(QNO) - Đến Thái Bình, tận mắt chứng kiến hệ thống hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và Thái Bình, chúng tôi không khỏi mơ về ngành công nghiệp này phát triển ở xứ Quảng, bởi tiềm năng trữ lượng khí ở đây vượt xa Thái Bình rất nhiều.
Khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ tại phường Tây Sơn, thị xã Tiền Hải. |
Xưa Thái Bình là quê lúa, quê của “chị Hai 5 tấn”. Thái Bình hiện có gần 100.000ha lúa đồng xanh 2 vụ, năng suất từ 60 - 65 tạ/ha, dư cả nửa triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. Nay Thái Bình thực sự là “biển bạc” - bắt đầu từ Tiền Hải: nơi được coi là cái nôi của nền công nghiệp dầu khí Việt Nam còn non trẻ.
Ngày 21.12.1975, giếng khoan thăm dò đầu tiên tại Tiền Hải, Thái Bình đã phát hiện có dầu khí. Khi ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến tận nơi xem và ai ai cũng vui mừng. Ngày 19.4.1981 dòng khí công nghiệp đầu tiên tại giếng khoan 61, mỏ Tiền Hải C (trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng, chiều sâu 1146 - 1156m) với lưu lượng 100.000m3/ngày đêm đã được đưa vào buồng đốt tuabin nhiệt điện tại Tiền Hải, phát ra dòng điện công suất 10MW hòa lưới điện quốc gia. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu lần đầu tiên, ngành dầu khí Việt Nam khai thác được sản phẩm khí công nghiệp, mở ra tiền đề to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
Tính đến nay, tại khu vực Tiền Hải đã phát hiện tổng cộng 13 vỉa khí với tổng trữ lượng tại chỗ là 1,3 tỷ mét khối. Từ năm 1981 đến nay, dòng khí công nghiệp đã được khai thác để đưa vào phục vụ phát điện và công nghiệp vật liệu xây dựng tại KCN Tiền Hải với diện tích quy hoạch mở rộng lên 450ha. Tuy nhiên, hiện tại mỏ khí Tiền Hải đã vào giai đoạn suy giảm về sản lượng. Do đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không ngừng tìm kiếm và chuẩn bị bổ sung nguồn khí từ các mỏ khác.
Vận hành hệ thống khí mỏ Hàm Rồng - Thái Bình. |
Ngày 28.9.2015 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (người con quê hương Thái Bình) đã về Tiền Hải cắt băng khánh thành Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và Thái Bình. Đây là sự kiện quan trọng, có tính lịch sử, lần đầu tiên khai thác và vận chuyển khí thiên nhiên từ ngoài khơi bể sông Hồng vào đất liền. Hệ thống khí Hàm Rồng -Thái Bình bao gồm phần trung nguồn với hệ thống tiếp nhận khí trên giàn Thái Bình, hệ thống đường ống dẫn khí từ giàn khí Thái Bình (Lô 102) về Trung tâm phân phối khí trong KCN Tiền Hải với tổng chiều dài 24km (qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh, và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải). Khí thiên nhiên được chuyển qua phần hạ nguồn gồm hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải và hệ thống nén khí cao áp để vận chuyển xe chuyên dụng đến các hộ công nghiệp xa KCN Tiền Hải. Với lợi thế này, KCN Tiền Hải đang trở thành KCN sử dụng khí trọng điểm tại thị trường miền Bắc, lấy khí làm cơ sở để phát triển và thu hút thêm các nhà đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khí tại khu vực Bắc Bộ.
Lịch sử vùng đất mới chỉ thực sự rõ nét từ thời nhà Nguyễn, khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đưa dân đến khai hoang lấn biển, lập nên các huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) vào năm 1828. Với tầm nhìn khoáng đạt, Nguyễn Công Trứ đã coi vùng đất mới Tiền Hải cùng với Kim Sơn là những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, cứu cánh cho cuộc đời nông dân vùng châu thổ sông Hồng đông người ít ruộng thiếu đói triền miên... Ngay ở tên gọi của 2 huyện đã nói lên khát vọng mở mang đất liền ra biển để làm giàu (Tiền Hải là biển bạc, Kim Sơn là rừng vàng). Cả 2 khu vực ven biển này đều đã được UNESCO công nhận là 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới. |
Xu thế công nghiệp sử dụng năng lượng từ khí đang trở thành một trong những tiêu chí của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dự án Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình sẽ tiếp tục góp phần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa khu vực miền Bắc. Mặt khác, sử dụng khí thiên nhiên sản xuất công nghiệp chính là sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nước.
Ngày 9.3 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cùng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai khởi động Dự án “khủng” 4,6 tỷ USD trong vòng 25 năm khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, nằm cách biển Quảng Nam khoảng 100km về phía đông. Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ này gấp 150 lần trữ lượng mỏ khí Tiền Hải và gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đô thuộc dự án khí Nam Côn Sơn (lớn nhất cả nước hiện nay). Dự kiến, nhà máy xử lý khí sau khi tiếp bờ trong hệ thống ống dài 88km kéo từ mỏ Cá Voi Xanh vào, được chọn là khu đất rộng 1.000ha tại xã Tam Quang huyện Núi Thành
Từ dòng khí Tiền Hải - Thái Bình năm nào đến Núi Thành - Quảng Nam hôm nay là một hành trình dài với bao nỗ lực to lớn để biến khát vọng khai thác “rừng vàng, biển bạc” của cha ông trở thành hiện thực sống động của thế kỷ XXI.
XUÂN LAN