Nghiệp biển

Nguyễn Quang Việt 06/02/2013 09:00

Từ hai bàn tay trắng, sau hơn 20 năm đi “bạn”, anh Phạm Văn Châu (thôn 2, Tam Hải, Núi Thành) đã tích cóp được vốn liếng để đóng tàu lớn vươn khơi. Với anh, bám biển là duyên nghiệp của đời mình. 

Anh Phạm Văn Châu bên con tàu 550CV sắp hoàn thành.
Anh Phạm Văn Châu bên con tàu 550CV sắp hoàn thành.

Anh Phạm Văn Châu sinh năm 1972. Thời niên thiếu của Châu là những ngày cơ cực. Anh tâm sự: “Nhà nghèo, ngay từ khi còn nhỏ mình đã làm quen với nhiều nghề khổ nhọc, trong đó có nghề biển của quê hương. Đến tuổi trưởng thành, mình định chọn một nghề ổn định để lập nghiệp chứ không phải cứ lênh đênh hoài trên biển. Hồi đó, mỗi khi vẳng nghe câu ca “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm…” mình cứ thấy buồn khó tả. Dự định thì vậy nhưng số phận lại chọn cho nghề đi biển”. Thời đó làng biển Tam Hải luôn thiếu người đi “bạn”. Vì gia đình nợ công đi biển người khác nên anh Châu phải thường xuyên bám biển để trả công. Cứ làm mãi rồi quen, vậy là gắn chặt với nghề. Gắn bó với nghề, anh Châu nhận thấy những chiếc thuyền công suất nhỏ quẩn quanh ven bờ khó có thể cải thiện được cái nghèo đeo đẳng. Vì vậy anh khăn gói đi “bạn” cho các tàu câu mực khơi ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng… để tích lũy vốn liếng đầu tư riêng phương tiện.

Hơn 40 tuổi đời, ngư dân Phạm Văn Châu đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Đứng bên cạnh con tàu lớn 550CV sắp sửa hoàn thành, anh cho biết: “Tích cóp được hơn 2 tỷ đồng để có thể đóng được con tàu này là thành công rất lớn đối với gia đình chúng tôi. Làm chủ tàu tôi đã vui được một, khi nào làm “chủ” biển tôi sẽ vui gấp mười lần. Nếu như trước đây, đi “bạn”, tôi chỉ đánh bắt trên biển theo tập quán sản xuất riêng của mỗi chủ tàu thì bây giờ, với con tàu này, tôi có thể lao động theo cách riêng của mình. Nghề lưới vây luôn “ủng hộ” những ngư dân cần cù và sáng tạo trên biển”. Bằng kinh nghiệm tích lũy được sau hơn 20 năm đi biển, điều đầu tiên mà anh Châu dự tính thực hiện với con tàu mới của mình là kiện toàn cơ sở vật chất của con tàu, trước kết là mua máy dò ngang và thiết kế hệ thống định vị vệ tinh GPS.

Theo anh Châu, với tính năng có thể phát hiện đàn cá với đường kính không dưới 800m - gấp gần 10 lần so với máy dò đứng mà ngư dân theo nghề lưới vây hay sử dụng thì đầu tư máy dò ngang là điều rất thiết thực. Anh Châu kể, những chuyến biển trước đây mà anh tham gia sản xuất, ngư dân có thể thu được vài tấn cá với chỉ một mẻ lưới kéo lên nhờ máy dò ngang. “Khi trên máy định vị xuất hiện những mảng đỏ (tín hiệu luồng cá) ngư dân có thể chủ động thả lưới. Nhiều chuyến biển, sau chừng 1 giờ sản xuất, chúng tôi thu được 5 tấn cá. Có những chuyến biển, máy dò ngang phát hiện đàn cá nục đỏ ken dày dưới lòng biển sâu hàng trăm mét. Anh em tung lưới bắt được gần 10 tấn cá” - anh Châu kể.

Phạm Văn Châu đã có vài chục năm theo nghiệp biển nhưng với anh, mỗi chuyến biển bao giờ cũng tiềm ẩn những điều mới lạ. Mỗi lần tham gia sản xuất trên biển, anh đều kỹ càng ghi chép tỉ mỉ về ngư trường, mùa vụ, đối tượng, kỹ thuật đánh bắt… Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên cập nhật thêm thông tin, kinh nghiệm sản xuất nhờ trao đổi với nhiều đồng nghiệp có tập quán sản xuất khác nhau. “Từ những kinh nghiệm tích lũy được, tôi thấy để sản xuất hiệu quả, làm chủ một chiếc tàu là chưa đủ. Một chiếc tàu thì không thể tự cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm khi đang sản xuất trên biển và rất bị động khi sản phẩm đánh bắt được cần phải bán ngay. Kỳ vọng của tôi là tiết kiệm mọi khoản thời gian có được để khai thác bám biển khai thác để tăng thu nhập” - anh Châu chia sẻ.

Nguyễn Quang Việt

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiệp biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO