Sớm thiếu vắng tình thương của cha, hàng ngày phải cùng mẹ lặn lội hơn 50 cây số để nhặt ve chai kiếm tiền trang trải cho việc học nhưng với em Nguyễn Thị Hồng (SN 1996, tổ 8, thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, Thăng Bình) những khó khăn về vật chất ấy chưa khi nào đánh gục được ước mơ nuôi con chữ trong em.
Tuổi thơ của Hồng là những ngày dậy từ 3 - 4 giờ sáng cùng mẹ đi nhặt ve chai dọc theo tuyến quốc lộ 1, ra đến Điện Bàn rồi quay ngược về lại để bán. Khoản tiền kiếm được đó chính là nguồn chi tiêu cho gia đình 4 người và cả thêm trang trải chi phí cho việc học của 2 chị em. Sau những giờ học ở trường, Hồng lại tất tả theo mẹ ra đồng để mò ốc. Một ngày của em cứ thế quần quật và kết thúc vào lúc 21 giờ. Giờ mà mọi người đi ngủ, em lại chong đèn học bài đến khuya, khi nào hoàn thành bài tập, chuẩn bị kỹ càng cho buổi học ngày mai, em mới đi ngủ. Vượt qua khó khăn, bây giờ Hồng đã là sinh viên năm 2, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Nhận được sự quan tâm của Hội Khuyến học địa phương, Hồng luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Ảnh: THÚY ƯU |
Tại buổi trao thưởng của Hội Khuyến học xã Bình Phục vừa qua, câu chuyện của em khiến chúng tôi rưng rưng, được em kể bằng giọng nhẹ bâng. Cái cảnh, ăn bữa trưa lo bữa tối hay nỗi lo khi kỳ nộp học phí đến gần, ngần ấy năm qua mãi đeo đuổi trong tâm trí của chị em Hồng. Đặc biệt, với nhưng ngày đầu mới nhập học ở Đà Nẵng, nỗi lo ấy càng nhân đôi. Sau những giờ học trên giảng đường, Hồng lại tiếp tục công việc của những năm tháng ấu thơ, ngược xuôi các con phố để nhặt ve chai; tối đến, lại nhận dạy kèm hay phụ việc ở một cửa hàng nào đó. “Em đăng ký học ngành sư phạm để đỡ tiền học phí. Ý thức được nhà mình nghèo, nên em luôn cố gắng làm thêm, cứ rảnh là em làm. Và em nghĩ những công việc em từng làm cũng góp phần tạo nên động lực để em nỗ lực học tốt hơn” - Hồng chia sẻ.
Nhắc đến Hồng, chị Võ Thị Hoa - mẹ của em không thể nén được những giọt nước mắt. Vốn mang trong mình căn bệnh thoát vị đĩa đệm, sức khỏe càng ngày càng giảm, không thể lao động nặng được nhưng chị vẫn cố gắng làm lụng, chắt chiu để tiếp sức cho 2 con trên con đường nuôi con chữ. Chị Hoa tâm sự: “Nhà nghèo, mặc dù đau yếu nhưng thấy con ham học nên cũng cố gắng làm để nuôi con đến nơi đến chốn”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Phục cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân nuôi 2 con ăn học cùng mẹ già nhưng 2 con của chị Hoa đều có tinh thần vượt khó, ý chí và nghị lực vươn lên. Riêng Hồng, mặc dù làm thêm để kiếm tiền tự lo cho bản thân ăn ở, học hành tại Đà Nẵng nhưng cháu luôn là sinh viên giỏi của trường, từng được nhận học bổng đất Quảng. Về phía địa phương, luôn tranh thủ vận động từ các nguồn để ưu tiên, hỗ trợ cho gia đình chị Hoa”.
Có lẽ, quãng đường đã qua chưa hề có một ngày thảnh thơi đối với Hồng, nhưng cô sinh viên Khoa Ngữ văn này luôn xem đó là một thử thách để em đối mặt và tìm cách vượt qua. Hồng bộc bạch: “Em chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ học giữa chừng, dù khó khăn đến đâu em cũng cố gắng tìm cách xoay xở. Dần dần em dễ dàng đối diện và không bao giờ có ý định bỏ cuộc”.
THU SƯƠNG - TẤN MẪN