Người của làng

DUY HIỂN 06/02/2017 08:55

Làng tôi dựa lưng vào núi Chùa, ngọn núi hình cánh cung hao hao giống cánh tay vạm vỡ bao đời nay vẫn chở che cho làng đi qua bao thăng trầm. Các bậc cao niên trong làng cũng không biết ai là người đầu tiên khai khẩn vùng đất này, làng nhỏ không có sử, gia phả dòng họ cũng không ghi rõ lai lịch. Nhưng có một điều ai cũng biết chắc, chủ nhân xưa là người Chăm bởi ngôi mộ bà Giàng vẫn còn đó. Ngôi mộ có nấm khum khum hình mu rùa, xây bằng vôi trộn thứ phụ gia thực vật nào đó rất chắc chắn, qua mấy trăm năm hầu như vẫn không suy suyển. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường nhìn nó bằng con mắt tò mò xen lẫn sự sợ hãi. Mùa chạp mã, dân làng cùng quét dọn và kính cẩn gọi là bà Giàng. Người trong làng vẫn truyền tai nhau dưới mộ có chôn theo vàng, có người còn quả quyết đã từng thấy vàng từ dưới mộ lên “đi ăn”, ánh kim sáng rực trong đêm tối. Chuyện hư thực ấy luôn được kể và nghe với sự thích thú, tò mò.

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về nghiên cứu văn hóa làng khẳng định rằng, làng chính là trường học lớn định hình nhân cách cho mỗi người Việt. Theo ông, trong xã hội Việt Nam ngày trước, khi rất ít người được đến trường, nghĩa là rất ít người biết chữ thì chính những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích chính là phương tiện truyền thụ kiến thức, bồi đắp tâm hồn cho mỗi người. Bằng cách ấy, lớp người đi trước trao truyền cái “túi khôn” cho người đi sau biết trông trăng, trông sao, ngắm ráng vàng ráng đỏ mà đoán thời tiết để đổ thóc giống ra gieo hay chuẩn bị chằng chống nhà cửa để chống bão. Cũng chính trong “ngôi trường làng” người ta hình thành nên nhân cách qua cách quan sát và tập nhiễm cái cách dân làng đối xử với nhau, ứng xử với thiên nhiên và với thần thánh.

Trẻ em vui chơi ở làng. Ảnh: THẢO NHI
Trẻ em vui chơi ở làng. Ảnh: THẢO NHI

Làng luôn có những “cây cao bóng cả” cho mọi người nhờ cậy. Làng tôi cũng vậy, một lớp người như thế đã thành thiên cổ nhưng cách sống của họ vẫn còn để lại tiếng thơm. Tôi nhớ ông già Điểm người thấp đậm, cằm lưa thưa mấy sợi râu cước, đôi mắt luôn ánh lên sự hóm hỉnh và tinh anh. Dân làng đau ốm, hoạn nạn, tang ma, làm nhà hầu như luôn có mặt ông. Chẳng biết học từ đâu nhưng ông Điểm có bài thuốc chữa bệnh đau bụng cho trâu bò rất công hiệu. Mỗi khi trong làng ai có trâu bò bị chướng bụng là chạy đến ông. Thế là ông lại cắp nách một chai nước cải trường (cải muối chua) đến, thẹo mũi con vật vào róng chuồng, dốc ngược cái mõm nó lên và dốc chai thuốc vào miệng nó, vài hôm sau con vật lại khỏe như thường. Hồi ấy quê tôi không có cán bộ thú y như bây giờ, ông Điểm làm công việc ấy hoàn toàn tự nguyện, không bao giờ lấy một đồng thù lao. Không nhận công cán của ai, nhưng quanh năm lúc nào ông vẫn bào chế cái “tủ thuốc” ấy để lại rót ra khi có người cần.
Học giả Đào Duy Anh cũng rất kinh ngạc trước sức sống bền bỉ của những làng Việt. Ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ qua nghìn năm Bắc thuộc, dân Việt cũng không bị Hán hóa cũng bởi sức chống chọi kỳ diệu của cộng đồng làng. Làng Việt với cơ chế tự trị đã khiến bộ máy đô hộ không vươn những cái vòi bạch tuộc tới được để bóp nghẹt sức sống của nó. Cụ Đào cũng bảo rằng trong những thời chiến tranh ly loạn ấy, dù quân thù có băm cái cơ thể làng thành từng khúc, nó cũng biết cách “tái tổ hợp” để sinh tồn, để duy trì cái thiết chế bền chặt mà bảo bọc nhau. Ngẫm lại sự sinh tồn của làng tôi thời chiến tranh quả đúng vậy. Để tách dân ra khỏi “Việt cộng”, chính quyền Sài Gòn đã dùng quốc sách ấp chiến lược, cả làng tôi bị xúc trọn vào  trại tập trung trá hình. Ngày hai buổi về quê cũ làm ăn phải đi qua cái cổng làng luôn có lính và dân vệ gác, săm soi dòm ngó.

Thế nhưng người của làng vẫn là khối thống nhất, họ vẫn giấu trong gánh phân, gánh lá những nhu yếu phẩm như vải vóc, áo đi mưa, giấy pơ luya, thuốc tây… để chuyển cho những đứa con của làng đang chiến đấu trên vùng căn cứ. Việc ấy bọn địch mà bắt được thì tù “mọt gông”, nhưng người làng chở che cho nhau trót lọt. Tất nhiên vẫn có một vài người xấu bụng, nhưng trong cái cộng đồng làng bền chặt ấy, họ vẫn bị vô hiệu hóa. Có lần chú họ tôi, một du kích mật vì mâu thuẫn với một thanh niên láng giềng đã mang lựu đạn ra đòi ăn thua. Tuổi trẻ bồng bột, nóng máu bốc lên quên nghĩ hậu quả. Người kia lập tức báo cho lính ập tới bắt. Không ngờ cô Năm Hội nhanh trí không biết lấy từ đâu ra một cái vỏ lựu đạn để thay thế. Cô chống chế, phân bua một hồi, thế là chú tôi thoát nạn. Bây giờ thỉnh thoảng kể lại, mọi người vẫn như còn cảm giác bổi hổi. Chiến tranh thật dữ dằn, thỉnh thoảng lại có người bị thương, bị chết vì vấp phải bom mìn, bị pháo từ trên đồn bắn xuống, người của làng lại cõng nhau chạy đi nhà thương hay gói ghém để chôn cất. Ngày quê hương được giải phóng, dân làng như chim sổ lồng. Mọi người rộn ràng giúp nhau tháo dỡ nhà cửa dọn về quê cũ, tất bật hàng tháng trời mà vui như mở hội. Qua cơn giặc dữ những người con của làng càng “tỏ tận lòng nhau”.

Cơ thể làng bền chặt là chỗ dựa cho mỗi gia đình, nhất là trong những năm gian khó. Mỗi khi có những việc hệ trọng như làm nhà, tang ma, làng là chỗ người ta trông cậy. Chuẩn bị sẵn gạch ngói cát sạn, chủ nhà đi quanh xóm mượn cánh đàn ông, thanh niên nam nữ, chọn đêm trăng sáng nhờ mọi người đến vận chuyển giùm. Con đường làng in dấu những bàn chân thoăn thoắt và tiếng cười nói râm ran. Trong vườn nhà, đống vật liệu xây dựng cũng cao dần lên. Công việc hoàn tất, bên nồi cháo gà, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Tôi nhớ mãi ông Đẩu làm nghề mộc, bác thợ cả trong làng tôi. Khi mẹ tôi làm nhà, cảnh mẹ góa con côi, tính toán mọi bề đều cậy ông hết. Gạch đá chừng ấy, gỗ lạt chừng ấy, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tự tay ông đem thước thợ ra đo vẽ, tận tâm như làm nhà cho chính mình. Các kíp thợ mộc hay thợ xây, dù là người trong làng hay ở những thôn xóm khác nhận thi công, khi hoàn công thợ mỗi người cũng “lại phước” cho gia chủ hai hay ba công nhật, đó cũng là cách họ giúp đỡ cho chủ nhà một ít tiền nong. Rồi gia chủ mang cái đĩa ra, đặt xấp tiền lên đĩa, thưa gửi với bác thợ cả và toàn bộ kíp thợ rất trân trọng. Đồng tiền ở đây không “lạnh như tiền” mà thật nồng ấm tình người, thật thơm tình thơm nghĩa.
Các nhà nghiên cứu bảo rằng làng Việt ngày xưa luôn hiện diện một tầng lớp tinh hoa - tầng lớp trí thức làng. Họ là những ông tú, hay những nho sinh thi không đỗ đạt về làng dạy học, bốc thuốc. Không nhúng tay vào công việc đồng áng, đôi khi hơi gàn dở một tí nhưng họ là vốn quý, là niềm trông cậy của làng, vì họ là người có học thức... Khi tôi lớn lên, làng tôi không có ai là ông đồ nho, nhưng những cụ già am hiểu việc đời, sống đức độ thì vẫn có, họ thực sự là “cây cao bóng cả” của làng - họ vẫn là lớp tinh hoa của làng, hiểu theo nghĩa lão thực nhất của từ này. Ai có việc gì hệ trọng đều hỏi ý kiến họ. Và các cụ với sự từng trải thường có những lời khuyên xác đáng. Làng bây giờ đã khác xưa nhiều, người của làng không còn quanh quẩn bên mấy thửa ruộng.

Đám thanh niên nếu không học hành đỗ đạt làm “ông nọ bà kia” thì cũng bươn ra đi làm ăn xa, hay chí ít cũng “ly nông bất ly hương” sống bằng nhiều ngành nghề khác. Văn minh nông nghiệp vận hành bằng cơ chế truyền thống, hầu như không biến đổi, các lão nông tri điền là “bộ não” của làng. Nhưng bây giờ thì chỉ có lớp trẻ mới theo kịp sự đổi thay nhanh đến chóng mặt. Cách nghĩ đã khác, cách làm đã khác. Tình làng nghĩa xóm vẫn còn, nhưng đồng tiền sòng phẳng hơn. Tập quán đổi công, vần công giảm dần, làm ăn theo lối dịch vụ chiếm ưu thế. Làng truyền thống đang biến đổi từng ngày, đó là xu thế tất yếu của một xã hội đang tiến lên công nghiệp hóa. Làng năng động hơn, đời sống vật chất no đủ hơn, tiện nghi hơn, nhưng dẫu có biến đổi gì, chắc chắn làng vẫn là nơi đùm bọc, chia sẻ, luôn đón chờ những đứa con của làng trở về từ muôn phương.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người của làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO