Chơi cây cảnh, chăm bonsai bình thường đã khó, vậy mà ông Lê Thạnh (ở phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) còn “cả gan” chơi... bonsai ngược.
Chân dung Lê Thạnh. |
Vì thú chơi mà mọi người cho rằng “hổng giống ai” này nên ông tự nhận mình là “dị nhân” cho dù ông là một cán bộ chỉn chu của ngành ngân hàng ở Quảng Nam. Bonsai ngược là trường phái mới trong nghệ thuật tạo hình bonsai.
Trường phái... ngược
Do một số tình huống đặc biệt của tự nhiên, nhiều loại cây có thân, dáng với hình thù đặc biệt. Như chừng chục năm trước, trong một lần tham quan động Phong Nha (Quảng Bình), Lê Thạnh phát hiện trong các hốc đá có nhiều cây mọc ngược - gốc ở phía trên, ngọn quay trở xuống. Những “tình huống đặc biệt” này đã dẫn dắt và xui khiến ông mày mò đi theo một hướng mới: trồng bonsai ngược. Thay vì trồng “xuôi”, ông đã trồng cây theo hướng ngược lại: vô chân xong thì treo ngược gốc cây lên trên. Ông bắt đầu thử nghiệm với cây cối trong vườn; ban đầu làm với những cây nhỏ, trong chậu nhỏ. Sau đó, ông thử nghiệm với cả những cây có kích thước, tầm vóc lớn hơn. Kết quả của việc làm “ngược đời” này là những tác phẩm bonsai ngược đầy ấn tượng và mang lại cảm xúc hoàn toàn mới lạ cho người thưởng ngoạn.
Dáng thế của các loại cây được Lê Thạnh phá cách theo nhiều kiểu đa dạng, phong phú, tạo nên những tác phẩm lạ mắt, ấn tượng, ai thấy cũng trầm trồ. Ông giảng giải: nếu trong bonsai “xuôi” có các thế trực, xiêu, hoành, huyền (thẳng đứng, nghiêng, ngang và đổ) thì trong bonsai ngược cũng có các dạng tương ứng: trực (thẳng nhưng chốc ngược ngọn xuống dưới), xiêu (cây nằm nghiêng), hoành (cây nằm ngang) và huyền (vừa chốc vừa đổ). Chậu dùng cho bonsai ngược mà Lê Thạnh sử dụng cũng vô cùng đa dạng, thể hiện sức tưởng tượng và khả năng sáng tạo phong phú của ông. Có thể đó là một cái lu, chiếc độc bình cắm hoa, thậm chí là một cái… ché rượu. Miễn sao tác phẩm hoàn chỉnh không bị “lố” hay phản cảm và nhất thiết phải hợp với dáng cây, thế cây, loại cây và đặc biệt là phải đạt được các yếu tố cơ bản về thẩm mỹ.
Ngoài đam mê hoa, cây cảnh, thì đá cảnh nghệ thuật cũng khiến Lê Thạnh mê mệt. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Ông sở hữu số đá tuy không nhiều nhưng “độc đáo”. Trong đó có có tác phẩm “Gà Đinh Dậu”, đá nguyên bản (suiseiki, dạng đá cuội, suối đầu nguồn, lành lặn, nhẵn bóng; hoa văn thể hiện chủ đề chính màu vàng đậm trên nền đen với độ tương phản khá cao; nặng chừng 5kg), hay khi có được khối đá hàng trăm năm tuổi có phiên bản tượng nữ thần tự do, ông bỏ thời gian chế tác cái bệ cho phù hợp với bức tượng. Xong việc, ông bỏ ra hàng giờ chỉ để ngắm nghía trong niềm sung sướng mê ly rồi thẫn thờ như bị ma ám… |
Đến nay, ông Lê Thạnh đã có một “gia tài” bonsai ngược khoảng 100 tác phẩm với nhiều chủng loại cây như linh sam, hồng ngọc mai, sanh, kim quýt và nhiều kiểu “chậu” thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Mà, với Lê Thạnh, mỗi cây, dù nhỏ, cũng có số phận, thân phận của cây và duyên với người. Này là cây ngô đồng nhỏ nhắn, xinh xinh, được ông trồng tặng một câu bé vốn mê cây mà không biết làm thế nào để sở hữu được cây như ông thuở nhỏ nhưng khi chuyển đến nhà mới, cha mẹ cậu không đồng ý để cậu mang cây theo, dù cậu khóc sướt mướt. Thương cậu bé, Lê Thạnh làm cây ngô đồng bonsai ngược bằng chính cây ngô đồng đó... Bây giờ, mỗi khi nhìn lại cây ngô đồng bonsai ngược, Lê Thạnh lại chạnh lòng nhớ đến cậu bé ngày xưa… Những thân cây lượn lờ, ông gọi là “yêu kiều”. Như cây trang sen, giống hoa ở nước ngoài mới du nhập vào Việt Nam, được ông tạo dáng theo kiểu bonsai ngược đặc biệt. Ông tâm sự với trang sen mà như với người tri kỷ: “Trong khi hầu hết mọi thứ hoa trong vườn đều im ắng trong tiết trời đông thì trang sen bất chấp gió mưa, âm thầm nở những bông hoa đỏ thắm, bình dị, mang lại chút cảm xúc hiếm hoi cho mình trong tiết trời lạnh lẽo...”. Có bonsai bình thường, nhưng được ông tạo dáng mảnh khảnh, lêu nghêu như văn nhân, quân tử và được đặt tên là “dáng văn nhân”.
Nhưng, Lê Thạnh chưa chịu dừng lại ở mỗi một thú chơi cây ngược. Ông đang ôm ấp một ý tưởng khá thú vị đó là tạo “bonsai ngang”, để đi kèm với “bonsai ngược” mà tạo nên một bộ bonsai ngang - ngược lý thú và cũng để thỏa chí tang bồng cùng cây cỏ của mình... “Tôi đắm chìm trong tình yêu cây, không biết tự bao giờ. Với tôi cây là máu thịt, là một phần không thể thiếu của cuộc đời mình” - Lê Thạnh thổ lộ.
Môn đồ của cổ mai hoa
Lê Thạnh yêu cây, mê cây, nhưng mê đắm nhất là cổ mai hoa. Trong thời gian công tác ở Đại Lộc (trước khi chuyển về Tam Kỳ), ông đã viết hàng trăm trang nhật ký, gọi là “nhật ký cổ mai hoa”. Ở đó, ông ghi chép lại bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, ngọt ngào, cay đắng, về cây, về đời... Thêm một cây mai trong vườn là ông Lê Thạnh có thêm một đứa con cưng để ông chăm sóc, nuôi dưỡng. Có cây mai hơn 50 tuổi mà ông may mắn sở hữu, ông kính cẩn gọi là “cụ”. Hễ nghe tin ở đâu đó có cây mai cổ thụ đẹp, là lập tức Lê Thạnh lên đường, bất kể gần xa, để nếu như không đủ cơ duyên được sở hữu thì ít nhất cũng được cái vinh dự một lần mục sở thị được cây mai quý.
Bonsai ngược trong vườn nhà Lê Thạnh. |
Nhà vườn Lê Thạnh có nhiều cây mai quý. Mỗi cây ông tạo mỗi thế khác nhau. Có cây mai đọt xanh miền Trung thế bạt phong, xiêu hẳn về một bên; có cây thế trực hài hòa, cân đối; có cây thế siêu - trực... Cây nào cũng được ông cưng nựng, nâng niu, chăm sóc kỹ càng. Lê Thạnh cũng không ngại (nếu không muốn nói là sẵn sàng) chia sẻ kiến thức chăm mai, trồng mai. Ông bảo, cái khó của người chơi mai là nhận định tình hình thời tiết để chọn thời điểm lặt lá mai, để cây nở đúng tết. Biết được mối bận tâm ấy ở nhiều người chơi mai “tay ngang” nên bất cứ lúc nào, bất kể là ai, chỉ cần mở lời là ông lại sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Hay kỹ thuật chiết mai, ông cũng chỉ dẫn tận tình cho những ai quan tâm. Âu đó cũng là cái “đạo” của người quân tử chơi loại hoa quân tử này vậy.
Chơi mai, gắn bó với mai, Lê Thạnh còn kỳ công nghiên cứu, chế biến được một “món ngon độc quyền”, đó là rượu hương mai, dành để đãi tri âm, tri kỷ. Ông chế biến rượu hương mai cũng tỉ mẩn, chu đáo, tận tâm như cách ông chăm cây. Ấy là ông chọn một cây mai cổ thụ đọt xanh, có khả năng ra hoa đều, hoa có hương thơm, nuôi dưỡng cẩn thận trong suốt một năm ròng theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo cho khỏe mạnh và tinh khiết. Trước khi lấy nhụy hoa, ông thức dậy từ mờ sớm (trước khi ong bầu hút nhụy), tắm rửa sạch sẽ rồi mới đi thu hái những bông hoa mai vàng ươm vừa nở, rồi cẩn thận tách từng mẩu nhụy vàng từ những bông mai vừa hái để cho ngay vào bầu rượu trắng tinh khiết và chính hiệu để vừa lấy hết được hương hoa, vừa giữ được sự tinh khiết của mùi u hương thanh quý. Với Lê Thạnh, nhấm nháp cốc rượu hương mai cùng tri âm tri kỷ, để nghe lòng mình sâu lắng lại; để cảm nhận được hương vị của đất trời, thì không có gì kỳ diệu bằng.
Lê Thạnh yêu và hiểu tính nết từng loại cây, hoa trong vườn. Với ông, cây là máu thịt, là phần không thể thiếu của cuộc đời. Mỗi cây, dù nhỏ, với ông cũng là kỷ niệm, là duyên phận... Cứ mỗi khi cây ra hoa rộ, để tỏ lòng biết ơn cây đã làm đẹp cho đời, Lê Thạnh lại không quản nhọc nhằn “cõng” cây lên sân thượng hoặc một nơi thật trang trọng trong nhà để ngắm, để chụp ảnh, đưa lên weblogs cá nhân (comaihoa.blogspot.com) để chia sẻ với mọi người...
CHÂU NỮ