Tại buổi làm việc với ngành thủy sản mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã thống nhất với các kiến nghị về việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển.
|
Sẽ có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa. Trong ảnh: Ngư lưới cụ của ngư dân Võ Quang Thái bị tàu nước ngoài phá hoại cách đây hơn hai tháng. |
Hỗ trợ về bảo hiểm
Nhiều ngư dân cho rằng, vấn đề hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Cụ thể, thủ tục mua bảo hiểm thì rườm rà mà ngư dân lại bám biển quanh năm, rất ít có thời gian để tìm hiểu kỹ các nội dung, quy định. Nhiều tàu cá sau khi gặp nạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm. “Tôi mua mức bảo hiểm cao nhất cho tàu cá, tưởng rằng sẽ được đền bù 100% nhưng chỉ được bồi thường không đến 70% giá trị khi con tàu gặp nạn. Ngành bảo hiểm lý giải mỗi năm đi qua thì con tàu ngày một cũ đi, giảm giá trị, trong khi đó chúng tôi vẫn đóng bảo hiểm ở mức cao nhất chứ không ít lại. Điều này là rất không công bằng, mong cấp trên xem xét, trợ giúp” - ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nói.
Từ trường hợp của ngư dân Phạm Phú Thành có tàu bị đâm chìm, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xem xét, tham mưu tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân không may bị gián đoạn quá trình sản xuất. Ngư dân chưa thể có phương tiện mới ra khơi thì giúp họ ổn định cuộc sống, tạo việc làm hợp lý. Đối với hải sản bị mất mát khi tàu bị chìm cũng phải có hỗ trợ thiết thực, bù lại giá trị vật chất bị mất đi. |
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, nhiều khi do bám biển quanh năm nên ngư dân quên mất đã đến thời gian phải đóng phí bảo hiểm. Ví như trường hợp của ngư dân Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, chủ tàu cá QNa-95959) đã đóng phí bảo hiểm vào phút chót chứ lỡ trễ một ngày nữa thôi là không được bảo hiểm cho con tàu vừa bị đâm chìm gần đây. “Để hỗ trợ ngư dân, cách làm của chúng tôi là cập nhật tất cả tàu cá sản xuất xa bờ, kiểm tra xem chủ phương tiện nào chưa đóng phí bảo hiểm đúng hạn, gọi điện đến gia đình họ, vận động thực hiện trách nhiệm. Có vậy họ mới có thể được nhận quyền lợi thỏa đáng” - ông Vũ nói.
Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, mới chỉ có 50% tàu cá sản xuất xa bờ được bảo hiểm. Trong khi đó, theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) thì ngư dân được hỗ trợ 70% chi phí mua bảo hiểm cho tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV; 90% cho tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Vậy nên, tỉnh xem xét hỗ trợ phần còn lại để tất cả chủ tàu đều có thể mua bảo hiểm cho tàu cá. Bổ sung ý kiến này, đại diện Hội Nghề cá Quảng Nam, ông Trần Quang Kiến cho rằng, với cơ chế hiện tại thì ngư dân trên địa bàn sẽ không được nhận bảo hiểm tối đa trong nhiều trường hợp. Ví như, bảo hiểm chỉ thực hiện trách nhiệm khi ngư lưới cụ của ngư dân bị mất hoàn toàn, hỏng hoàn toàn chứ không bồi thường khi hỏng hoặc mất một nửa, một phần. Trong trường hợp này, ngư dân vẫn được xét hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (Quyết định 48). Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ 50% thiệt hại ở mức không quá 200 triệu đồng. Vậy nên, tỉnh xem xét để hỗ trợ thêm phần mất mát cho ngư dân.
Trợ giúp về cứu hộ, cứu nạn
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, nhiều trường hợp ngư dân đã bỏ cả chuyến biển để trợ giúp phương tiện khác bị nạn. Tàu cá cứu giúp bị tổn thất rất lớn, cần được hỗ trợ kịp thời, vừa giúp họ có kinh phí trang trải vừa động viên họ tiếp tục có nghĩa cử cao đẹp. Trên biển, khi gặp nạn, trước hết là các tàu cá trong các tổ, đội đoàn kết sản xuất trợ giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, mô hình này vẫn chỉ hoạt động tự phát nên tỉnh cần xem xét, có cơ chế trợ giúp về kinh phí, quỹ hoạt động. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Giỏi - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, tỉnh nên hỗ trợ cho thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu cá cứu hộ, cứu nạn bằng cách tính theo ngày công lao động phổ thông cũng như bù lại phần nhiên liệu hoạt động. Họ mất bao nhiêu ngày để cứu trợ, lai dắt phương tiện bị nạn thì cứ nhân lên theo ngày công lao động thông thường, bù lại công sức cho họ. Còn nếu tàu cá tham gia cứu trợ không may bị hư hỏng hay mất mát ngư lưới cụ thì cũng cần trợ giúp kinh phí để họ sửa chữa lại phương tiện, đầu tư ngư lưới cụ, qua đó tái sản xuất trên các vùng biển xa.
Đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh tham gia sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã tiếp cận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của trung ương và của tỉnh. Đáng kể nhất là được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đóng tàu công suất lớn hoạt động trên các vùng biển xa cũng như hỗ trợ nhiên liệu đi và về ở mỗi chuyến biển. Tuy nhiên, giữa cơ chế, chính sách và thực tiễn sản xuất của ngư dân vẫn có khoảng cách lớn. Nguyên tắc của tỉnh là tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ mới, đặc thù, phù hợp hơn sau khi ngư dân đã tiếp cận được Nghị định 89 và Quyết định 48. “Quảng Nam đề xuất trung ương nghiên cứu, triển khai cơ chế mới, thiết thực khuyến khích ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời tỉnh cũng phải có hỗ trợ mới hơn cho ngư dân, phù hợp với tình hình sản xuất có nhiều biến động hiện nay” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với các ban ngành khẩn trương bổ sung, hoàn thiện lại các cơ chế hỗ trợ, trình UBND tỉnh phê duyệt, sớm triển khai để ngư dân được hưởng lợi. “UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến vừa nêu, Sở NN&PTNT sẽ cụ thể hóa các nội dung đó cộng thêm một số nội dung về hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ về sức khỏe của ngư dân, hỗ trợ khi tàu cá không may bị chìm, bị cháy… để ban hành sớm nhất, thể hiện sự đồng hành, sát cánh cùng ngư dân sản xuất trên các vùng biển xa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định.
NGUYỄN QUANG VIỆT