Người Co và câu chuyện nơi chân đèo Bà Đốc

BÙI THỊ THANH MINH 03/08/2015 09:33

Nhà tưởng niệm vụ thảm sát Đèo Bà Đốc (xã Trà Dương, Bắc Trà My) vẫn nằm đó như minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh. Những câu chuyện lịch sử vẫn còn vang vọng trong lời kể của đồng bào.

Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của ông Huỳnh Vũ Quang - già Quang (1936) - Nguyên Bí thư xã Trà Nú (huyện Bắc Trà My). Năm đó, ông còn là một thanh niên tuổi đôi mươi. Có 6 người thân yêu trong gia đình ông đều ra đi trong vụ thảm sát. Sự mất mát một lần nữa thức dậy, nhói đau…

Giấy báo về trễ

Vào cuối năm 1960, Khu ủy khu 5 - tỉnh - huyện phối hợp mở chiến dịch Đông Xuân 1960 - 1961. Theo kế hoạch, ta đánh ở cả 2 nơi là quận Trà My (nay là thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) và xã Phương Đông (nay là xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My) để giải phóng hoàn toàn quận Trà My. Chủ trương của ta là huy động một số đồng bào người dân tộc Co ở ấp 1, xã Nú (nay là xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My) đi dân công thu vác chiến lợi phẩm và vận chuyển thương binh về chiến khu.

Di tích vụ thảm sát Đèo Bà Đốc tại xã Trà Dương (huyện Bắc Trà My). Ảnh: B.T.T.M
Di tích vụ thảm sát Đèo Bà Đốc tại xã Trà Dương (huyện Bắc Trà My). Ảnh: B.T.T.M

Tháng 10.1960, trận đánh vào trụ sở xã Phương Đông do đồng chí Bùi Hồng Việt (tức Bùi Tự Nhiên) trực tiếp phụ trách, có “3 đồng chí đặc công của Quân khu 5 hỗ trợ đã đánh tan một Đại đội Dân vệ và Tổng đoàn Thanh niên cộng hòa, thu 80 súng. Tại đây, ta làm chủ một ngày, tổ chức mít tinh quần chúng, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của gia đình cách mạng và kêu gọi được 6 thanh niên tự nguyện thoát ly gia đình tham gia cách mạng”… (Trích “Những năm tháng không thể nào quên” - Bùi Hồng Việt). Lãnh đạo tại xã Phương Đông nhận định tình hình sẽ bị địch phản công nên sau khi tổ chức mít tinh nhân dân đã rút đi an toàn vào 10 giờ sáng ngày 27. Tuy nhiên, khi rút đi thì ta lại không kịp thông báo cho bà con dân tộc ở xã Nú biết. Giấy đưa về cho bà con bị trễ 1 ngày. Bà con dân tộc đã họp vào đêm trước đó và theo kế hoạch vẫn tập trung đi dân công. Lại có thêm 1 người phụ nữ làm gián điệp thường lên đây buôn bán bảo rằng hiện giờ không có lính quốc gia nên bà con càng an tâm đi xuống. Về phía quân địch, chúng không đi thẳng một đường hướng Dương Yên - Phương Đông mà đến thôn Định Yên của xã Phương Đông thì rẽ phải vào núi, đi men theo rừng, nằm phục tại khu vực Dèo Nước (nay là thôn 9, xã Trà Đông), hướng đồng bào ấp 1, xã Nú xuống. Địch nắm được tình thế chỉ có độc đạo như thế nên chúng cho quân phục ngay đây.

Lọt vào ổ phục kích

Đoàn dân công có khoảng 30 người trong đó có 23 nam, 7 nữ mang theo gùi bỏ thêm lá trầu, ớt xiêm… đi thẳng về trung tâm xã Phương Đông. Lần này đi, đồng bào ta cũng tập trung chủ yếu những người khoảng 30 - 35 tuổi và rất khỏe. Khi vừa đến khu vực Dèo Nước thì bị lọt vào ngay ổ phục kích của địch do tên Đại úy Sáu (lính biệt kích) cầm đầu. Một số quân địch ở lại cố giữ Phương Đông. Một số khác đưa đồng bào bị bắt về Trà My tra tấn, đánh đập dã man. Chúng khai thác trong vòng 7 ngày nhưng không thu được bất cứ điều gì. Đồng bào ta nói bằng tiếng dân tộc với nhau là “sống cùng sống, chết cùng chết” chứ nhất định không khai. Đồng bào chỉ một mực nói với chúng là: chúng tôi đi mua mắm, mua muối về ăn chứ không biết gì khác nữa.

Ông Huỳnh Vũ Quang có 6 người thân hy sinh trong vụ thảm sát gồm 3 anh trai, 2 anh em con bác ruột và người anh rể. Ông cho biết:“Thời điểm xảy ra vụ thảm sát, tôi đang tham gia lớp học ở Quảng Ngãi theo diện người dân tộc thiểu số. Sau khi được báo tin thì tôi chạy về nhà ngay. Lúc về, tôi thấy nhà “vắng tanh”, lạnh ngắt. Một số chị em thoát chạy về được bảo rằng: “Ô, chúng giết hết rồi” - ông Quang đau xót nói.

Trong thời gian công tác tại xã, ông Quang có được phân công dẫn một đoàn ở trung ương về khảo sát lại chân đèo Bà Đốc để tìm dấu vết về vụ thảm sát nhưng tất cả mọi thứ đã bị chôn lấp, vùi sâu. Hiện giờ, ông Quang đang sinh sống tại ngôi nhà khá khang trang ở nóc 1, xã Trà Nú, Bắc Trà My. Hàng ngày, ông vẫn đều đặn lên nương rẫy để làm lụng, kiếm cái ăn. Trong thôn bản, ông Quang là người rất có uy tín, là người vận động đồng bào tích cực làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Mẹ già ông Quang cũng đã được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Không thể khai thác được gì ở bà con dân tộc cứng cựa này nên địch nảy ra âm mưu thủ tiêu đồng loạt. Chúng nói với đồng bào ta là, nếu tụi mày không có tội thì “quận cho về”. Chúng giả vờ thả và dẫn đồng bào về. Đến đèo Bà Đốc thì chúng lại gặp ngay tên Trung sĩ Điền, một ngụy quân đã bị ta đánh trong trận này nhưng tháo chạy về được. Tên Điền đã chỉ ngay rằng mấy người dân này nói chính là Việt Cộng. Do đó, địch càng thêm tức tối bắt trói tất cả đàn ông, cứ ba người lại một chùm, rồi nhốt lại một chỗ. Chúng cho quân uống rượu say, tra lưỡi lê vào súng, đâm liên tiếp nhiều nhát vào đồng bào ta. Sau đó, chúng đạp hết xuống dưới hầm heo ngay tại đèo Bà Đốc để chôn.

Còn 7 phụ nữ thì chúng giữ lại trên xe với âm mưu để hãm hiếp trước vào buổi tối rồi mới thủ tiêu. Chiều hôm đó, bọn địch chơi bóng, ăn tối. Chúng đùa giỡn và nói với nhau nói rằng tối nay sẽ có được một bữa ăn chơi. Người tài xế tốt bụng hôm đó biết vậy lừa thế tối trời, gần đường rừng, núi đã thả 7 người (là chị Đồng, chị Luận, chị Thương, chị Tân, chị Thơm, chị Vân, chị Cẩm) chạy thoát. Tất cả các chị em rúc rừng chạy về. Hiện tại, vẫn còn một vài chị em còn sống là chị Vân, chị Tân, chị Cẩm ở tại xã Trà Nú (Bắc Trà My).

Vụ thảm sát Đèo Bà Đốc đã được UBND huyện Bắc Trà My làm Bia tưởng niệm tại chân đèo Bà Đốc. Năm 2014, di tích này được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Tất cả đồng bào hy sinh đều được công nhận là liệt sĩ.

BÙI THỊ THANH MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Co và câu chuyện nơi chân đèo Bà Đốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO