Thị xã Điện Bàn luôn coi trọng việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Đây được xem là nghĩa cử cao đẹp của người đang sống nhằm tri ân các thế hệ đã hy sinh xương máu để giành độc lập - tự do.
Chị Phan Thị Phượng (con liệt sĩ) bên ngôi nhà mới. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Dốc sức thực hiện
Hiện nay, Điện Bàn có tới 18.920 liệt sĩ, 2.176 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng hàng chục nghìn thương bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách (gọi chung là người có công). Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn đặc biệt quan tâm. Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn - ông Hà Phước Hiền cho hay, hàng năm, địa phương phân bổ bình quân 4.000 - 5.000 chỉ tiêu đi điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho các đối tượng chính sách; vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Điện Bàn đã hỗ trợ người có công sửa chữa 1.647 nhà và xây mới 431 nhà, với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng; tặng 600 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tổng số tiền 300 triệu đồng. Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, thị xã phấn đấu mỗi năm hỗ trợ người có công gặp khó khăn về nhà ở xóa hơn 100 nhà tạm, đến năm 2020 không còn trường hợp người có công ở nhà tạm. Công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ được đặc biệt quan tâm.
Xung kích đi đầu trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, 5 năm qua, Thị đoàn Điện Bàn đã tặng 30 nghìn suất quà cho người có công, tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng; phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 3.000 lượt người có công; tham gia với các đơn vị quy tập 15 bộ hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Hàng năm, thị đoàn tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” tại tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27.7). Anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Điện Bàn nói: “Mỗi năm, hàng nghìn bạn trẻ trên địa bàn thị xã mang trong mình màu áo tình nguyện cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã tỏa các nẻo đường ra quân làm vệ sinh môi trường; chỉnh trang, làm đẹp các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Các bạn đoàn viên - thanh niên thường xuyên tổ chức hoạt động thăm hỏi, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công”.
Thiết thực tri ân
Theo Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn, trong 5 năm qua, ngành đã thẩm định, chuyển Sở LĐ-TB&XH tỉnh 19.736 hồ sơ chính sách các loại và đã giải quyết 8.258 hồ sơ. Trong đó, theo Nghị định 56/NĐ-CP, đơn vị đã tiếp nhận giải quyết và chuyển ngành cấp trên 1.509 hồ sơ, qua đó đã được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng 552 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2.182/5.232 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ; 315/398 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng; 1.687/1.735 hồ sơ mai táng phí và trợ cấp 3 tháng; 1.720/2.048 hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế; 1.525/1.972 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… |
Từ năm 2011 đến nay, Điện Bàn có 20/20 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Thị xã đã tích cực thực hiện xã hội hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa với việc vận động cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia. Ông Trần Công Tin - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho hay, ngoài việc quan tâm chăm lo đời sống của các gia đình chính sách trên địa bàn, địa phương cũng vừa trùng tu, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã. Nguồn kinh phí để thực hiện gần 2 tỷ đồng từ vận động hỗ trợ của UBND TP.Đà Nẵng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Nam. Trong căn nhà tình nghĩa ở thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, cụ Trần Thị Nhứt (91 tuổi) nói: “Sau ngày giải phóng trở về, chính quyền địa phương đã kịp thời quan tâm hỗ trợ, thực hiện đầy đủ các chính sách cho bà và gia đình. Hiện tại, bà nhận được khoản trợ cấp hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, đủ để chi tiêu sinh hoạt và dưỡng già. Những ngày lễ tết, bà và gia đình luôn nhận được sự quan tâm thăm hỏi, tặng quà của địa phương, thế hệ trẻ, của xã hội”.
Về nơi có Di tích lịch sử Chiến thắng Bồ Bồ, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến cho hay, hàng năm, nhân ngày Thương binh liệt sĩ và các dịp lễ tết, địa phương đều kịp thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương rất coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo nâng mức sống của gia đình người có công cao hơn hoặc ít nhất là bằng mức sống chung nơi cư trú. Xã cũng luôn tạo điều kiện cho hộ người có công vay vốn ưu đãi khi có nhu cầu phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Tại phường Điện Ngọc, công tác đền ơn đáp nghĩa cũng được đặt lên hàng đầu. 5 năm qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 121 nhà ở cho người có công. Trên địa bàn có 10 cơ quan, đoàn thể nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, với mức phụng dưỡng thấp nhất 500 nghìn đồng/tháng, đồng thời tổ chức chu đáo hoạt động thăm hỏi, tặng quà các mẹ vào các dịp lễ tết. Vừa được Công ty Vạn Tường hỗ trợ 70 triệu đồng xây mới ngôi nhà cho chị Phan Thị Phượng (con liệt sĩ, ở khối Ngân Hà, phường Điện Ngọc). Chị Phượng chia sẻ: “Trước kia căn nhà này khá tạm bợ, rất bất an khi mùa mưa bão tới. Nhờ có sự quan tâm của cộng đồng, bây giờ gia đình tôi có được mái ấm vững chắc, có thể yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
QUỐC TUẤN