Nghịch lý thiếu - thừa

C.B.L 18/07/2018 09:08

Theo báo cáo giám sát chuyên đề về công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý trong các năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017 của HĐND tỉnh tại 14 cơ sở giáo dục, rất nhiều điểm bất cập được chỉ ra. Trong số đó, có việc các cơ sở giáo dục đều mở rộng quy mô, mã ngành vượt khả năng đào tạo hiện có của đơn vị và nhu cầu thị trường lao động, một số mã ngành đào tạo chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chưa tập trung theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ngành mũi nhọn, thế mạnh của từng cơ sở giáo dục, dẫn đến chất lượng và hiệu quả sử dụng sau đào tạo chưa đảm bảo, xuất hiện tình trạng dư thừa lao động ở một số ngành sau đào tạo như sư phạm mầm non, văn thư lưu trữ, tin học… Thậm chí, có trường cứ tuyển sinh, đào tạo mà chưa thống kê tỷ lệ số nghỉ học như Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi.

Năm học 2018 - 2019 này, cả tỉnh thiếu 1.240 giáo viên ở các bậc học mầm non, tiểu học và THCS (riêng mầm non thiếu 391 giáo viên). Trong khi đó, Quảng Nam hiện có 6.728 học sinh ngành sư phạm mầm non, tiểu học trình độ trung cấp dự kiến tốt nghiệp từ năm học 2016 - 2020 (chưa kể học sinh tốt nghiệp trước năm 2016 chưa được tuyển dụng), trong khi nhu cầu tuyển dụng từ năm 2016 - 2020 chỉ có 590 học sinh, tỷ lệ 8,8%.

Vậy dự báo theo tính toán một cách cơ học thì hơn 6.000 học sinh không được tuyển dụng, các em sẽ đi về đâu, làm gì? Có số ít học liên thông lên cao đẳng, đại học; rồi tứ tán khắp nơi xin việc. Số còn lại, cất bằng, làm bao nhiêu việc khác để kiếm sống, thậm chí là tiếp tục ăn bám cha mẹ. Chưa hề có con số thống kê đầy đủ và chính xác.

Cứ nhẩm tính học phí hệ trung cấp từ 8 - 10 triệu đồng/học sinh (trong 2 năm), nhân lên thì con số chi phí là rất lớn. Những con số cứ vênh nhau và xa nhau. Thiếu nhiều và dư nhiều, nhưng để có việc làm “điền” vào chỗ thiếu ấy thì không hề dễ dàng. Lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình và học sinh có thể thấy ngay được, nhưng lãng phí xã hội cho thời gian đào tạo và đào tạo lại thì vô cùng lớn và không thể tính được bằng con số.

Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đưa tỷ lệ 60 - 80%, thậm chí hơn 90% số học sinh ra trường có việc làm, nhưng đó chỉ là tính trên tổng số khảo sát chứ không phải tổng số ra trường. Tất nhiên, cũng không rõ là việc làm đó đúng ngành nghề đào tạo hay không?

Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh trình độ này trước năm 2017 đúng là quá muộn khi so với con số 6.728 học sinh trình độ này dự kiến tốt nghiệp (từ năm học 2016 - 2020) ở Quảng Nam. Định hướng được Quảng Nam đưa ra, là kể từ năm 2018, không giao chỉ tiêu đào tạo trong ngân sách đối với giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng vì nguồn nhân lực hiện có quá dôi dư.

Ai trong số hàng ngàn giáo viên được đào tạo đó có đủ niềm đam mê tri thức và thiện căn sẵn có để đi tiếp con đường đã chọn?

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch lý thiếu - thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO