Sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA), ngư dân Quảng Nam thêm vững tâm, đoàn kết ra khơi. Các lực lượng chức năng sẵn sàng sát cánh cùng họ, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Vững tin
Sáng 18.7, có mặt ở cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), chúng tôi chứng kiến nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh cập bờ bán hải sản. Đang độ trăng tròn, hải sản khan hiếm, ngư dân phấn khởi vì sản phẩm được giá. Họ càng vui mừng hơn khi nhận được thông tin, PCA đã đưa ra phán quyết bản “đường chín đoạn do Trung Quốc tuyên bố là không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử”. “Sau phán quyết công lý của Tòa trọng tài Thường trực, ngư dân chúng tôi càng vững tin hơn khi ra khơi” - ngư dân Nguyễn Văn Vỹ (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) nói. Ông Vỹ nêu ý kiến, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Quảng Nam sản xuất ở ngư trường truyền thống này là chính đáng. Sự tấn công tàu cá, cướp bóc tài sản ngư dân Quảng Nam là hành động phi nghĩa của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.
Ngư dân Quảng Nam chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thời điểm này, nhiều chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh khẩn trương ứng nhiên liệu, thu mua lương thực, thực phẩm, nước đá và các nhu yếu phẩm khác để vươn khơi. Các ngư dân cho rằng, ngày 16 âm lịch xuất bến thì sẽ sản xuất thuận lợi ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khi trăng lặn trong ngày tới. Ngư dân Nguyễn Văn Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) chia sẻ/; “Nhiều lần tàu Hải cảnh Trung Quốc áp sát, phá ngư lưới cụ, đập bể kính và lấy hải sản khai thác được. Nếu phía Trung Quốc điều chỉnh hành vi sau phán quyết của Tòa thì mình sản xuất thuận lợi hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Bùi Thế Cả đại diện cho Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cho biết, phán quyết PCA góp phần khẳng định tư thế, tâm thế, quyết tâm trong quá trình bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải của ngư dân. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không dễ dàng tuân thủ luật pháp quốc tế, ngược lại sẽ có những động thái tiêu cực. Bởi vậy, mới đây, các thành viên trong nghiệp đoàn nghề cá đã tập hợp nhau lại, bàn bạc và quyết định sẽ ra khơi với tinh thần đoàn kết cao hơn. “Các thành viên trong mỗi tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển sẽ bám sát nhau hơn, sát cánh, đồng lòng khi sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian đến. Giữa các tổ, đội đoàn kết khác nhau cũng gắn bó mật thiết trong vùng khai thác hải sản như: luôn cập nhật, kết nối tần số, thường xuyên trao đổi, liên lạc với nhau cũng như liên hệ về đất liền qua máy bộ đàm, Icom và hệ thống liên lạc có định vị GPS” - ông Cả nói.
Ngư dân Quảng Nam bán hải sản khai thác được rồi lại vươn khơi bám biển.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sát cánh cùng ngư dân
Nhiều hình thức hỗ trợ ngư dân Để chiến lược biển Việt Nam thể hiện tính ưu việt trong đời sống rất cần những ngư dân có mặt thường xuyên trên các vùng biển xa. Có thể khẳng định đến thời điểm này, ngư dân luôn được hỗ trợ, sát cánh của nhiều lực lượng. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho rằng, phán quyết PCA sẽ tạo thêm phấn khởi cho mỗi chuyến bám biển của ngư dân. Tiếp sức ngư dân, ngành chức năng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và trung ương, tạo động lực lớn vươn khơi. Đó là hỗ trợ nhiên liệu đi và về ở 4 chuyến biển trong năm cũng như thuận lợi khi tiếp cận Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để đóng tàu công sức lớn, vững chãi trên biển xa. Cùng với đó, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cũng đã thống nhất thêm nhiều nội dung, thiết thực hỗ trợ ngư dân bám biển. Thượng tá Nguyễn Văn Búp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho rằng, để an toàn trên biển cũng như thuận tiện trong cứu hộ, cứu nạn khi không may sự cố xảy ra trên biển, ngư dân cần giữ liên hệ chặt chẽ với đất liền trong mọi tình huống cũng như mọi thời gian. “Chúng tôi luôn túc trực ở đài liên lạc và sẽ luôn sát cánh cùng ngư dân. Nếu nhận được thông báo bị nạn của họ, chúng tôi sẽ yêu cầu tàu khai thác hải sản của ngư dân ở gần đó đến ứng cứu. Ngoài ra, chúng tôi liên hệ đến BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, tham mưu điều tàu của Hải đội 2 ra ứng cứu cấp tốc” - Thượng tá Nguyễn Văn Búp nói. |
Núi Thành và Thăng Bình là hai huyện có nghề cá lớn nhất tỉnh nên các giải pháp giúp đỡ ngư dân tránh các tai nạn, thiệt hại trên biển luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, phán quyết PCA tạo động lực lớn hơn trong quá trình bám biển của ngư dân. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phía Trung Quốc gia tăng áp lực, phá hoại ngư dân. Vì thế, huyện khuyến khích ngư dân tuyệt đối đoàn kết bám biển. “Chúng tôi đã cung cấp tần số liên lạc chung cho ngư dân trên toàn địa bàn để liên hệ khi gặp sự cố trên biển là 9126. Lúc đó, huyện sẽ có biện pháp kịp thời ứng cứu ngư dân và tàu cá bị nạn. Ngoài ra, mỗi tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã được tuyên truyền và thống nhất sản xuất chỉ cách nhau vài hải lý để kịp thời ứng cứu lẫn nhau khi không may gặp nạn” - ông Thịnh nói. Còn UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong thời gian qua, huyện đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản của tỉnh để tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao năng lực ứng phó với biến động trên biển, đặc biệt là khi bị tàu nước ngoài đâm, va. Bởi vậy, ngư dân nắm được các kỹ năng cần thiết để bảo vệ, ứng cứu lẫn nhau. Huyện đề xuất các ban ngành của tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, quy chế đặc thù, tạo điều kiện cho mô hình đoàn kết sản xuất trên biển hoạt động hiệu quả hơn.
Đại tá Trần Văn Dũng - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, trong thời gian qua, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương ven biển của Quảng Nam tổ chức tuyên truyền, khuyến khích, động viên ngư dân luôn hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là Trường Sa, Hoàng Sa. Điều đó không chỉ để hiện thực hóa chủ trương làm giàu từ biển mà còn góp phần quan trọng để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Trong thời gian đến, tình hình Biển Đông có thể sẽ nhạy cảm hơn khi Trung Quốc không chấp nhận phán quyết PCA và có hành động gây hấn. Tuy nhiên, ngư dân cần tiếp tục khẳng định tâm thế bám biển, sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền. Trước đây cũng như trong thời gian đến, lực lượng cảnh sát biển vẫn sẽ đồng hành, sát cánh cùng ngư dân trên mặt trận bảo vệ chính nghĩa chủ quyền của đất nước. “Vùng Cảnh sát biển 2 có đầy đủ lực lượng, phương tiện để luôn hiện hữu trên các vùng biển, đặc biệt là Hoàng Sa. Chúng tôi sẵn sàng và luôn hỗ trợ khi ngư dân cần, như cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu người, sửa chữa tàu cá cũng như cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu” - Đại tá Trần Văn Dũng nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT