Đồng bào Co tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến đất này định cư, cùng người Kinh vượt qua gian khó, xây dựng xóm làng ngày càng yên vui, no ấm.
Đời sống người Co tại nóc ông Tiến ngày một khởi sắc. Ảnh: VĂN HÀO |
An cư lạc nghiệp
Con đường bê tông dẫn vào tận nóc ông Tiến thuộc thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh), nơi tập trung hầu hết đồng bào Co sinh sống. Tranh thủ chút nắng những ngày cuối đông, từng nhóm người hò nhau lùa bò lên núi, mang theo dụng cụ chăm sóc các vườn keo tràm.
Người Co tại Tam Lãnh có gốc gác từ Trà My di cư xuống. Trước năm 1975 chỉ có 5 hộ sống tập trung tại thôn Trà Sung, những năm tiếp theo người dân tiếp tục về đây định cư và hình thành 2 tổ dân cư thuộc các nóc ông Tiến và ông Thông. Đến nay tổng số hộ đã tăng lên con số 34 với hơn 130 nhân khẩu. Anh Nguyễn Văn Phụng (36 tuổi) cho biết, từ buổi đầu về định cư cho đến nay, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nhiều hộ làm ăn khá giả từ trồng rừng và chăn nuôi. “Ngoài việc được cấp đất để làm nhà ở, chúng tôi còn được hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng từ Chương trình 134 để phục vụ việc xây dựng nhà. Diện tích đất khai hoang để trồng rừng, trồng lúa nước trước đây cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên bà con yên tâm phát triển sinh kế” - anh Phụng nói. Trong những năm qua, cùng với chủ trương của Đảng, sự đầu tư của Nhà nước cũng như phát huy ý chí nội lực, đời sống đồng bào Co tại Tam Lãnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhu cầu về hạ tầng điện đài, đường giao thông… được quan tâm đầu tư, hoàn thiện.
Chăm lo tết cho đồng bào thiểu số Theo ông Nguyễn Văn Dõng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh, bằng nguồn ngân sách huyện cũng như đi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hằng năm đại diện lãnh đạo huyện cùng các đoàn thể tổ chức lên trao tận tay những món quà tết cho bà con đồng bào Co và số ít dân tộc Tày, Mường, Sán Dìu tại Tam Lãnh. “Đời sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc nhờ sự quan tâm, sẽ chia của các cấp. Không chỉ trao tiền mặt và tặng nhu yếu phẩm, gặp mặt bà con vào dịp cận tết còn nhằm để lắng nghe những tâm tư, đề xuất để cả cộng đồng cùng có một cái tết an vui, no ấm” - ông Dõng nói. |
Bên cạnh việc học hỏi các mô hình trồng lúa nước, người Co ở đây vẫn duy trì trồng lúa rẫy với diện tích gần 3ha. Lễ mừng lúa mới, cúng Giàng, phong tục hỏi cưới, tang khó…, những tập quán ăn sâu vào nếp sống được các thế hệ gìn giữ. Tuy nhiên, việc chưa có gươl sinh hoạt cộng đồng, tiếng Co ngày càng mai một... là những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa người Co ở Tam Lãnh. Anh Huỳnh Văn Công (40 tuổi) trăn trở: “Song song với phát triển kinh tế thì việc giữ gìn bản sắc tộc người được lớp thế hệ chúng tôi trở về sau rất tâm huyết, tuy nhiên vì không có nhà sinh hoạt riêng để hội họp, trưng bày văn hóa vật thể khiến lớp trẻ không có cơ hội tiếp cận, thờ ơ”.
Góp sức
Cùng sinh sống với phần đông là đồng bào Kinh, hơn nữa là khu vực diễn ra tình trạng đào đãi vàng trái phép phức tạp nhưng tình hình trị an, tinh thần đoàn kết giữa các khu dân cư được đồng bào Co củng cố. Ông Huỳnh Văn Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Lãnh cho biết, tuy có đôi nét khác biệt về văn hóa, phong tục nhưng phong trào giúp nhau phát triển sinh kế, chung sức xây dựng nông thôn mới giữa các dân tộc tại địa phương luôn tìm được tiếng nói chung. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và luôn quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc. “Sự phát triển chung trong cộng đồng các dân tộc là nền tảng để địa phương làm tốt công tác dân vận. Bên cạnh những dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì công tác truyền đạt những tiến bộ của khoa khọc - kỹ thuật để bà con áp dụng vào trong sản xuất, chăn nuôi sẽ từng bước cải thiện chất lượng sống, nâng cao dân trí. Với bà con người Co hiện nay, không có ai theo nghề làm vàng trái phép” - ông Thanh nói.
Hiện tại đồng bào Co tại Tam Lãnh vẫn còn 6 hộ nghèo (đa số là người già). Tổ phụ nữ dân tộc Co cũng thành lập Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với số lượng gần 20 thành viên. Câu lạc bộ đang quản lý nguồn vốn vay 40 triệu đồng, các hoạt động học tập trao đổi kinh nghiệm làm ăn được duy trì hàng tháng, hàng quý. Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh - Bùi Quang Minh cho biết, bằng nguồn ngân sách xã, địa phương cũng vừa hỗ trợ 50% vốn để giúp 4 hộ mua thêm bò sinh sản, từng bước ổn định sinh kế. “Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy đã giảm đáng kể từ khi thực hiện cơ chế khoanh nuôi bảo vệ rừng đến từng hộ để bà con quản lý và tăng thu nhập. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các cấp tạo điều kiện mặt bằng, hỗ trợ đầu tư để đồng bào Co tại địa phương có gươl sinh hoạt cộng đồng vào các dịp lễ, tết. Có như thế thì đời sống mọi mặt của bà con được phát huy, bảo tồn cũng như góp sức cùng với địa phương trong những nhiệm vụ chung” - ông Minh nói.
VĂN HÀO