Những nghệ nhân, những người yêu nghề đến từ thành thị, nông thôn và cả vùng cao vừa có dịp gặp nhau tại chương trình ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng. Họ đã có một ngày vui vì được nói, được trình diễn và sẻ chia những tâm tư về nghề truyền thống của mình.
1. Bỏ lại những tháng ngày mưa gió, nghệ nhân Alăng Đợi (thị trấn Prao, Đông Giang) cùng gia đình đã có mặt tại Đà Nẵng xuyên suốt những ngày diễn ra chương trình để chia sẻ rộng rãi chuyện nghề, chuyện đời với cộng đồng địa phương. Ông say mê kể về từng bức tượng gỗ được xếp thẳng tắp. Đó là những bức tượng tái hiện nhiều câu chuyện về ma rừng, người mẹ rừng hay nỗi đau đáu của gia đình khi hay tin người thân gặp hoạn nạn.
Nghệ nhân Alăng Đợi trầm ngâm hồi lâu sau mẩu chuyện giải thích bức điêu khắc “người mẹ rừng” bởi nó đẹp nhưng buồn. Cơ thể của bức tượng tơi tả, hằn những vết thương khi “nguồn nhựa sống” là những cánh rừng già vẫn đang bị tổn thương âm ỉ từng ngày. Câu chuyện của bức tượng nghe đâu đó như câu chuyện cuộc đời…
Được biết, thời gian qua ông đã cố gắng truyền đạt lại nghề điêu khắc cho 10 thanh niên trong thôn và 10 người khác ở huyện Tây Giang. “Chỉ cần khoảng 3 tháng chăm chỉ là những thợ trẻ ở làng có thể tiếp thu cơ bản những gì tôi truyền đạt và thành thạo việc tạc, đục đẽo. Tuy nhiên không nhiều người mặn mà vì thực ra thì con cháu tôi bây giờ cũng đi học, làm việc khác rồi” - nghệ nhân Alăng Đợi bộc bạch.
Ông rất vui khi một vài sinh viên trường kiến trúc ngồi lại quan sát chăm chú và đề nghị được trải nghiệm việc tạc tượng. Dường như, ông đang mơ về một ngày những bức tượng của mình không chỉ gói gọn trong bản làng.
Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng diễn ra từ 21 đến 23.11 tại Bảo tàng Đà Nẵng nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), quy tụ hàng chục làng nghề đặc sắc của TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Bên lề sự kiện còn có nhiều hoạt động trình diễn, giao lưu các loại hình xe cổ, văn hóa ẩm thực, văn hóa biển...
2. Dịch bệnh ập xuống khiến hoạt động du lịch bế tắc trong khi lao động của ngành thì rảnh rang. Chẳng ai mong muốn điều này nhưng đó lại là một cơ duyên để chị em chị Võ Thị Dung (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đến với chương trình. Bà ngoại rồi mẹ của chị Dung đều một đời gắn với cây lác, chiếc chiếu nhưng đến thế hệ trẻ hơn thì mọi thứ đã phôi pha. “Nếu làm cật lực thì mỗi ngày một người sẽ dệt được một chiếc chiếu. Trừ mọi chi phí còn dư đâu mấy chục nghìn đồng mà đầu ra còn bấp bênh thì làm sao người trẻ gắn bó được” - chị Dung chia sẻ.
Thao tác của hai chị em khi trình diễn rất thuần thục, không kém gì những nghệ nhân lớn tuổi mà tôi từng chứng kiến. Không ít người bạn của họ trong làng Bàn Thạch có lẽ cũng nằm lòng từng thao tác mắc sợi, đè trân khi lẽo đẽo tập tành từ ngày thơ ấu.
Nhưng họ không thể gắn mình với nghề được bởi lý do đơn giản: “cơm áo gạo tiền”. Một khi ngành du lịch nhộn nhịp trở lại, chị Dung hay những người bạn của mình khó lòng có thời gian để chăm chút cho nghề của làng. Hôm nay, những đứa trẻ thành thị tò mò túm tụm quanh khung dệt hay lần mò đan những vòng đeo tay xinh xắn từ sợi chiếu. Nhưng ngày mai, mọi người lại gom góm chút ít niềm vui ấy trở về, quay lại cuộc sống thường nhật. Còn đời chiếu, đời làng vẫn man mác bao nỗi niềm…
3. Nắng trưa đã gay gắt nhưng trong gian hàng sản phẩm tre của anh Võ Tấn Tân (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) vẫn rổn rảng thanh âm của đồ vật, tiếng cười của trẻ thơ. Nhắc tới làng người ta hay nghĩ về lũy tre. Đưa tre vượt khỏi lũy làng để gắn bó mật thiết với con người trong đời sống thường nhật là điều không dễ dàng. Với đôi bàn tay tài hoa cùng sự sáng tạo không ngừng nghỉ, những người thợ trẻ đã chinh phục được cộng đồng và du khách khó tính nhất. Từ nguyên liệu ngàn đời của làng, những sản phẩm xanh, thân thiện ra đời, dần bồi tụ và hòa mình vào mạng lưới di sản độc đáo của quê hương.
“Dịch bệnh tất nhiên ảnh hưởng đến việc phát triển của đơn vị nhưng chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng bằng việc đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa” - anh Võ Tấn Tân chia sẻ.
Giữa nhiều nỗi ưu tư chung của làng nghề, của di sản dù sao đây cũng là một tín hiệu tích cực. Một lần ngồi lại, nhặt nhạnh tiếng lòng của di sản để thấy làng nghề hay rộng hơn là di sản vẫn sẽ có chỗ đứng riêng một khi biết thích ứng với hơi thở đời sống.