Quảng Nam là địa phương có số gia đình chính sách, người có công nhiều nhất cả nước (chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh). Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công của tỉnh trong thời gian qua.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Tấn Triều thăm hỏi người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Ảnh: Thành Công |
PV: Chăm lo cho người có công, hy sinh vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc không chỉ là đạo lý truyền thống, mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Là địa phương có số gia đình chính sách, người có công nhiều nhất nước, thời gian qua công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Quảng Nam là địa phương chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trải qua chiến tranh, có biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, những người con ưu tú của đất Quảng anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do, hy sinh xương máu cho hòa bình thống nhất. Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho thân nhân, gia đình của gần 11.000 liệt sĩ, hơn 3.600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, hơn 4.000 bệnh binh, 38.000 người có công cách mạng… Ngoài ra, đã có 7.016 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh lên 11.569 trường hợp, trong đó có 1.095 mẹ còn sống.
Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách phân bổ của trung ương chi trợ cấp theo quy định, tỉnh đều có khoản hỗ trợ thêm cho các đối tượng chính sách cách mạng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 100% số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng và đăng ký nhận phụng dưỡng với mức tối thiểu 700 - 800 nghìn đồng/tháng; gần 99% số hộ người có công có đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân trên địa bàn cư trú; gần 99% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Ngành LĐ-TB&XH, các cấp chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục tập trung vào công tác chăm lo, nâng cao hơn nữa mức sống của gia đình chính sách, người có công.
PV: Trong điều kiện Quảng Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp, xin ông cho biết Sở LĐ-TB&XH cùng các cấp chính quyền đã có những giải pháp nào để đảm bảo làm tốt công tác chăm lo, giải quyết chế độ cho người có công?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Công tác đền ơn đáp nghĩa những năm qua tuy đạt được những kết quả to lớn, tuy nhiên trong điều kiện của một tỉnh có số lượng người có công đông nhưng nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp, nguồn vận động trong cộng đồng còn hạn chế nên đời sống của một bộ phận người có công, đối tượng chính sách còn khó khăn. Trước thực trạng đó, Sở LĐ-TB&XH đã và sẽ tiếp tục tập trung cho công tác đẩy mạnh vận động “Toàn dân tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực hỗ trợ để chăm sóc tốt hơn đời sống của người có công, phấn đấu đạt mục tiêu 100% số xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. Đơn vị cũng đã chỉ đạo tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, đối tượng chính sách và thân nhân, nhất là những chế độ chính sách mới ban hành. Trong đó, chú trọng việc cải thiện và nâng cao đời sống của người có công thông qua việc hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên nhóm đối tượng này trong các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ của Nhà nước…
Với những giải pháp trên, Quảng Nam phấn đấu đến hết năm 2015, đảm bảo 100% số người có công cách mạng, đối tượng chính sách của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
PV: Đền ơn đáp nghĩa vẫn còn là câu chuyện dài về đạo lý, nghĩa tình và trách nhiệm. Câu chuyện đó đã và sẽ được viết tiếp bởi sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và tổ chức, cá nhân đối với công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung ngày càng nâng cao. Nhiều phong trào tình nghĩa được phát động mang lại hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như “Áo lụa tặng bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Người dâu hiếu thảo”, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình sâu sắc của toàn xã hội. Thống kê cho thấy, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã vận động hơn 89 tỷ đồng góp phần vào việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng hơn 12.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, để mỗi người thấy rằng chăm lo cho người có công không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó cũng là thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
PV: Xin cảm ơn ông!
THÀNH CÔNG (thực hiện)