Người đi đòi công lý

HÀ AN 08/11/2020 07:12

Với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phan Thị Phi Phi, có thể gọi bà với chức danh gì cũng được: nhà khoa học, cô giáo, bác sĩ, nhưng nhiều người thích gọi bà là người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam.

GS-TSKH. Phan Thị Phi Phi trong một lần về thăm chiến trường xưa. Ảnh: HÀ AN
GS-TSKH. Phan Thị Phi Phi trong một lần về thăm chiến trường xưa. Ảnh: HÀ AN

Tôi được gặp bà trong lần bà cùng Đoàn cán bộ Dân - Chính Khu V quê ở các tỉnh phía Bắc thời kháng chiến chống Mỹ về thăm chiến trường xưa. Đã ở tuổi 80, mang nhiều chứng bệnh, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn nhưng GS-TS.Phan Thị Phi Phi vẫn hăng hái tham gia chuyến về thăm chiến trường xưa.

Chiến trường khu V

Khi học hết bậc trung học phổ thông tại Trường THPT Lê Khiết (Quảng Ngãi) hơn 60 năm trước, cô học trò Phan Thị Phi Phi vào Trường Đại học Y. Năm 1960, sinh viên Phi Phi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy bộ môn sinh lý bệnh - miễn dịch học. Khóa học này là khóa y khoa đầu tiên của miền Bắc XHCN. Và bà cùng những người thầy thuốc trẻ vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III - năm 1960.

Năm 1966, bà cùng một số thầy cô của trường Đại học Y Hà Nội được cử đi B với nhiệm vụ xây dựng Trường Y khu V. Ngày đó, chiến trường Quảng - Đà đang vô cùng khốc liệt, Mỹ ào ạt đổ quân đánh phá nên các cơ quan từ huyện, tỉnh đến Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V, trong đó có các trạm xá, bệnh viện… phải liên tục chạy tránh. Lúc bấy giờ xây dựng một ngôi trường trong thời chiến mà nhất là trường đào tạo thầy thuốc để phục vụ chiến trường, chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân ở vùng căn cứ không hề đơn giản; bởi làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy nhưng cũng sẵn sàng tránh giặc càn luôn là nhiệm vụ song hành.

Khi Phi Phi vào Nam, đứa con trai vừa tròn 2 tuổi, khó khăn và gian khổ bao nhiêu cũng không thể sánh bằng nỗi nhớ con, nhớ gia đình. Nhưng rồi chị nghĩ tới bao người, trong đó có nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào chiến trường, con gái cũng mới 16 tháng tuổi. Nhớ con, chị tập trung vào sứ mệnh là sống, chiến đấu và chăm sóc sức khỏe thật tốt cho cán bộ, nhân dân. Làm Chủ nhiệm Khoa nội và Chủ nhiệm Hệ thống y học cơ sở của Trường Y khu V được 3 năm, tổ chức điều động chị làm Giám đốc Bệnh viện I (Khu ủy V - tiền thân của bệnh viện C - Đà Nẵng hiện nay).  Bệnh viện I lúc ấy đóng tại huyện Nam Trà My, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân toàn khu và là tuyến điều trị cao nhất. Do điều kiện khó khăn, khắc nghiệt lúc bấy giờ, mỗi cán bộ y tế không chỉ là lương y giỏi, mà còn là những chiến sĩ kiên trung. Đã có rất nhiều sáng kiến y học, tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và hiệu quả điều trị cao cho cán bộ, quân dân trong điều kiện thời chiến.

Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu lương thực và không có lực lượng vận chuyển. Vì vậy, phải điều trị tại chỗ, khai thác hậu cần tại chỗ, dựa vào nhân dân vận chuyển thương binh, bệnh binh và tổ chức sản xuất tự túc… Chị cùng tập thể y, bác sĩ của bệnh viện đều phải lo toan, gánh vác. Nhiều bệnh xá còn thiếu cả lán trại, thiếu thuốc và trang thiết bị, thậm chí thiếu cả dụng cụ phẫu thuật, băng, gạc, không đủ khả năng thu dung nhiều thương binh trong một lúc. Mỗi lần nghe tin địch càn, ném bom hoặc có lệnh cơ động theo các chiến trường là mỗi lần đơn vị vất vả, gian truân. Gạo rất hiếm, chỉ để dành cho thương, bệnh binh, bệnh viện phải tự túc lương thực, kiếm thêm rau quả rừng, ốc, cá suối...

Với chỉ tiêu được giao, mỗi năm 50.000 gốc sắn, nên quanh bệnh viện chỗ nào cũng thấy toàn sắn. Địch đánh hơi rải chất độc hóa học làm các rẫy sắn chết rục, nếu cây nào sống sót củ sắn cũng sượng chát, nhưng mọi người vẫn phải nấu ăn. Cả cánh rừng đang xanh, máy bay rải thảm chất độc hóa học, mấy ngày sau cả khu rừng trụi lá, tan hoang. Vì thế rất nhiều người nhiễm chất độc và với con cháu họ di chứng để lại vô cùng nặng nề, bi thương.

Cuộc chiến với Chất độc da cam

GS-TSKH. Phan Thị Phi Phi, nguyên Chủ nhiệm bộ môn sinh lý bệnh - miễn dịch học của Trường ĐH Y Hà Nội. Bà có 6 năm công tác tại chiến trường B (1966 - 1972); nguyên Giám đốc Bệnh viện I, Khu V (1968 - 1972). Danh hiệu: Nhà giáo ưu tú, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhì, Huy chương Giải phóng hạng Nhất, Huy chương Vì sức khỏe nhân dân.

Bà là tác giả của hàng trăm bài viết về ba chủ đề nghiên cứu chính: Tác hại của chất da cam – dioxin trên sức khỏe con người; Nghiên cứu các chất điều biến miễn dịch của thảo dược Việt Nam; Nghiên cứu các dấu ấn sinh học các bệnh ung thư máu, gan vòm mũi họng trong chẩn đoán, tiên lượng và điều trị…

Năm 2014, GS - TSKH. Phan Thị Phi Phi là một trong 3 nạn nhân CĐDC đầu tiên của Việt Nam đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ và chính bà đã đến Hoa Kỳ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm CĐDC Việt Nam. Tham gia các dự án khám và chữa bệnh cho các nạn nhân CĐDC, bà thấu hiểu tận cùng nỗi bất hạnh các gia đình phải chịu đựng. Bởi gia đình bà cũng là nạn nhân CĐDC. Người chồng của bà - cố GS. Hà Văn Ngạc cũng là một bác sĩ quân y ở bệnh viện 103. Họ phải xa cách nhau, mỗi người một chiến trường, và đều bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC. Bốn lần mang thai nhưng bà và chồng  đều không được tận hưởng niềm vui, bốn lần sẩy thai liên tiếp vì ảnh hưởng CĐDC khiến bà không thể có thêm người con nào nữa.

Bà từng nói rằng: “Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng với những nạn nhân CĐDC Việt Nam thì chiến tranh vẫn còn đó. Nỗi đau tinh thần, lẫn vật chất thì không gì so sánh nổi. Đau đớn nhất chứng kiến những đứa con, đứa cháu ra đời hình hài quái dị. Tôi không hy vọng chúng ta thắng tuyệt đối ở vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ. Nhưng từ vụ kiện này chúng ta kêu gọi được nhiều hơn nữa viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam cũng là thành công rồi. Hai nạn nhân CĐDC đầu tiên cùng đệ đơn lên tòa án Liên bang Mỹ đến nay cũng đều đã mất cả rồi, còn tôi không biết ngày nào đây tới lượt mình”.

Bà đã đi khắp các tỉnh thành, để tìm hiểu và giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh. Nhiều năm trước còn khỏe, cứ một, hai năm bà lại cùng các y, bác sĩ ở Hà Nội từng sống, chiến đấu, công tác ở chiến trường Khu V, Quảng Nam, Đà Nẵng tổ chức về Trà My thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người dân. Những lần về thăm chiến trường xưa, bà đã trao tặng những món quà ý nghĩa cho các nạn nhân CĐDC.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người đi đòi công lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO