Tuy mới gần một năm đi vào hoạt động nhưng Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi, thuộc Hội Nhà báo Quảng Nam đã tập hợp được đông đảo hội viên và tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả. Câu lạc bộ là ngôi nhà chung để những người làm báo đã nghỉ hưu có nơi sinh hoạt, cùng giúp nhau tiếp tục tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Thành viên Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng A Nông, huyện Tây Giang. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với bầu nhiệt huyết của mình, thời gian qua có không ít nhà báo cao tuổi đã tham gia sôi nổi các hoạt động trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền.
Nổi bật là Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, tham gia tổ chức “Tọa đàm đạo đức người làm báo gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII”, tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi báo chí…
Phát huy thành tích đạt được, tại Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2017 - 2020 diễn ra vào cuối tháng 8.2017, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi đã đề ra phương hướng hoạt động, trong đó tổ chức sinh hoạt ít nhất 6 tháng/lần, tổ chức đi thực tế 1 - 2 lần/năm. Đồng thời vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động báo chí, tham gia các giải thưởng báo chí do hội nhà báo các cấp phát động…
Được Hội Nhà báo Quảng Nam tạo điều kiện giúp đỡ, ngay sau khi thành lập, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi đã tổ chức cho những người làm báo cao tuổi đi thăm và dự khai mạc phiên chợ sâm núi Ngọc Linh do huyện Nam Trà My tổ chức.
Dịp này, các nhà báo cao tuổi được giao lưu, tìm hiểu đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, những hộ trồng sâm nói riêng. Qua đó, thu thập thông tin, kịp thời viết tin bài, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tạo dựng thương hiệu Sâm Việt Nam.
Và mới đây câu lạc bộ đã tổ chức đi thực tế tại huyện Tây Giang. Trong thời gian 3 ngày, được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo huyện, những nhà báo cao tuổi đã đến tham quan quần thể rừng pơmu; tìm hiểu đời sống kinh tế của đồng bào tại 2 xã nông thôn mới Lăng và A Nông; thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông…
Tại mỗi nơi đến các nhà báo cao tuổi đã có được những thông tin đầy thuyết phục để có thể viết bài phản ánh về một quần thể pơmu được mệnh danh là “Vương quốc pơmu”. Hay như những con số “biết nói” về quá trình đầu tư xây dựng để xã A Nông và xã Lăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014 và năm 2016.
Đặc biệt, tại đồn Biên phòng A Nông, các nhà báo cao tuổi rất ấn tượng với những kết quả về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chi ủy đồn với Đảng bộ xã trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác vận động quần chúng, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân khu vực biên giới, góp phần xây dựng đồn vững mạnh toàn diện. Đây là những thông tin quý để các nhà báo cao tuổi viết bài tuyên truyền trong dịp kỷ niệm 15 năm tái lập huyện Tây Giang (6.2003 - 6.2018) và 60 năm ngày thành lập Bộ đội Biên phòng Việt Nam.
Ngoài những chuyến đi thực tế, thời gian qua Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn kịp thời thăm hỏi, động viên những hội viên bị ốm đau, tang khó… “Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi là sân chơi dành cho những người làm báo đã nghỉ hưu nhưng đây cũng là ngôi nhà chung, là nơi giao lưu, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, làm cầu nối để các nhà báo cao tuổi có điều kiện tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp báo chí với những tác phẩm mới, chất lượng…”- nhà báo Ngô Văn Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi chia sẻ.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC