Nghĩa tình vùng biên

ALĂNG NGƯỚC 01/08/2023 07:27

Tròn 20 năm sau ngày tái lập, nhưng nhiều cán bộ và người dân xã Lăng (Tây Giang) vẫn không thể quên tháng ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” trên khu đất ngay trục đường trung tâm xã. Hồi đó, để chia sẻ với khó khăn ban đầu của địa phương, những cư dân của làng vùng cao này lần lượt nhường đất đai, nhà cửa, hoa màu… góp sức tạo dựng nơi làm việc, ăn ở tạm thời cho cán bộ đến công tác.

Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Giang thăm, động viên hộ Bríu Thị Lăl nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Ảnh: Đ.N
Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Giang thăm, động viên hộ Bríu Thị Lăl nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Ảnh: Đ.N

Ký ức không quên

Hành trình gần 20 năm gắn bó với vùng đất của đồng bào Cơ Tu, ông Phạm Văn Hân - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tây Giang nói, tất cả với ông như một “chuyện tình đẹp” không phai mờ. Là bởi, ông Hân và nhiều thế hệ cán bộ miền xuôi khác đến công tác Tây Giang thời điểm vừa tái lập, đã gửi lại tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất, cùng góp sức dựng xây miền non cao nơi biên giới Việt - Lào.

Văn hóa gắn kết cộng đồng

Ông Briu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, với cộng đồng miền núi, đặc biệt là người Cơ Tu, từ xa xưa luôn xem sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường như nghĩa cử cao đẹp thể hiện giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng. Vì thế, khi chủ trương tái lập huyện Tây Giang được thông tin, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận từ phía người dân.

Bằng tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, rất nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở các thôn bản lân cận trung tâm xã Lăng đã tình nguyện hiến đất đai, vườn tược, thậm chí là nhường lại nhà ở để cán bộ miền xuôi đến làm việc, sinh hoạt.

“Có hộ dành cả không gian nhà chính làm trụ sở cho các ngành có nơi làm việc, ngủ nghỉ. Họ chấp nhận ở nhà bếp; có rau, có gạo gì ngon cũng mang đến cho, tặng giúp cán bộ an tâm tư tưởng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác lâu dài” - ông Briu Quân nói.

Ông Hân kể, năm 2003, thời điểm Tây Giang được tái lập, tuyến đường lên vùng cao này độc đạo xuyên núi, bùn đất trơn trượt. Lúc đó, trung tâm xã Lăng được chọn làm khu “căn cứ” hành chính tạm thời, các cơ quan nhà nước mượn tạm nhà dân để làm việc.

Phải mất gần 5 năm, các cơ quan mới lần lượt “dời đô” về Agrồng (xã A Tiêng), như bây giờ. Cơ quan TAND huyện Tây Giang lúc ấy cũng không nằm ngoài cuộc, sau khi chia tách, đã nhanh chóng di chuyển lên trung tâm xã Lăng để “kích hoạt” tinh thần làm việc của cán bộ và người lao động.

Ông Hân nói, thời điểm đó, nhiều cán bộ chưa lập gia đình nên chuyện ăn ở, sinh hoạt cũng trở nên thuận lợi hơn. Hồi mới chuyển lên, đơn vị TAND huyện Tây Giang được bố trí làm việc, sinh hoạt tại nhà của ông Pơloong Điền, ở thôn Arớh (xã Lăng).

Ông Điền lúc đó là Chủ tịch UBND xã nên khi chủ trương tái lập vừa ban hành, ngoài hỗ trợ nhà ở, vườn tược gia đình để làm gương, còn ra sức vận động dân làng hiến góp đất đai, nhà cửa tạo điều kiện hình thành các khu hành chính tạm thời, phục vụ nhu cầu phát triển mới.

“Nhờ sự sẻ chia, tinh thần đùm bọc hết sức tình cảm của cộng đồng người Cơ Tu ở địa phương giúp tâm lý, tư tưởng của anh em khá thoải mái. Đó là động lực để anh em chúng tôi, những cán bộ miền xuôi xa nhà yên tâm ở lại công tác và vượt qua khó khăn, thử thách” - ông Hân chia sẻ.

Những cán bộ ngày ấy, có người đã chuyển công tác về xuôi. Nhưng mỗi khi nhắc nhớ hành trình đi “mở đường” đều vẹn nguyên ký ức, với những câu chuyện tình người vùng cao đầy niềm trân quý. “Sẽ không bao giờ quên”, như chính tình cảm thân thuộc mà người dân Tây Giang dành riêng cho họ - những người anh em miền xuôi đến góp sức dựng xây buôn làng.

Tri ân người cưu mang

Thời gian trôi, thấm thoát đã tròn 20 năm. Gần như năm nào, kể từ khi rời địa điểm căn nhà của ông Pơloong Điền, anh em cán bộ TAND huyện Tây Giang vẫn đều đặn ngược núi, tri ân những người từng cưu mang, giúp đỡ mình.

Ông Clâu Thìn - Thư ký TAND huyện Tây Giang nói, không chỉ riêng đơn vị tòa án, rất nhiều cơ quan, ban ngành của huyện từng nhận sự giúp đỡ của cộng đồng địa phương, đều bày tỏ niềm mang ơn đặc biệt.

“Trong thời điểm khó khăn nhất, nếu không có sự hỗ trợ, cưu mang của cộng đồng địa phương, việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị sẽ còn nhiều trở ngại. Nói điều này, để thấy tinh thần của người dân là vô cùng quan trọng, giúp sức cùng chính quyền hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau thời gian tái lập” - ông Thìn bộc bạch.

Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi gặp lại cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Giang, cụ bà Bríu Thị Lăl (thôn Arớh, xã Lăng) vẫn nhớ như in tháng ngày gia đình bà cùng anh em cán bộ chung sống trên một thửa đất rộng chỉ vài trăm mét vuông, ngay trung tâm xã.

Hai mươi năm trước, gia đình cụ Lăl khó khăn hơn bây giờ. Nhưng khi nghe chủ trương vận động hỗ trợ nhà cửa, đất đai giúp cán bộ huyện tạo dựng cơ sở mới, vợ chồng bà hết sức ủng hộ.

Không đòi hỏi bất cứ điều gì, ngược lại, mỗi khi có gạo rẫy, rau rừng, khoai mía… bà Lăl đều mang đến “để cán bộ ăn, có sức làm việc”. Câu chuyện ấy, được kể lại trong dịp đến thăm, tri ân của các cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Giang với gia đình bà mới đây, khiến ai cũng xúc động.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm 2022, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai một số hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập và 20 năm tái lập huyện. Trong đó, có hoạt động thăm hỏi, tri ân các hộ gia đình tại xã Lăng đã giúp đỡ các cơ quan, ban ngành của huyện trong những năm đầu tái lập.

Qua thống kê, có 15 hộ gia đình trực tiếp hỗ trợ nhà ở, đất vườn tạo điều kiện bố trí, xây dựng nơi làm việc ban đầu cho các cơ quan, ban ngành địa phương. Nhiều hộ giúp 2 - 3 đơn vị, thể hiện tinh thần sẻ chia, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào vùng cao Tây Giang với chính quyền trong những buổi đầu gian khó nhất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩa tình vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO