Nghị lực của Hạnh

HUYỀN CHI 08/09/2015 09:26

Không đầu hàng trước số phận cay nghiệt, trên đôi nạng gỗ khập khiễng, chị đã dũng cảm vượt qua nghịch cảnh và từng bước khơi dậy ánh sáng cuộc đời.

Người phụ nữ ấy là Lê Thị Hạnh (45 tuổi, trú thôn Viêm Tây, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) - chủ cơ sở nước mắm đang ăn nên làm ra và đang khẳng định thương hiệu ở thị trường các tỉnh miền Trung.

Cơn sốt bại liệt từ năm lên 3 đã vĩnh viễn tước đi tuổi thơ vui đùa chạy nhảy bằng đôi chân của cô bé mồ côi Lê Thị Hạnh. Nhớ về ký ức tuổi thơ, chị Hạnh kể: “Ba mất từ hồi tôi mới 7 tuổi. Nỗi tủi hổ về cơ thể khiếm khuyết trên đôi chân khiến tôi đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng khi thức tỉnh và mong muốn chấm dứt cảnh sống dựa dẫm, tôi đã gắng gượng đứng dậy với khát khao vượt lên số phận”.

Trên đôi nạng gỗ, người phụ nữ khuyết tật đã vượt lên số phận để làm giàu. Ảnh:  HUYỀN CHI
Trên đôi nạng gỗ, người phụ nữ khuyết tật đã vượt lên số phận để làm giàu. Ảnh: HUYỀN CHI

Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nhưng chị khiến nhiều người nể phục bởi chỉ sau những buổi học lỏm qua cánh cửa lớp học, chị đã đọc, viết thành thạo, thậm chí các nghề thủ công như thêu thùa, chằm nón cũng trở nên dễ dàng với một cô gái khuyết tật như chị. Chứng kiến quá trình vượt lên số phận của chị, bà con làng Viêm Tây ai nấy tấm tắc ngợi khen nhưng chẳng ai dám tin rằng có ngày người phụ nữ gắn thân mình với đôi nạng gỗ suốt mấy chục năm qua lại bỗng chốc vươn mình trở thành bà chủ của cơ sở nước mắm vang tiếng khắp vùng. “Sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi tìm hướng phát triển kinh tế, tôi đã học hỏi và đúc kết cho mình phương pháp chế biến nước mắm. Năm 2010, tôi quyết tâm thực hiện dự định ấp ủ với vốn liếng hơn 100 triệu đồng vay từ ngân hàng để đầu tư trang thiết bị và nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm” - chị Hạnh nói.

Chị Hạnh tâm sự, để gặt hái thành công của ngày hôm nay, chị đã nếm trải đủ cay đắng và cả nước mắt. Chị nói không thể quên cảm giác thất bại ngay từ mẻ mắm đầu tiên. Hàng trăm can nước mắm làm ra không đạt tiêu chuẩn và vấp phải sự tẩy chay của người tiêu dùng. Và sau những chông gai khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, thương hiệu nước mắm mang tên Tuyết Hạnh đã khẳng định vị thế trên thị trường nước mắm miền Trung.

Ở cơ sở chế biến nước mắm của chị Hạnh luôn thường trực trên dưới 30 lao động. Phần lớn là lao động có hoàn cảnh ngặt nghèo, tất cả đều được chị nhận về đào tạo nghề. Nhắc đến chị Hạnh, anh Trần Phước Đà xúc động: “Thương cho hoàn cảnh của tôi, chị đã tìm đến tận nhà và nhận tôi về cơ sở để truyền nghề, sau đó tạo công ăn việc làm với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà tôi đủ sức nuôi 4 con ăn học cùng vợ và mẹ già ốm đau triền miên”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, giúp đỡ lao động nghèo có công ăn việc làm, chị còn tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương. Đặc biệt, nguồn thu từ hoạt động sản xuất nước mắm hàng năm luôn được người phụ nữ này trích một phần để nhận bảo trợ cho trẻ mồ côi, tiếp sức học trò nghèo đến trường và phụng dưỡng người già neo đơn.

Bà Võ Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Điện Bàn nói: “Mặc dù tàn tật nhưng chị Hạnh đã vượt qua hoàn cảnh để phát triển kinh tế và nuôi dạy con gái hiện đang học lên đại học. Những nghĩa cử vì cộng đồng của chị Hạnh rất đáng ngợi khen bởi chị luôn hết lòng giúp đỡ người nghèo cả trong và ngoài thị xã”.

HUYỀN CHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực của Hạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO