Năm nay vừa tròn 70 tuổi, những ngày mùa đông này vết thương ở đầu thường hay tái phát khiến người nửa ngây, nửa dại, nhưng khi nói về tháng ngày chiến đấu trên chiến trường và đấu tranh trong nhà tù của giặc, giọng ông Lê Phu lại bừng lên sự hào sảng của người chiến sĩ cách mạng.
Ông Lê Phu sinh năm 1946 tại làng Khương Đại, xã Kỳ Khương, huyện Nam Tam Kỳ (nay là xã Tam Hiệp, Núi Thành). Tuổi thơ của ông là những ngày dài loạn lạc và đói cơm lạt muối. Không chịu đứng nhìn cảnh quê hương bị tàn phá, dân làng bị đàn áp, chàng thanh niên Lê Phu đã tích cực tham gia làm cơ sở cách mạng lập nên những thành tích thật bất ngờ, được đồng đội tin yêu, nhân dân mến phục. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân ông cũng như cơ sở, năm 1964 ông được tổ chức đưa đi thoát ly và được phân công về đơn vị V14 thuộc huyện Nam Tam Kỳ. Trải qua hơn 4 năm chiến đấu và trưởng thành, ông đã tham gia đánh hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt được hàng trăm tên địch. Năm 1968 ông được kết nạp vào Đảng và được đề bạt làm tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng. Sau đó Tỉnh đội Quảng Nam điều ông về công tác tại Tiểu đoàn 70, làm chính trị viên phó đại đội. Sau khi chỉ huy lực lượng có vỏn vẹn 20 cây súng đánh diệt gọn đại đội lính bảo an, thu toàn bộ vũ khí, làm chủ trận địa tại cứ điểm của địch ở thôn Long Sơn, xã Kỳ Long, huyện Bắc Tam Kỳ (nay là xã Tam Dân, Phú Ninh), ông Phu được đề bạt làm chính trị viên đại đội. Tháng 5.1970, ông trực tiếp đánh chặn các cuộc càn quét của địch, tiêu diệt 5 tên Mỹ và được tặng huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II. Không lâu sau, ông trực tiếp đánh địch, chặn đứng các cuộc lấn chiếm vùng giải phóng, diệt 7 tên lính Mỹ và được tặng huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp III. Với tinh thần gan dạ, anh dũng không sợ hy sinh gian khổ, trong những năm công tác tại Tiểu đoàn 70, ông Lê Phu đã trực tiếp chỉ huy đánh hơn 50 trận lớn nhỏ, thu được hàng trăm vũ khí các loại, bắn cháy nhiều xe quân sự, làm tiêu hao sinh lực và đẩy lùi thành công các trận phản kích của địch.
Cũng trong năm 1970, do yêu cầu công tác, ông Lê Phu được tổ chức điều về Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội Quảng Nam. Trong những ngày đầu mới về đơn vị ông đã trực tiếp tham gia đánh diệt chốt điểm của địch tại xã Bình Nam, Thăng Bình. Trận đánh kéo dài 3 ngày. Ngày thứ nhất, địch phản kích bằng bộ binh, quân ta đã đánh bật, giữ nguyên trận địa. Ngày thứ hai, bọn chúng điên cuồng phản kích bằng bộ binh có pháo bắn yểm trợ, quân ta đánh trả quyết liệt, buộc địch phải co cụm lại. Sang ngày thứ ba, địch dùng hỏa lực mạnh, có cả máy bay yểm trợ và sử dụng các phương tiện hiện đại để đổ quân phía ở sau trận địa đánh thẳng vào sở chỉ huy của ta. Mặc dù quân ta diệt gọn cứ điểm, làm chủ trận địa nhưng do trận đánh vô cùng ác liệt khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương, hy sinh. Trong trận, ông Lê Phu bị thương gãy một chân nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Đến khi quả rốc két nổ sát người làm bị thương ở đầu, bụng và nhiều chỗ khác trên cơ thể, ông nằm lịm đi. Trận đánh kết thúc, ông Lê Phu cùng nhiều người khác trong đơn vị bị địch xúc đưa về căn cứ quân sự Chu Lai.
Trận thương này, phải 17 ngày sau ông mới tỉnh lại và thấy chân mình bị cụt đến ống quyển, đầu thì đau nhói. Mặc dù rất đau, nhưng khi trở mình, nhìn thấy đồng đội cùng đơn vị nằm điều trị bên cạnh, ông Lê Phu lấy tay che miệng nói nhỏ: “Khi địch lấy cung, phần ai nấy biết, không được khai người này, người nọ”. Đúng như dự định, sau đó ít phút cảnh sát địch đến tận giường bệnh để lấy cung. Chúng hỏi ông Phu: “Mày cho biết họ tên, quê quán ở đâu, chức vụ, ở đơn vị nào?”. Ông Phu bình tĩnh đối phó: “Tôi tên Phạm Thu, ở xã Tam Hòa, huyện Nam Tam Kỳ, ở Tiểu đoàn 1, Đại đội 1, Trung đội 1, Tiểu đội 1, là chiến sĩ không có chức vụ gì”. Bọn chúng gằn giọng hỏi: “Là chiến sĩ, tại sao có xách cốt, lựu đạn?”. Ông Phu nhanh nhảu trả lời: “Xách cốt và lựu đạn của các ông nằm cạnh tôi chứ tôi là chiến sĩ làm gì có!”. Sau khi hỏi cung xong chúng chuyển ông Phu đến Bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng). Qua hơn 3 tháng điều trị, sức khỏe bình phục, địch đưa ông Phu cùng một số tù binh khác về trại giam Non Nước (Đà Nẵng). Tại đây, bọn chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ ông khai báo để được trả tự do về với gia đình. Ông vẫn cương quyết: “Tôi đã khai đầy đủ, thành thật. Nếu các ông không tin, cho tôi là người ngoan cố thì tùy các ông dùng hình phạt gì tôi cũng chịu”. Biết một người tên Nam ở cùng đơn vị và bị bắt một lần nên bọn chúng đưa đến gặp mặt ông Phu để đối chứng lời khai. Nhưng không chỉ không nhìn mặt ông Phu, người chiến sĩ tên Nam còn dõng dạc trả lời: “Tôi không biết ông này!”.
Trong những ngày đầu vào trại giam Non Nước ông Phu luôn để ý mọi cử chỉ đi lại cũng như cách sinh hoạt của anh em tù binh. Qua đó, ông nhận ra tại trại giam có tổ chức đảng nên ông tích cực hưởng ứng các cuộc đấu tranh cùng anh em tù binh. Ông cũng cố tìm cách bắt nối với bí thư chi bộ ở trại giam là một người tên Hồng, quê xã Kỳ Phú, huyện Tam Kỳ, để tham gia vào tổ chức đảng. Qua một thời gian ở trại giam, ông Lê Phu tích cực tham gia các cuộc đấu tranh và được anh em đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu làm phó bí thư, sau đó làm bí thư chi bộ.
Đầu năm 1972, địch chuyển toàn bộ tù binh ở trại giam Non Nước ra giam giữ tại trại giam tù binh ở Phú Quốc, trong đó chủ yếu là người Quảng Nam. Trại giam Phú Quốc có 11 khu giam giữ, khu số 11 là trại giam mới xây dựng, rất kiên cố và khắc nghiệt hơn các nhà lao khác nên bọn chúng đưa toàn bộ tù binh ở trại giam Non Nước vào nhốt tại khu này. Chi bộ Đảng được thành lập tại nhà lao Non nước vẫn được giữ nguyên tổ chức, thường xuyên sinh hoạt đề ra phương pháp đấu tranh, trước hết là gỡ toàn bộ khẩu hiệu phản động, cờ ba que do bọn chúng treo trong phòng giam, đồng thời xóa hết các số tù treo tại chỗ nằm của từng người. Thấy vậy địch đã đàn áp bằng những hình thức rất dã man nhưng anh em cương quyết đấu tranh và giành thắng lợi, tuy nhiên bọn cai ngục bắt các tù binh phải đeo bảng tên và số tù vào người. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, anh em kiên quyết không đeo bảng tên, không đeo số tù và đấu tranh đòi cải thiện đời sống bằng hình thức tuyệt thực kéo dài 4 ngày, buộc địch phải xuống nước. Qua các đợt đấu tranh giành thắng lợi, anh em tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ, nhiều người tự nguyện xin gia nhập vào hàng ngũ của Đảng…
Tháng 3.1973, ông Lê Phu cùng đồng đội được trao trả tù binh tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Song, do sức khỏe giảm sút, ông được tổ chức đưa ra miền Bắc để an dưỡng, đến năm 1976 mới trở về quê. Sau hơn 6 năm biền biệt, không tin tức nay ông trở về gia đình gặp cha mẹ, anh em…, những người thân cùng đồng đội mừng vui khôn xiết. Điều làm cho ông xúc động nhất là cha mình đã đặt bàn thờ từ khi nhận được tin ông hy sinh trong trận đánh tại xã Bình Nam, Thăng Bình vào năm 1970. Bàn thờ nghi ngút khói hương nhưng người thì vẫn còn sống, đang đứng nói chuyện cười vui với mọi người thử hỏi làm sao không xúc động được!
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC