Hàng trăm trẻ khuyết tật ở TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã tìm được niềm vui từ Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).
Trung tâm hướng nghiệp từ thiện trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng luôn nhộn nhịp. Chín giờ sáng, 57 học viên của trung tâm được đào tạo các ngành in, may, thêu và làm hương đang miệt mài rèn luyện và sản xuất sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô trong trung tâm. Em Nguyễn Thị Thu Thủy (quê ở xã Bình Tú, Thăng Bình) bị khuyết tật chậm phát triển trí tuệ và được trung tâm hỗ trợ, đào tạo hơn một năm nay. Theo cô Lê Thị Tuyết, giáo viên dạy về may mặc của trung tâm, dù Thủy mới học xong lớp 1 nhưng rất chăm chỉ và nhạy bén để bắt nhịp được với hoạt động của bạn bè. Mới đây, Thủy đã có một hành động rất đáng khen khi nhặt được 3 triệu đồng lúc đi ra ngoài và đã lập tức báo cáo trung tâm trả lại cho người bị đánh rơi.
Được biết, hơn một nửa trong tổng số các em tại trung tâm quê quán Quảng Nam, gia cảnh rất khó khăn. Đây là một nỗ lực rất lớn của trung tâm để mở rộng phạm vi giúp đỡ và số lượng học viên. Bởi năm 2005, đơn vị chỉ có thể nhận cưu mang 27 em, trong đó có 1 em quê Quảng Nam. Thầy Lê Tấn Hồng - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện chia sẻ, đã có những lúc hoạt động của trung tâm bị ảnh hưởng nặng bởi nguồn kinh phí và mô hình hoạt động. Nhờ sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân cùng với việc định hướng đào tạo nghề cho các em nên giờ đây trung tâm đã ổn định và tiếp tục đổi mới để có thể giúp đỡ thêm nhiều trẻ khuyết tật.
Theo thống kê của trung tâm, từ năm 2005 đến nay đã có 179 trẻ khuyết tật ra ngoài làm nghề hoặc trở về giúp đỡ gia đình. Trong 3 năm qua, 20 em quê Quảng Nam sau khi được đào tạo nghề bài bản đã xin việc được tại công ty in quảng cáo hoặc may mặc với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu, trường hợp của anh Nguyễn Nhật Nam (quê xã Điện Tiến, Điện Bàn) bị khuyết tật sụp mí mắt vào trung tâm học nghề in lụa và đã được nhận vào làm việc tại Công viên phần mềm Đà Nẵng. Hay như em Lê Thị Mỹ Ái (quê ở Điện Bàn) có nguyện vọng được gắn bó lâu dài với trung tâm. Dù tay chân bị co rút nhưng em luôn nỗ lực làm việc, có thể sản xuất 3.000 que hương/ngày và được hưởng 15% tiền lãi từ việc bán hương… Ở Trung tâm mọi sinh hoạt giống như một gia đình lớn khi mọi người luôn hòa đồng, san sẻ yêu thương, cùng nhau học tập, sản xuất và trồng rau để cải thiện bữa ăn. Qua những ngày sống chung dưới mái ấm trung tâm, đã có những mảnh đời bất hạnh đồng cảm để rồi gắn kết, tiến tới hôn nhân để chia sớt vui buồn cuộc sống. Đơn cử như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Danh, 28 tuổi và chị Nguyễn Thị Bình Nguyên cùng quê Thăng Bình. Sau khi hoàn thiện khóa học nghề tại trung tâm, cả hai về quê mưu sinh để có thể tự trang trải cuộc sống.
Nhằm tạo đều kiện để các em có cơ hội học hỏi, giao lưu, thời gian tới trung tâm sẽ phối hợp với tổ chức Brittany’s Hope cho các em giao lưu với đoàn sinh viên Mỹ tại TP.Hội An.
QUỐC TUẤN