Người con gái anh hùng

HÀ AN 20/05/2018 12:32

Trong tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến giai đoạn 1960 - 1975” do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam ấn hành vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam, có các hình ảnh chụp lại bức ký họa ba cô gái được ghi là “Các chiến sĩ biệt động đặc khu Quảng Đà” và ký họa “Đồng chí Đoàn Thị T. (17 tuổi) - Chiến sĩ biệt động, lực lượng vũ trang Đặc khu Quảng Đà”. Bức vẽ đề ngày 8.12.1972.

Các chiến sĩ biệt động Đặc khu Quảng Đà - Cô gái bên phải, đứng là anh hùng Trần Thị Chiến. Ký họa của Giang Nguyên Thái.
Các chiến sĩ biệt động Đặc khu Quảng Đà - Cô gái bên phải, đứng là anh hùng Trần Thị Chiến. Ký họa của Giang Nguyên Thái.

1. Tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến giai đoạn 1960 - 1975” ra đời được nhiều độc giả rất trân quý. Bởi đây là tư liệu về chiến tranh, những bức tranh đã tái hiện cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của nhân dân, bộ đội, du kích, các trận đánh, các địa danh, những thời khắc hiếm hoi, những chi tiết ấn tượng. Đó là những khoảnh khắc có một không hai trong lịch sử đã được ghi lại trong những “ghi chép” thiêng liêng, khiến những ký họa thời chiến trở thành di sản vô giá, một bộ lịch sử chiến tranh cách mạng bằng hình ảnh rất chân thực, gây xúc động lòng người.

Và các họa sĩ đã ký họa về những con người anh hùng đó, đến nay đều có mong ước được biết rằng, những “người mẫu” đó còn hay mất? Bởi chiến tranh trong giai đoạn 1960 đến 1975 là vô cùng ác liệt ở miền Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Để đáp ứng với yêu cầu của cuộc chiến, lúc đó đội biệt động Lê Độ đã ra đời, phát triển mạnh mẽ, đều khắp và mở nhiều trận đánh xuất sắc ở cảng sông Hàn; Quân vụ thị trấn; khối phố Thanh Khê, Xương Bình; kho xăng Nại Hiên; kho bom đạn Phước Lý; sân bay Đà Nẵng; chi cảnh sát quận Đông Giang; chốt điểm Cống Tiềm; bót gác ngã ba Huế; Tòa thị chính; khách sạn đường Lê Đình Dương; các cư xá sĩ quan Mỹ - ngụy, Nam Triều Tiên, Philippines ở đường Pasteur, Yên Bái, Phan Châu Trinh… Nhiều người trong đội biệt động Lê Độ đã anh dũng hy sinh như Nguyễn Hữu Đức, Hà Văn Trí, Đặng Đình Vân, Lê Độ, Trần Thị Chiến, Nguyễn Văn Nhàn, Hồ Thị Lý, Nguyễn Thị Tám, Võ Văn Cả, Phan Thị Mùa…

Anh Học ở Bình Định - nguyên là đội viên của Đội biệt động Lê Độ, trong một lần đọc bài báo có viết rằng họa sĩ Giang Nguyên Thái khẩn cầu có ai biết đội biệt động Lê Độ giờ đây ai còn ai mất và chị Đoàn Thị Tứ (tức Đoàn Thị T., do giữ bí mật nên không tiết lộ tên) bây giờ đang ở đâu, hãy lên tiếng! Thế là, các thành viên đội biệt động Lê Độ tìm, liên lạc với nhau và vừa qua, họ đã có một buổi gặp mặt đầy thân tình, nhân dịp anh chị em cán bộ Ban Tuyên huấn từng tham gia kháng chiến tại chiến trường khu V trao tặng bức tượng chân dung Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công cho Quảng Nam. Họa sĩ Giang Nguyên Thái và các thành viên trong đội vô cùng xúc động, như được sống lại những ngày tháng lịch sử cách đây 45 năm. Cuộc gặp đó có các anh chị Thái Hùng, Minh, Lan, Chiến, Mười, Bông, Thúy… Và nhân vật chính Đoàn Thị Tứ cũng góp mặt, cho dù sức khỏe của chị rất yếu. Gần 45 năm, nhưng so với bức ký họa cô đội viên biệt động ngày ấy và hình ảnh thật ngoài đời, vẫn không khác xa nhau là mấy. 

2. Họa sĩ Giang Nguyên Thái nhớ lại, năm 1972, họa sĩ Đức Hạnh đưa anh vào gặp đại đội biệt động Lê Độ, đang đóng quân ở Khe Ròn gần dốc Gió trên đường đi Thành Mỹ (Nam Giang). Được biết đây là một đơn vị đặc công đánh ngay trong lòng địch, các em vẫn đang trong lứa tuổi học trò mà đã có rất nhiều chiến công và đánh giặc vô cùng dũng cảm, nên anh đã ký họa chân dung những cô gái đó.

Và một điều vô cùng bất ngờ là từ bức vẽ ba cô gái trong lực lượng vũ trang Quảng Đà, các anh chị đã nhận ra người con gái mặc áo đỏ, cầm súng đứng bên xe máy là Anh hùng LLVTND Trần Thị Chiến. Chị Trần Thị Chiến sinh năm 1951, quê ở Điện Thọ, Điện Bàn; năm 1970, lúc chị 19 tuổi, chị tham gia cách mạng. Nhiệt huyết của tuổi trẻ, lập nhiều chiến công, chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, là đội trưởng Đội biệt động K20, quận Nhất, Đà Nẵng.

Ông Bùi Hồng Khanh, nguyên Khu đội trưởng khu phố Hải Châu, Cánh trưởng biệt động Cánh trung quận Nhất, Đà Nẵng; Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện nay là Trưởng ban liên lạc Biệt động thành Đà Nẵng, là người trực tiếp đi gặp các nhân chứng để làm hồ sơ và đề nghị công nhận anh hùng cho chị Trần Thị Chiến. Ông kể lại câu chuyện anh dũng và đầy cảm động về người nữ anh hùng liệt sĩ này: ngày 7.11.1972, chị bị địch bắt. Bọn địch biết được chị là nhân vật quan trọng của đội biệt động, nên chúng dùng đủ mọi đòn tra tấn, đánh đập tra khảo hết sức dã man, nhưng chị vẫn không hé răng khai báo đồng đội, để lộ đường dây cách mạng.

Không khai thác được gì, chúng trói chị, rồi cho lên xe chạy rong khắp phố Đà Nẵng. Chị giả vờ bảo rằng, đưa chị về đồng Giáng La, Điện Thọ để chị khai và chỉ điểm một số cán bộ nằm vùng đang ở trong hầm bí mật. Nhưng thực chất, chị muốn về đó, để các đồng đội giải vây cho chị và nếu không được, thì cũng được chết trên quê hương.

Tin lời chị, chúng đưa chị về đồng Giáng La, lúc đó anh Trương Quốc Việt và hai người khác là đồng đội của chị đang núp ở dưới luống khoai, thấy chị bị trói đưa ra cánh đồng. Biết ý định của chị, nhưng lực lượng bên ta quá mỏng không thể giải vây cho chị, lại sợ chúng trả thù tàn độc bắn phá dân lành.

Nhằm lung lạc ý chí của chị, sau đó chúng đưa ba chị đến, để cha con gặp nhau, bảo ba chị phải thuyết phục chị phản bội cách mạng. Ba chị nén đau thương vào lòng, nhìn con gái lần cuối và chỉ thẳng vào mặt quân thù và nói: “Nó lớn rồi, tự nó suy nghĩ việc gì đúng, việc chi sai, tôi không can thiệp”.

Cuối cùng, biết không thể làm lung lay được ý chí người cộng sản kiên trung bất khuất, chúng hèn hạ tra tấn chị bằng các thủ đoạn vô nhân tính, rồi giết chị. Nhân dân chờ đêm đến tìm cách chôn cất xác chị.

Bây giờ chị đang nằm cùng đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn. Anh Trần Minh Vũ – người cháu của chị đang thờ phụng người nữ anh hùng này ở thôn Tây, xã Điện Thọ. Nhân dân và đồng đội luôn nhớ về chị, người con gái tuổi 20 mà can trường chi lạ. Cánh đồng Giáng La quê chị đã biết bao nhiêu mùa lúa chín, sóng lúa vẫn rì rào kể mãi chuyện về người con gái anh hùng…

HÀ AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con gái anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO