Tập sách dịch Mai sau biết đến bao giờ (NXB Hội nhà văn, tháng 5.2018) của dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh đã chọn dịch những tác phẩm tiêu biểu của Bob Dylan - chủ nhân Nobel văn chương năm 2016.
Tập sách Mai sau biết đến bao giờ. |
Đây là tập dịch thứ ba của Mộc Nhân, vẫn trung thành với nhạc sĩ - ca sĩ tài hoa Bob Dylan. Trong thời gian gần đây, Mộc Nhân xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ với một bút lực khá sung mãn: một tập thơ, ba tập dịch, vài đầu sách chuyên ngành và có lẽ còn những bản thảo và dự tính. Riêng với mảng dịch thuật, kiên trì một đam mê dịch tình ca của Bob Dylan, Mộc Nhân đã chọn con đường riêng để đi, và đã thành công, một thành công đến từ sở trường - Mộc Nhân cũng là cây guitar đằm ngón, và là một nhà thơ đằm chữ. Một lựa chọn có định hướng tri thức, bởi kết hợp được giữa thơ - nhạc và vốn ngoại ngữ phong phú. Một tích hợp không dễ có và dĩ nhiên không phải ai cũng có quyền đam mê và biến đam mê thành hiện thực.
Mộc Nhân tâm sự, anh hâm mộ và đeo đuổi Bob từ thuở ôm đàn guitar búng lên thành giai điệu và tan chảy vào tình yêu đôi lứa, tình yêu văn chương, tình yêu nhân loại trong những tia sáng diệu kỳ của Bob, hiểu hấp lực tỏa ra từ Bob là một từ trường tình yêu. Như thế, trong chọn lựa của mình, dịch giả đã chuyển đến người đọc thông điệp thẩm mỹ mà tác giả Nobel văn chương 2016 đã một đời ký thác: cuộc đời là câu chuyện tình ca, và hãy cố giữ cho cuộc đời luôn là câu chuyện tình ca. Một trong những thành công trong bản dịch là ở chú trọng trau chuốt ca từ. Ca từ với cái trữ tình đằm thắm của tình thơ và sự diễm lệ của ngôn ngữ: “Tất cả năng lực thể hiện và tư duy của tôi thật tuyệt vời/ Xin bạn đừng phán xét nguyên nhân hay vần điệu/ Chỉ có một điều tôi đã làm sai/ Ở lại Mississippi một ngày quá dài/ Giẫm chân lên thảm lá lìa cành/ Cảm giác như gặp một người lạ vô ảnh vô hình/ Có rất nhiều điều mà chúng ta sẽ chẳng thể không làm/ Tôi biết bạn hối lỗi, tôi cũng vậy”. Và giữa mênh mông, lòng cũng hãy rộng rãi dìu nhau vào ngõ chật như một tự do tuyệt đối: “Cởi đôi giày ra đi em, việc gì mà sợ/ Mang chai rượu kia lại đây/ Anh sẽ là người tình của em đêm nay”.
Song với người đọc chưa có điều kiện tiếp xúc văn bản Anh ngữ, vai trò người dịch là ở chỗ phải đảm bảo tính thẩm mỹ trong ngôn ngữ dịch, sao cho tiếng họa mi của giai điệu kia khi thoát ra khỏi khí quyển sinh tồn ban đầu mà vẫn y nguyên một ban sơ nguồn cội. Và dịch giả đã làm được điều đó một cách thỏa đáng, những ca từ qua lời dịch thấm đẫm tinh thần thơ ca với nhịp điệu và tiết tấu, đôi khi cả vần điệu cũng được tận dụng để chuyển tải tâm tình: “Tôi đã từng ôm em/ Em nói sẽ giữ mãi/ Nhưng tôi thật tệ hại/ Tựa như kẻ ngông cuồng/ Tôi ném đi mọi thứ/ Dắt nhau qua núi đồi/ Những dòng sông vẫn chảy/ Tôi phát điên lên thôi”…
NGUYỄN TẤN ÁI