nhớ ngày bé ra đời không thấy mặt cha, trong sự đau thương của người dân làng biển. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị Hương quyết định đổi tên bé thành Nguyễn Thị Bảo Ngọc vì sợ cái tên kia sẽ nhắc nhớ nỗi đau…
Sau khi chồng bị nạn, nhìn đàn con nheo nhóc, nhiều người không khỏi ái ngại và thương cảm cho chị. Lao động chính của gia đình mất đi, trong khi bản thân chị đau ốm triền miên không làm được việc nặng nhọc, hay bị xây xẩm do chứng rối loạn tiền đình. Sinh thời, chồng chị là một người đàn ông khỏe mạnh, luôn cáng đáng mọi công việc gia đình vì chị quá ốm yếu. Với sức vóc của mình, anh lao vào làm việc không nghỉ. Hết đi biển khơi lại về đi biển lộng để cố gắng nuôi con cho bằng anh bằng em. Chị Hương kể, khi còn sống, nhiều lần anh nói với vợ “đói no chi mình cũng ráng cho con ăn học”, rồi anh còn dặn mấy đứa con “không đứa mô được bỏ học, bỏ học giữa chừng là ra khỏi nhà, đi mô thì đi”. Trước chuyến biển định mệnh, không biết linh tính mách bảo sao mà anh cứ dặn đi dặn lại chị Hương là ráng cho mấy đứa ăn học đến nơi đến chốn. Anh còn nói “con gái mình mà được học làm cô giáo để sau này ra dạy học thì tốt hơn” và còn động viên chị cố gắng ăn uống để có sức mà vượt cạn. Chuyến đi ấy chồng chị mãi mãi không về…
Sau khi sinh nở, lấy lại tinh thần, nhớ lời chồng dặn, chị Hương quyết định phải gượng dậy mà nuôi con để chúng thành người. Với sự trợ giúp của nhiều nhà hảo tâm, chị được hỗ trợ một số tiền trang trải những khó khăn trước mắt. Đầu tiên là phải trả khoản nợ mấy chục triệu vay mượn để làm nhà, còn một ít gửi ngân hàng lấy lãi và để dành cho con ăn học. Tuy nhiên, với một gia đình quá khó khăn, con đông và đang ở tuổi ăn học, lao động chính không còn thì số tiền hỗ trợ kia cũng nhanh chóng cạn kiệt nên chị phải bươn chải. Việc đầu tiên là chị trở lại với nghề phơi cá bò. Muốn thu nhập cao thì phải chịu khó làm thêm ở bộ phận kiểm hàng, việc này đòi hỏi phải làm thêm giờ và phải thức khuya, dậy sớm. Vì vậy, dù sức khỏe không cho phép, chị vẫn ráng. Cứ tầm 3 giờ sáng là chị cọc cạch đạp xe đến xưởng làm, mang theo đùm cơm với ít cá kho mặn để ăn buổi trưa, đến khuya mới về nhà. Ngoài công việc phơi cá, chị còn tranh thủ nuôi heo nái đẻ để kiếm thêm thu nhập. Cứ đi làm về lúc nào là chị quảy thùng đi gom nước cơm và thức ăn thừa của hàng xóm về chăn nuôi. Đứa con gái lớn thấy chị vất vả cũng tranh thủ từng buổi để giúp mẹ, cứ học một buổi là về đi phơi cá bò, Chủ nhật thì đi làm cả ngày. Việc phơi cá bò gia công đòi hỏi đôi tay nhanh nhẹn nên con bé làm nhanh hơn mẹ, tuy không thường xuyên nhưng thu nhập cũng tạm đủ để em lo chuyện sách vở. Đứa con gái thứ ba chỉ chừng hơn 10 tuổi vừa đi học vừa phải lo cáng đáng chuyện giữ bé út và trông chừng thằng bé thứ tư. Cứ như vậy, cả nhà dắt díu nhau đi qua cái khổ. Ơn trời, từ ngày chồng mất chị ít khi bị đau ốm. Những đứa con của chị cũng vậy, “lớn như dưa” và “không bị trục trặc” gì. Một điều an ủi lớn để chị vượt qua mọi khó khăn là đứa nào cũng cố gắng học. Năm 2014, đứa con gái thứ nhì đã mang tin vui về cho mẹ là đã tốt nghiệp với tấm bằng đại học sư phạm loại giỏi ngành vật lý. Tuy nhiên, ra trường đã hơn 2 năm mà chưa xin được việc làm, em đành phải chọn giải pháp đăng ký học để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nhằm giúp mẹ giải quyết bớt những khó khăn trước mắt. Cũng trong năm 2014, đứa con gái kế tiếp thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, hiện đang học năm thứ ba, em vừa làm thêm bằng việc phụ giúp bán cà phê để trang trải cho việc học. Đứa con trai cũng là một học sinh khá của lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cu cậu có nhiều biệt tài với các linh kiện điện tử, tự mày mò lắp ráp những thiết bị đồ chơi điều khiển từ xa, kể cả máy bay mô hình từ các vật dụng người ta bỏ đi. Còn con bé út “Chan Chu” đang học lớp 5, cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền.
Hiện gia đình chị Trương Thị Hương vẫn còn rất khó khăn, nhưng theo tâm nguyện của chồng, chị đang cố gắng thực hiện bằng chính nghị lực của mình!
CÔNG HÙNG