(Xuân Quý Mão) - Một người kể chuyện thời gian qua đôi tay và trí tưởng của mình, vẫn bền bỉ bao nhiêu năm thực hành ngón nghề cha ông trao truyền. Đỗ Cường trở thành một “dấu triện” bảo chứng cho việc trùng tu kiến trúc cổ.
Người duy nhất
Năm 2022, trong số 3 nghệ nhân ưu tú của Quảng Nam được vinh danh ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể, có một người thợ đắp vẽ hoa văn từ Kim Bồng mang tên Đỗ Cường (SN 1976). Điều đặc biệt, Đỗ Cường là người duy nhất cũng là đầu tiên trên cả nước trong ngành kiến trúc điêu khắc truyền thống được vinh danh Nghệ nhân ưu tú.
Người phụ trách xây dựng hồ sơ nghệ nhân nói, tri thức dân gian mà Đỗ Cường sở hữu, trên bình diện các giá trị văn hóa của cả nước, là một lạ lẫm. Nhưng tại Hội An, nghề đắp vẽ phù điêu cho các công trình kiến trúc, lẫn kỹ thuật lợp mái ngói âm dương, lại là yếu tố sống còn để làm nên một không gian phố cổ là Di sản văn hóa thế giới.
Và những người hiểu giá trị nghề nghiệp này phải bền bỉ để có được danh xưng cho Đỗ Cường. Dù hẳn, có hay không định danh này, Đỗ Cường cũng là một “dấu triện” bảo chứng cho các công trình kiến trúc cổ Hội An là nguyên trạng của từng thế kỷ khác nhau.
Tư liệu lưu lại rằng, nghề nề, nghề mộc Kim Bồng phát triển cùng với sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền. Nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật cũng từ đây góp phần đưa Kim Bồng trở thành tên làng hội tụ nhiều tinh hoa nghề Việt.
Gia phả tộc Đỗ ghi lại khá rõ những tên tuổi đã từng được các vua nhà Nguyễn phong hàm. Từ đời này đến đời khác, tộc Đỗ làng Kim Bồng truyền dạy cháu con mình những ngón nghề đặc biệt, trong chạm khắc và đắp nổi hoa văn. Các lăng tẩm, đền đài tại kinh đô Huế đến quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An, phần lớn do thợ nề Kim Bồng đảm trách.
Buổi trưa phố cổ, Đỗ Cường dắt chúng tôi tham quan nhiều di tích mà dấu ấn đắp vẽ của các thế hệ gia đình anh còn khá rõ nét. Là Khổng miếu Hội An, với sự tỉ mẩn của Đỗ Cường cùng cha và ông nội.
Nhiều tháng liền bền bỉ làm nên từng phù điêu, hoa văn chạm khắc theo phong cách kiến trúc bát bửu của Lão giáo, những hình đắp vẽ tinh xảo, các câu đối, liễn là biểu hiện cho nền văn hóa mà kiến trúc này hình thành.
Là những đình chùa của người Minh Hương - các kiến trúc vô giá làm nên phần hồn sống động cho di sản. Hay là những ngôi nhà cổ tuổi đời bằng tên vùng đất, với chủ nhân là lớp thế hệ thứ 5, 6 như nghệ nhân này...
“Ấn triện” của thời gian
“Nghề này, công đoạn vẽ và đắp là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tinh xảo và phải có kinh nghiệm trong nghề; nắm rõ chủ đề để thực hiện những đồ án phù hợp và mang tính chất truyền thống của từng địa phương.
Khi nhận công trình nào đó, bằng những tri thức tích lũy được, tôi hình dung kiểu mẫu mang tính nguyên tắc, phù hợp đối với từng loại công trình, di tích, đối tượng được thờ tự trong công trình hoặc di tích” - Đỗ Cường nói. Tinh thần tự học đã đắp bồi để Đỗ Cường có một lượng kiến thức đủ sâu khi tiếp nhận các công trình tu bổ trước đây của Hội An.
Từ lúc 17 tuổi, chàng trai ở ngôi làng bên sông này đã theo cha và ông nội qua phố, đi từng ngôi đình, chùa lẫn nhà cổ.
“Để học nghề này, tôi dành rất nhiều thời gian cho việc luyện vẽ đến sắp xếp bố trí đồ án trang trí trên giấy, trên tường bằng bút cọ. Qua thời gian mày mò tập luyện cùng với sự chỉ dẫn của ông nội, dần dần những đồ án trang trí như long mã, mai hạc, dao lá... đã in sâu trong trí nhớ của tôi. Vì thế, khi phác họa những đồ án trang trí đó, tôi không nhìn khuôn mẫu mà tự tay vẽ để phù hợp với di tích” - Đỗ Cường nói.
Cho đến năm 1997, khi đã thọ lãnh mọi ngón nghề từ ông nội, cùng với tư duy sáng tạo, Đỗ Cường bắt đầu tự nhận thực hiện các công trình trùng tu từ phố cổ.
Tôi cứ mê mải chạm vào những mảnh sành bóng màu thời gian, trên bức tranh đắp vẽ ở nhà cổ Quân Thắng. Ngôi nhà hơn 400 năm có lẻ, cùng bao nhiêu thế hệ bước qua ngạch cửa, tường cổ cũng đã loang lổ dấu vết. Nhưng bức tranh cổ được đắp vẽ tinh vi, thì dù bao nhiêu xước xẹo, nó vẫn nguyên đó như chứng tích của điển lễ về nếp sống thị thành nơi cư dân thương cảng cũ.
Bà Trần Trúc Hà - chủ nhân ngôi nhà, gặp Đỗ Cường như là tri âm. Bà say sưa nói cùng người mới tuổi cháu con mình, bằng giọng của sự tôn kính. Rằng cái kiêu hùng ngạo nghễ thách thức thời gian của những hoa văn đắp nổi trên đầu hồi nhà, của bức tranh đã gắn chặt với khung giếng trời này, là di sản của những người tộc Đỗ. Và bây giờ gìn giữ, phải là đôi bàn tay của Đỗ Cường mới vẹn nguyên...
Danh vị Nghệ nhân ưu tú, không làm cho chuỗi ngày sau của Đỗ Cường bớt suy tư hơn. Anh đã có nhiều lứa học trò thành danh, chuyên thi công những hạng mục hoa văn, tranh đắp vẽ trên tường cho công trình.
Nhưng để thực hành đắp vẽ hoa văn cho di tích, chỉ duy có Đỗ Cường. Tưởng giống nhau về kỹ thuật, nhưng mỗi đội thợ đắp vẽ, lại có thế mạnh riêng. Đó là lý do để từ năm 1997 cho đến 2018, Đỗ Cường luôn là cái tên được lựa chọn để Hội An thực hiện trùng tu di tích kiến trúc đình, chùa, miếu mạo và nhà cổ.
“Càng về sau, xuất hiện nhiều hơn những đội thợ kiêm rất nhiều việc. Chính lẽ đó, nhiều hơn những cán cân được đặt ra, từ kinh phí, ngày làm cho đến nguyên liệu... Nhưng có lẽ họ không hiểu rằng, đặt để hoa văn đắp vẽ ở các di tích, đầu tiên cần về đúng nguyên trạng và ở trong nền văn hóa, phong cách nghệ thuật mà di tích đó hiện diện” - Đỗ Cường nói.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp anh ở công trình Tam Quan Chùa Bà Mụ. Người đàn ông tự mình đập nát vụn than củi và hòa cùng giấy vụn ngâm nước để làm màu. Vôi vữa tô thô được làm từ vỏ sò vỏ hến của Cẩm Nam.
Kỳ công và chi tiết.
Kỹ lưỡng và chân thành.
Vì cái tên của người thực hành, là những nối dài của một gia tộc, một lịch sử được lưu giữ thật thà...