Các đô thị mới của tỉnh đang có khuynh hướng nhìn về biển, mở ra sông nhằm tận dụng tối đa sự phóng khoáng của thiên nhiên ban tặng. Đã ra đời những phố xá lung linh bên dòng sông thơ mộng, tạo nên bản sắc riêng biệt. Một số địa phương đeo đuổi ý tưởng dịch chuyển không gian quy hoạch về phía sông, nhưng vẫn còn đó nhiều sự ách tắc mà muốn khơi thông “dòng chảy” đô thị đòi hỏi phải đón nhận luồng gió mới.
Hai bờ bắc - nam hạ du sông Thu Bồn từ ngày cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng gắn kết tuần hoàn như... mạch máu. Những tòa nhà cao tầng san sát bên rừng dừa ngợp bóng ven sông từ phía Hội An, dễ khiến người ta mê đắm trước vẻ đẹp gần gũi với tự nhiên. Rồi tương lai các làng chài bên Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình) bao đời người dân “ăn sóng nói gió” sẽ chạm mặt với đời sống thị dân khi nơi đây chính quyền đang xúc tiến phát triển mạnh mẽ đô thị. Sẽ khó nói trước điều gì sẽ xảy ra mai sau, song khát vọng đô thị hóa nông thôn đã, đang mang lại sinh lực mới nơi ven sông cửa biển này. Ngay cả dòng sông vốn chịu sự “chèn ép” của thiên nhiên, biến động như Cổ Cò (thị xã Điện Bàn) bây giờ cũng đang nuôi giấc mộng dựng xây một thành phố mới. Nhưng không dễ dàng để hiện thực hóa khát vọng khi mà các dự án đầu tư vào đây nhỏ giọt và ách tắc của công tác giải phóng mặt bằng cứ dai dẳng.
Các đô thị hiện đại đều bám theo sông. |
Từ năm 2012, sông Cổ Cò nối cửa Hàn (TP.Đà Nẵng) với Cửa Đại (TP.Hội An) đã được chính quyền 2 địa phương cam kết đầu tư nạo vét, phát triển đô thị song đến nay vẫn chưa thông thế bế tắc. Hai bờ sông đã được phân chia ranh giới, cắm mốc thực địa. Trước đây, chính quyền tỉnh “tạm tính” mức đầu tư cho khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn giai đoạn 2013-2015 lên đến 625 tỷ đồng nhưng hiện vẫn khó khăn về nguồn vốn. Đã có nhà đầu tư tham gia nạo vét nhưng rồi họ lại... âm thầm ra đi. Dự án khu biệt thự cao cấp ven dòng sông này do Công ty CP Đầu tư phát triển Phúc Thịnh làm chủ đầu tư bị thu hồi đất do không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ cam kết. Và hiện nay chỉ Công ty TNHH Mỹ Việt đầu tư khu nghỉ dưỡng trú đông ven sông mới ở giai đoạn san nền.
Hơn 4 năm nay dự án thực hiện quá chậm chạp, dòng sông vẫn chưa được đánh thức. Nằm ở vị trí “thiên thời địa lợi” lẽ nào vùng đất này thiếu hấp dẫn nhà đầu tư? Thực tế thì không phải vậy. Rào cản lớn nhất hiện nay là vướng mắc mặt bằng. Bất cập là, chính quyền sở tại hiện cũng không nắm chính xác bao nhiêu hộ dân đã được công nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ven sông. Sông Cổ Cò qua năm tháng bị vùi lấp, tắc nghẽn, nhiều nơi không còn phân biệt được sông, ruộng. Nhiều chỗ bị bồi lấp, hẹp như “nút cổ chai”.
Khảo sát ban đầu có khoảng 200ha đất lúa của người dân hai phường Điện Dương, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) canh tác ven bờ sông này. Chính vì sản xuất ổn định nên chính quyền cũng công nhận quyền sở hữu sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, dọc sông này có trên dưới 200ha đất lúa thuộc diện phải thu hồi đất nhưng HĐND tỉnh chỉ cho phép địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng 126ha đất lúa. Như vậy, muốn thu hồi đất phải trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. “Quy hoạch, phát triển đô thị ven sông dù đã có chủ trương, quy hoạch chung nhưng thực chất là chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư. Tiến độ xây dựng nhiều năm vẫn giẫm chân tại chỗ” - ông Úc nói. Thời gian qua, Tập đoàn Tuần Châu (Quảng Châu) khảo sát tìm cơ hội đầu tư dọc ven sông Cổ Cò. Theo phê duyệt ban đầu, dự án có quy mô diện tích 937ha. Trong đó, khu đô thị bờ đông sông Cổ Cò có diện tích 70ha; khu đô thị bờ tây sông rộng hơn 353ha; khu chỉnh trang đô thị và khu dân cư hiện trạng 134,5ha...
Có thể nói, các nhà định hướng quy hoạch, cơ quan quản lý, nhà chuyên môn thường chú tâm mở rộng không gian đô thị về hướng “nơi dòng sông gặp biển”. Tại Núi Thành, khi quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư ở khu vực thị trấn hay phát triển đô thị Tam Anh Nam đều mở ra gần bờ sông Trường Giang. Trong khi đó, ở phía bắc đã và đang khát vọng hình thành một chuỗi đô thị sinh thái ven sông Cổ Cò - Đế Võng. Hình hài của các đô thị ven sông này rồi sẽ ra sao? Tất cả đang trông chờ ở thì tương lai.
HỮU PHÚC