Ngôi trường đặc biệt

VINH ANH 20/12/2013 12:35

Như một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật (TKT), Trung tâm Nuôi dạy TKT huyện Điện Bàn (gọi tắt là Trung tâm) đóng tại thôn Cổ An 4, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn đã  mang lại niềm hy vọng cho nhiều TKT.

Nhiều trẻ khuyết tật được tiếp cận với chương trình tập luyện vật lý trị liệu hiệu quả. Ảnh:  VINH ANH
Nhiều trẻ khuyết tật được tiếp cận với chương trình tập luyện vật lý trị liệu hiệu quả. Ảnh: VINH ANH

“Ngôi trường” đặc biệt

Trung tâm được khánh thành vào tháng 4.2012, do tổ chức Kianh Foundation tài trợ và trực tiếp thực hiện với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Bà Lê Tố Quyên - Quản lý Trung tâm cho biết, giống như một ngôi trường đặc biệt dành cho TKT lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Nam. Trung tâm có 2 chương trình lớn chuyên dành cho trẻ, đó là “Giáo dục đặc biệt” và “Vật lý trị liệu”. Với chương trình giáo dục đặc biệt cho TKT, Trung tâm không phân biệt chủng loại khuyết tật. Nếu như ở những trường học phổ thông, thông thường chỉ những TKT ở mức độ nhẹ mới được tiếp nhận vào học thì Trung tâm không phân biệt đối với trẻ và đều có từng chương trình riêng cho từng chủng loại khuyết tật ở trẻ. Đối với những em bị bại liệt khi đến Trung tâm vẫn được học chương trình phổ thông. Tùy theo nhu cầu của từng trẻ, Trung tâm đều có phương án giúp đỡ, hỗ trợ cho trẻ tiếp cận chương trình. Còn những trẻ chậm phát triển trí tuệ như bị hội chứng đao, kém phát triển… sẽ được phát triển chủ yếu về kỹ năng sống, làm sao cho các cháu hòa nhập với cộng đồng. Riêng trẻ tự kỷ sẽ được các chuyên gia người nước ngoài và tình nguyện viên hướng dẫn điều khiển hành vi của trẻ.

Được biết, vào đầu năm 2013 số lượng trẻ tham gia giáo dục đặc biệt tại Trung tâm là 40 em, chia ra làm 4 lớp. Nội dung của chương trình dành cho các em chủ yếu tập trung giáo dục các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội, các môn bổ trợ kiến thức, điều chỉnh hành vi và giáo dục tại gia đình. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp đưa các nội dung tập thể chất và ngôn ngữ trị liệu vào kế hoạch cá nhân của các em để thực hiện tại lớp học. Hầu hết các em đều tiến bộ rõ rệt với chương trình học dành riêng. “Trung tâm đang chăm sóc, giáo dục cho 64 trẻ. Qua gần 2 năm hoạt động, nhìn chung các em có tiến bộ rất nhiều so với lúc mới đưa vào đây” - bà Lê Tố Quyên cho biết.

Tín hiệu vui

Những kết quả ấy bước đầu mang lại niềm hy vọng cho nhiều TKT và đặc biệt là phụ huynh các em. Anh Phạm Trình, trú tại xã Điện Minh (Điện Bàn) là ba cháu Phạm Lê Hoàng Phúc (8 tuổi) đang được học tập tại Trung tâm cho biết: Cháu Phúc từ nhỏ đã có biểu hiện chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Đến tuổi đi học nhưng do chậm phát triển so với bạn bè nên vợ chồng anh Trình không biết xin cho cháu đi học ở đâu. Cháu được nhận vào Trung tâm từ tháng 9.2012, chỉ sau hơn 1 năm cháu đã có những tiến bộ rõ ràng khiến gia đình rất mừng. “Mới gửi con vào Trung tâm hơn 1 năm, nhưng nay cháu đã bắt đầu nói bập bẹ và phát triển về thể chất, ham học… Về nhà cháu vui vẻ và không nhút nhát như lúc trước nữa” - anh Trình nói.

Tương tự như hoàn cảnh của gia đình anh Trình, từ lúc Trung tâm đưa vào hoạt động đến nay, nhiều gia đình nghèo ở huyện Điện Bàn có con không may bị khuyết tật tìm được ngôi trường học tập. “Mỗi tháng gia đình tôi chỉ đóng 200 nghìn đồng tiền ăn trưa cho con. Buổi sáng chở cháu đến trường và chiều đón về nên không ảnh hưởng đến thời gian công việc 2 vợ chồng. Từ lúc gửi cháu vào trường, vợ chồng tôi yên tâm để công tác hơn” - anh Trình cho biết thêm.

Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc giáo dục và vật lý trị liệu cho trẻ, nhưng để TKT có nhiều tiến bộ hơn, Trung tâm rất cần sự phối hợp của các gia đình. “Trung tâm đang cố gắng mở rộng và trang bị kiến thức, thông tin cho các bậc phụ huynh để có thể đồng hành thực hiện các mục tiêu giáo dục tại nhà, giúp các em tiến bộ” - bà Quyên nói.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi trường đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO