Nghịch hành

PHAN VĂN MINH 12/08/2017 09:47

Gần đây có hai vụ việc trong nước thuộc lĩnh vực văn hóa ứng xử đã được giới truyền thông phản ánh và “khai thác” đồng loạt, đó là hình ảnh cùng “tin đồn” một bà phó chủ tịch quận gọi điện cho chủ tịch và công an phường tới… “trông xe” cho mình… đi ăn bún; còn trong vụ thứ hai, công chúng được “mắt thấy tai nghe” rõ ràng hơn với clip một vị tướng về hưu vung tay xỉ vả, lăng mạ, dọa dẫm một anh cảnh sát giao thông trẻ vốn có cử chỉ và lời nói khá lễ phép. Thực ra, nếu xét về mức độ sự vụ thì đây cũng chỉ là những “chuyện thường ngày”, những va chạm cỏn con “như cái móng tay” có thể bắt gặp bất cứ lúc nào và nơi đâu trên đất nước vốn luôn có nhu cầu… cãi vã như xứ mình.

Các chàng “trai Tây” vớt rác ở Hà Nội. Nguồn: Internet
Các chàng “trai Tây” vớt rác ở Hà Nội. Nguồn: Internet

Vậy mà hai vụ việc trên đã lan truyền đi với tốc độ cực nhanh trên bình diện rộng. Nó đã trở thành đề tài bình luận “nóng” đến mức các cơ quan truyền thông cùng các chuyên gia về xã hội học phải lên tiếng, trong đó hầu hết ý kiến đều nghiêng về phía phê phán, phẫn nộ. Răng rứa hè?

Cách giải thích dễ chấp nhận nhất là sự dị ứng của công chúng trước sự “nghịch hành” giữa văn hóa và quyền lực, giữa bình đẳng và phân hóa, rồi được “nội suy” đến sự khác nhau giữa nói và làm.

Không chỉ ở nước ta, cũng trong thời gian này các trang báo in và báo mạng trên khắp thế giới đồng loạt đăng tải hình ảnh tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae- in tự tay bưng khay đựng suất ăn trưa rồi ngồi ăn cùng bàn với các nhân viên Nhà Xanh (Phủ tổng thống). Suất ăn đó chỉ có giá 3 đô la. Nhân việc này, nhiều cử chỉ thân thiện khác của ông Moon từ khi lên nhậm chức cũng lần lượt được giới truyền thông tán dương như: từ chối người trợ lý giúp cởi áo khoác; tay bưng ly cà phê vui vẻ chuyện trò cùng các thư ký trong khu vườn ở phủ tổng thống; hay tự mình chăm sóc các thú cưng mang từ nhà tới… Có thể đây là các chi tiết không phải ngẫu nhiên nhưng đã giúp nhà lãnh đạo này chiếm được sự ủng hộ chưa từng thấy của người dân xứ sở kim chi (75%). Bởi ta nên  biết rằng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dường như đã có một “lời nguyền” tai quái nào đó đối với vị trí đỉnh cao quyền lực ở quốc gia đông Á này. Trong 11 vị tổng thống tiền nhiệm của ông Moon thì đã hết 9 người phải kết thúc sự nghiệp trong tủi nhục, người thì bị lật đổ phải sống lưu vong (Syngman Rhee), kẻ thì bị tử hình (Chun Doo-hwan) hoặc nhảy núi tự tử (Roh Tae-woo)… Và gần ông Moon nhất là bà Park Geun-hye, đang ngồi trong trại tạm giam cùng với “nhóm lợi ích” và có thể đối mặt với mức án đến 10 năm tù. Trong 18 tội danh của bà Park có việc vị nữ tổng thống này đã “biến mất” 7 tiếng đồng hồ vì không ai liên lạc được trong vụ chìm phà làm chết 304 người mà chủ yếu là học sinh. Sau này có thông tin rò rỉ là lúc đó bà đang bận… làm tóc. Ông Moon được công luận ủng hộ không phải vì chuyện quốc kế dân sinh gì to tát mà cũng chỉ là những cử chỉ “vặt vãnh” thường ngày ai cũng có thể làm được, nhưng có lẽ những điều đó vẫn được đặc biệt chú ý chỉ vì ông là một vị tổng thống đã “nghịch hành” với phong cách “quý tộc” của người tiền nhiệm và một số nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, đôi khi chúng ta phải giật mình vì những hiện tượng “nghịch hành” ở tầm vĩ mô. Những biểu hiện thuộc về nhân tính thường không đồng hành với sự phát triển của tri thức và nền văn minh vật chất. Con người ngày càng giỏi hơn, giàu hơn, hiểu biết về triết học, tôn giáo nhiều hơn thì dường như lại càng biết cách dối trá, ích kỷ hơn và nhiều khi còn tàn bạo, dã man hơn. Giết người hàng loạt bằng hơi ngạt như bọn Đức quốc xã thời thế chiến thứ hai, đập đầu bằng búa như bọn Khơ-me đỏ hay cắt cổ bằng dao găm như bọn IS là những ví dụ.

Tuy nhiên, bản thân sự “nghịch hành” cũng có những giá trị đối lập nhau. Ở  một số tỉnh miền núi nước ta, trong khi dân đang đói ăn, trẻ em thiếu mặc mà các vị “công bộc” lại xây “biệt phủ” xa hoa tráng lệ như cung điện của vua chúa ngày xưa. Đó là “nghịch hành”. Trong khi đó, có những phụ nữ nghèo dành cả cuộc đời nuôi dạy trẻ mồ côi như chị Thủy ở Nghệ An, mẹ K’Hiếu người dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng… Họ cứ lặng lẽ làm việc nghĩa khi vẫn biết ngoài kia có những kẻ giàu nứt đố đổ vách đang đi lừa đảo dân nghèo để chiếm dụng vốn; những người bình dân sẵn sàng hiến đất làm đường, xây trường, làm chợ… như ông Năm Hấp ở TP.Hồ Chí Minh, ông Thanh ở Lạng Sơn… Họ cũng không phải không biết vẫn có nhiều đại gia đang tìm mọi thủ đoạn để vơ vét đất công làm của riêng; lại có những anh “trai Tây” vì yêu mến đất nước ta mà hằng ngày lội xuống đầm hồ lầy lội để vớt rác trong khi những người dân bản địa lại “vô tư” vất xuống đó những thứ bỏ đi… Đó cũng là những biểu hiện “nghịch hành”. Cho nên khái niệm “nghịch” ở đây theo nghĩa xấu là cách nhận diện từ phía văn minh, nhân đạo. Còn nếu có ai đó từ trong dòng chảy tăm tối mà… đi ngược để tìm ra ánh sáng nhằm mang lại lợi ích hoặc niềm hân hoan cho cộng đồng thì đó là sự “nghịch hành” phải đạo, hay nói khác đi là sự đồng hành với bản nhiên nhân tính.

Vậy nên cho dù là đồng hành hay nghịch hành, con người luôn cần phải đi về phía những giá trị nhân văn tốt đẹp đã được định hình qua hàng nghìn năm của nền văn minh.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO