Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đặt vấn đề về tính chất văn hóa trong công tác quy hoạch để xem xét, đánh giá quy hoạch bất cứ đô thị nào cũng phải hướng đến việc duy trì và phát huy bản sắc địa phương là hết sức quan trọng. Với các nhà quản lý, nghiên cứu đô thị thì quy hoạch đô thị vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc địa phương, chính là “quy hoạch đô thị hậu hiện đại”, bởi “nó không phải là sự hoài cổ mà cố gắng diễn đạt văn hóa địa phương cùng với quan điểm văn hóa thế giới đang tồn tại ngày nay” (Nguyễn Đăng Sơn - Tạp chí kiến trúc 10/2013 tr.11). Câu slogan “văn hóa toàn cầu bản sắc địa phương” của xu hướng văn hóa chung, hiện tồn có ý nghĩa thực tiễn hơn bao giờ hết.
Khu phố mới An Hội vẫn còn một số công trình chưa phù hợp với không gian vùng đệm. Ảnh: T.T.Thư |
Ở tỉnh ta, vấn đề tôn vinh bản sắc văn hóa không chỉ là vấn đề riêng, đặc biệt của một đô thị cổ Hội An mà còn là vấn đề của nhiều đô thị đã và đang được quy hoạch. Tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương, ngoài việc gìn giữ các biểu hiện vật thể như không gian tự nhiên, không gian ký ức với các cảnh quan, các kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, thì cần nhận diện văn hóa tinh thần là chất keo kết dính các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Đây cũng chính là thành tố chủ chốt hình thành nên diện mạo và bản sắc dân tộc, bản sắc cộng đồng bản địa trong đô thị. Trong quá trình đô thị hóa, văn hóa chính là nội lực, là “hệ điều tiết” bảo đảm tính bền vững xã hội, tính kế thừa, không bị pha trộn hay bị đồng hóa khi hội nhập với thế giới. Công tác quy hoạch trong thời kỳ mới, vì vậy ngoài việc phân khu chức năng hợp lý, linh hoạt còn là việc bảo tồn không gian ký ức để gìn giữ và phát huy bản sắc địa phương. Có thể hình dung những không gian cho một đô thị vùng cao như: không gian tự nhiên - cảnh quan tự nhiên và không gian sống (hoạt động kinh tế, sinh hoạt…), không gian văn hóa - lịch sử (bao gồm các kiến trúc giàu bản sắc bản địa từ kiểu thức, vật liệu, nghệ thuật kết cấu, tạo hình, trang trí…), không gian công cộng để giao lưu, giải trí và không gian dự phòng cho sự phát triển - những khu đô thị mới.
Riêng Hội An thì mục tiêu cân bằng và phát triển luôn là mục tiêu hàng đầu. Ngoài một không gian văn hóa lịch sử với hơn 1.400 di tích (nhiều loại hình di tích khác nhau, khu vực 1) luôn được bảo tồn nghiêm ngặt thì vấn đề đặt ra là không gian nghệ thuật kiến trúc vùng đệm (khu vực 2, 3) và không gian tự nhiên vùng ngoại thị. Khoan bàn đến những thách thức về biến đổi khí hậu hay những thách thức về bảo tồn trong không gian văn hóa - lịch sử nằm trong khu vực 1, chỉ tính việc quản lý quy hoạch vùng đệm (khu vực 2, 3) trong những năm qua đã thấy nhiều vấn đề bất cập về không gian cảnh quan. Sát gần khu phố cổ, khu phố mới An Hội với nhiều kiểu thức mô phỏng kiến trúc cổ, hợp lý, thì vẫn có nhiều kiến trúc cao tầng hoàn toàn không phù hợp với cảnh quan của “không gian đệm”. Những công trình gây bức bối cảnh quan chính là các khách sạn cao tầng được xây ngay ở phía tây quảng trường Sông Hoài hay khu vực đầu cầu Cẩm Kim. Nhiều khu vực ở Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân An… các công trình (khách sạn, nhà ở) xâm hại đến không gian cảnh quan di tích như với di tích miếu Thần Nông (Cẩm Phô), đình Thanh Hà (Thanh Hà), các ngôi mộ cổ (Tân An)... Vì là các khu “đất vàng” nên thách thức lớn nhất cho việc quản lý đô thị là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Theo thời gian thì chỉ một hai năm nữa “vùng đệm” gần như không thể “quy hoạch” chi được nữa kể cả mảng xanh tự nhiên kiểu nhà vườn hay “vườn trong phố”, vì mật độ xây dựng quá dày, bởi “tấc đất tấc vàng” nên không gian vùng đệm luôn “biến đổi” theo xu hướng “khủng bố” cảnh quan khu vực bảo tồn ở mật độ và tầng cao.
Điểm quan trọng trong các đề án quy hoạch Hội An chính là không gian tự nhiên và sự phát triển thuận chiều trên cơ sở không gian tự nhiên để tôn vinh bản sắc văn hóa của vùng trọng điểm du lịch. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng (đã mất) từng đề cập văn hóa cồn - bàu, văn hóa vùng cửa sông ven biển của một Hội An trong lịch sử. Không gian tự nhiên của Hội An chỉ có thể là những ngôi làng trong sông, ven sông ở phía đông và phía nam; bảo tồn hệ sinh thái khu vực ngập mặn, đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cảnh quan xanh các cánh đồng, các khu vườn ngoại thị; phục hồi hay xây một số hồ nước để điều tiết không gian sinh cảnh. Xu hướng phát triển về phía tây cũng đang là thách thức với các nhà quản lý quy hoạch khi quỹ đất cho sự phát triển quá eo hẹp, lại phải lo bảo vệ không gian cảnh quan cho làng nghề gốm Thanh Hà. Ngay cả với quỹ đất chung, việc quy hoạch không gian cho các làng nghề thủ công truyền thống để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đô thị (một đô thị phát triển bền vững); việc quỹ đất ngày càng thu hẹp (tính từng ngày) bởi nhiều dự án xây dựng đã và đợi cấp phép chưa được cập nhật, đang còn là thử thách đối với các nhà soạn thảo quy hoạch, nhất là những nhà quy hoạch với những khát vọng đích thực như mơ đến một thành phố vườn, thành phố cổ đáng sống, đô thị cổ hạnh phúc, thành phố “chuyển hóa từ văn minh sang văn hóa” (KTS. Masafumi Tanaka - Nhật Bản).
Mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch của Hội An đang bị thử thách từng giờ, từng ngày bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, nhưng có một nguyên nhân - mà cả nhà quản lý đô thị và thị dân đều mong đợi để khắc chế mối mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn - là chính phủ cần cho Hội An một cơ chế riêng để quản lý đô thị, một đô thị di sản có khu dự trữ sinh quyển thế giới, theo hướng phát triển bền vững.
PHÙNG TẤN ĐÔNG