Người đi gieo hạt

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 28/04/2015 09:58

Giống như những người gieo hạt, họ rải xuống mảnh đất xứ Quảng này những hạt mầm, rồi ươm xanh. Họ chỉ làm những việc giản đơn, mà đầy ý nghĩa...

Người chị Điện Hòa
Từ 5 năm trước, chị và 3 chúng tôi (Đông Nhật, thầy Đức Vân, thầy Thế Tường) mơ ước có được một cơ sở khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại Phú Túc, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Tôi đã định viết với mong muốn được xã hội ủng hộ, ấy nhưng chị lại kiên định rằng, mình cứ âm thầm làm, không nói nhiều vì sẽ vướng vào cái hố danh-lợi.

Về phần chị, từ gần 50 năm qua chị đã thành danh, chị “không cần” cái danh mà chỉ quan tâm đến việc đem lợi lạc đến cho những người quan quả khó nghèo. Hơn 50 năm trước, trong bối cảnh tao loạn của một xứ sở chiến tranh - đói nghèo, chị đã dấn thân vào con đường của sự gian khó và cả cái chết, cho mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước. Lúc ấy, công việc của chị - một sinh viên y khoa thế hệ đầu tiên của Đại học Huế - không chỉ là sách vở, giảng đường mà còn là việc tổ chức cơ sở cách mạng, những lần xuống đường, những chuyến ra vào chiến khu… Trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam Việt Nam, chị nổi lên như một phụ nữ gan dạ, thông minh ở cương vị Chủ tịch Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống thành phố Huế, một trong những cái nôi của phong trào. Sau năm 1975, chị tiếp tục là bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện lao thành phố. Một tờ báo đã viết: “Chị đã và đang nuôi hàng trăm bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối”. Chị nguyên là Trưởng bộ môn Lao tại Đại học Y Huế, Chủ tịch Hội LHPN Thừa Thiên Huế, là “người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là một trí thức yêu nước”, là nhân vật được nhắc đến khá đậm nét trong bộ phim nổi tiếng “Việt Nam, một thiên lịch sử bằng truyền hình” do các nhà làm phim nước ngoài thực hiện. Khoảng đầu những năm 90, khi đến tuổi nghỉ hưu, chị bắt đầu vận động việc chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo mắc bệnh nan y. Và gần 25 năm qua, chị đã cùng với những người có cùng tâm nguyện gây dựng được hai cơ sở như thế ở Huế. Là một bác sĩ được đào tạo bài bản và có thêm mấy mươi năm trong ngành, chị sớm nhận ra chỗ mạnh - yếu của Tây y. Chị đã đến với phương pháp dưỡng sinh của nhà thực dưỡng người Nhật Oshawa. “Hướng” này rất phù hợp với điều kiện chữa trị của những người ít tiền: gạo lức và muối mè là bài thuốc căn bản. Cũng thuộc týp người cứ ngóng trông về “cố quận”, chị băn khoăn hoài: Sao mình không gây dựng được một cơ sở ngay trên đất đã gửi “cuống rốn”? Năm năm trước tình cờ gặp chị; thế là nảy sinh việc thành lập ban vận động để có được một “nhà tình thương”. Ý định thì cũng “hay”, nhưng khi đứng trước câu hỏi “đầu tiên” thì ai cũng… ngơ ngác. Khi ấy, cũng có tiếng cười… ghẹo: Chẳng có tiền bạc mà  “điên đảo mộng tưởng” đến việc tốn bạc tỷ! Hơn ba năm vận động, khá là vất vả với bao nhiêu ngược xuôi, từ cái buổi ban đầu mượn quán chay Hương Trang, quán chay Bà Lành làm nơi sinh hoạt; từ việc “chạy” tìm cơ sở ở Liên Chiểu, Sơn Trà, Hòa Vang… đến chuyện ủng hộ đầu tiên của các ông Lê Gia Thích (60 triệu đồng), anh Cư (30 triệu đồng)... Rồi Ban vận động xây dựng Nhà tình thương ra đời vào ngày 24.4.2011 tại Trường Đại học Duy Tân, gồm 60 người, trong đó có những vị cốt cán như ông Lê Công Cơ (Hiệu trưởng), ông Huỳnh Văn Hoa, Huỳnh Hữu Trân, Nguyễn Bình Minh, chị Lê Thị Nguyện, Lê Thị Chung, Nguyễn Thị Ngân, Huỳnh Thị Hải Vân và nhiều thiện nguyện viên khác… Ông Huỳnh Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP.Đà Nẵng nói về chị: “Chúng tôi quen biết bác sĩ từ đầu những năm 70. Ngày ấy, tuy người nhỏ yếu nhưng chị luôn có mặt ở những chỗ sóng gió của phong trào, không sợ tù đày tra tấn. Chị là biểu tượng đẹp đẽ của thế hệ trí thức miền Nam, của xứ Quảng trong đấu tranh chống cường quyền. Nay trên 70 tuổi, chị còn hăng hái trong việc chăm sóc bệnh nhân, chạy chỗ này nơi khác để lo cho người nghèo có điều kiện ăn uống chữa trị…”.

Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế - người sáng lập ra Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng).
Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế - người sáng lập ra Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng).

Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa ra đời (tháng 5.2013) với mục tiêu nuôi dưỡng chăm sóc những đối tượng bệnh nhân nghèo… Nếu may mắn họ được thoát khỏi bệnh tật thì rất tốt. Nếu không, họ cũng được chăm nuôi tử tế, được an ủi tinh thần và sẽ ra đi thanh thản… Đó là kết quả của nhiều người, tất nhiên. Và cũng phải nhắc đến “đại thí chủ” Nguyễn Phước Hùng - Phạm Thị Hồng, người đã “gánh gồng” tất cả. Và nhiều lương y đã đến đây để cống hiến như các ông Phan Hồng Long, Huỳnh Sự, Nguyễn Minh Thái, Phan Công Tuấn… Tất cả thành viên trong ban điều hành đều không ai nhận bất cứ khoản tiền thù lao gì. Chỉ sau khoảng 8 tháng hoạt động, cơ sở này đã khám chữa bệnh cho 4.000 bệnh nhân tại địa phương và dân tộc ít người, cùng những bệnh nhân đến từ Quy Nhơn, Sài Gòn, Quảng Nam… Phương pháp chữa bệnh là ăn uống rau củ quả sạch theo liệu pháp riêng, sống trong không khí không bị ô nhiễm kết hợp với điều trị bằng thuốc Nam và châm cứu. Tâm nguyện với quê nhà, có thể xem như đã… cười vui. Dù chị ở xa, không thường xuyên về được nhưng vẫn giúp đỡ đồng nghiệp về mặt chuyên môn và luôn vận động cung cấp những gì cần thiết. Chị nói, mong sao đây sẽ là một trong những điểm sáng thiện tâm ở Đà Nẵng.

Có công việc từ thiện nào mà không kêu gọi sự góp sức của xã hội? Trong lần trò chuyện mới đây, những người “chung tay” đang lo sao cho có được nguồn điện ổn định (với 100 triệu đồng). Mong sao có thêm những tấm lòng nhân ái đến với cái nơi “heo hút” này và sẻ chia sự khổ đau của những số phận không may. Lẽ nào không tin vào truyền thống của dòng tộc Việt, vốn bền chặt với tình cảm “người trong một nước”?

 “Tên gọi” của chị là: bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, quê quán ở xã Điện Hòa, Điện Bàn.

Đêm Suối Hoa. Gió núi rền rĩ ầm ào. Tự dưng hiện ra… câu Kinh Thánh: “Phước cho những kẻ nghèo khó, vì sẽ được no đủ”. Tại sao? Bởi vì, bên cạnh những cuộc đời bất hạnh còn có tấm lòng những người hiểu nhân - quả là định luật của vũ trụ. Nhìn về phía đông, thành phố hiện ra. Bên trên những bào ảnh của cuộc nhân sinh, hiện lên khuôn mặt người bác sĩ lặng lẽ. Hiện lên khuôn mặt những người khác. Những người biết nghĩ đến nhân quần…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Thắp lửa cho sinh viên nghèo

Mồ côi cha, từng phải trải qua cuộc sống rất vất vả nhưng chàng sinh viên Nguyễn Thanh Đạm (Quế Phú, Quế Sơn) vượt khó và trở thành luật sư, rồi quay lại giúp những bạn trẻ đồng cảnh ngộ được bước tiếp con đường đại học...

“Thép đã tôi thế đấy”

Thi trượt đại học, năm 1988 Nguyễn Thanh Đạm (SN 1970) phải dạt lên tận Gia Lai làm nghề phụ xe. Suốt 2 năm vật lộn với nắng gió Tây Nguyên vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc, anh đành quay về Việt An (Hiệp Đức) may vá. Nghề mới tiếp tục thất bát, Đạm chuyển sang kinh doanh tích lũy vốn liếng. Nhiều đêm ngẫm nghĩ, mình cứ suốt ngày chỉ quanh quẩn việc thu tiền, quản lý mà trong đầu “trống trơn” thì cuộc đời sẽ đi về đâu?

Năm 1996, Đạm quyết tâm đèn sách trở lại, công việc nhờ người anh gánh vác. Không phụ công bao tháng ôn luyện ở TP.Hồ Chí Minh, chàng trai một lần rớt đại học bây giờ lại thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học, gồm trường Luật và Khoa học xã hội & nhân văn. Có điều, khi cổng trường đại học rộng mở và chọn Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh để theo học, cũng là lúc anh đối diện khốn khó. Vỏn vẹn 2 triệu đồng dành dụm, Đạm bước vào hành trình 5 năm làm sinh viên xa nhà.

Thanh Đạm (phải) kết nối bạn bè cùng thắp lửa nhân ái.  Ảnh: T.TƯỜNG
Thanh Đạm (phải) kết nối bạn bè cùng thắp lửa nhân ái. Ảnh: T.TƯỜNG

Bạn bè đặt cho Đạm biệt danh “Bốn đụng” khi anh… đụng gì làm nấy, tức làm bất cứ việc gì để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Ngày đó, không có việc gì mà mình ngại không làm. Từ gia sư, bồi bàn quán ăn cho đến phụ hồ, may vá... mình đều làm tất, không chút e dè hay sĩ diện hão”- anh tâm sự. Đạm cẩn thận lên lịch “cày” vào thứ Bảy, Chủ nhật để làm bồi bàn, được 50.000 đồng/ngày. Dịp cuối năm, anh còn tranh thủ làm phụ hồ, cũng kiếm được gần 30.000 đồng/buổi. Những kỳ nghỉ khác, thậm chí anh đi may gia công... Rồi 5 năm gian khó cũng dần trôi qua, sinh viên Nguyễn Thanh Đạm thật sự tôi luyện trên giảng đường lẫn trường đời, để tự tin nhận tấm bằng tốt nghiệp năm 2001 và sớm được một công ty nước ngoài tiếp nhận với chuyên ngành nghiên cứu thị trường. Ba năm sau, anh quay về với cái nghề mình đã học, bắt đầu tập sự nghề luật sư rồi thi tiếp vào Học viện Tư pháp. Đến năm 2006, anh chính thức được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư...

Lửa nhân ái

Nguyễn Thanh Đạm cũng sẽ chỉ là một tấm gương vượt khó như hàng nghìn sinh viên xứ Quảng ở mọi miền Tổ quốc, nếu như anh không trở lại “thắp lửa” cho những cảnh đời tương tự, và điều đó tạo nên sự khác biệt. Anh sẵn lòng giúp đỡ những sinh viên nghèo như mình ngày trước, dù cuộc sống của anh chưa hẳn đã ổn định, khấm khá.

Khởi sự từ em gái của một người bạn thân ở miền Tây, lên TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Cô em này cũng dở dang việc học, được Đạm khuyên nên tiếp tục và dành dụm từ tiền lương của mình để giúp đỡ. Dù mỗi học kỳ nhận từ “mạnh thường quân” Đạm chỉ 1 triệu đồng, nhưng sự tiếp sức quý giá đó đã giúp cô gái vượt qua 2 năm học trung cấp kế toán, tốt nghiệp ra trường kiếm được việc làm, nay đã có chồng con và ổn định cuộc sống... Một người em khác cùng quê Quế Sơn nghỉ nửa chừng khi mới học xong năm thứ nhất đại học, do kinh tế gia đình quá khó khăn. Biết tin, Đạm tìm cách hỗ trợ học phí để em này lại theo đuổi việc học.

Phạm Thị Ny Na (SN 1993), vừa học xong năm thứ 4 tại Đại học Y khoa Huế, là trường hợp khá đặc biệt khi gặp được ân nhân trẻ tuổi Nguyễn Thanh Đạm. Lần ấy, Đạm về thăm trường cũ THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn), nghe các thầy cô kể về Ny Na có hoàn cảnh hết sức khó khăn dù học rất giỏi. Không chần chừ, Đạm quyết định cùng bạn bè hỗ trợ học phí cho Ny Na, từ 4 đến 6 triệu đồng/năm. Tết Ất Mùi vừa qua, Ny Na tiếp tục nhận quà tặng và lời động viên gắng học từ Đạm. “Là người từng trải qua khổ cực, mồ côi cha từ bé nên anh Đạm rất thương sinh viên nghèo. Tụi em rất ngưỡng mộ tính kiên trì vượt khó của anh, lấy đó làm tấm gương để nỗ lực vươn lên” - Ny Na xúc động. Cô sinh viên Y khoa Huế này năm nào cũng đạt loại giỏi, có lẽ do tiếp nhận đầy đủ sức nóng từ “ngọn lửa” Nguyễn Thanh Đạm.  

Dù ở Quảng Nam hay TP.Hồ Chí Minh, hễ nghe bạn sinh viên nào ở quê cũ gặp khó, chuyện học “đứt gánh” nửa chừng là Đạm xông xáo tìm cách giúp đỡ. Anh tìm kiếm nhà hảo tâm, kết nối bạn bè và trực tiếp san sẻ đồng lương của mình. Một dịp về quê, nghe kể chuyện một sinh viên bị tai nạn giao thông gãy chân ở xã Quế Phú, anh tìm đến Phòng khám Đa khoa khu vực Hương An thăm hỏi. Khi biết nạn nhân có cảnh ngộ khốn khó, ba mẹ ly hôn phải sống với bà ngoại từ nhỏ tại Phú Ninh, anh liền kết nối bạn bè, người thân để lo toàn bộ viện phí và hết lòng chăm sóc cho đến khi xuất viện.

Bộn bề dự định giúp sinh viên nghèo vượt khó, nhưng không phải dễ dàng  tìm được nguồn hỗ trợ, nhất là khi chính cuộc sống của anh cũng chưa thật ổn định. Nhưng dù không phải nhà từ thiện chuyên nghiệp, Đạm vẫn rất có “nghề” trong việc kêu gọi quyên góp. Hễ đâu có sinh viên nghèo, gặp hoàn cảnh trớ trêu… anh đều tìm cách chia sẻ, sẵn lòng giúp đỡ vài ba sinh viên nghèo học đại học. Gần khu gia đình Đạm ở có khá nhiều bà con Quảng Nam sinh sống, dịp tết đến xuân về Đạm hăng hái nhận lãnh trách nhiệm tổ chức cho bà con gặp gỡ đồng hương, tặng quà động viên học sinh, sinh viên vượt khó…
Gặp gỡ Đạm, lúc nào tôi cũng thấy anh canh cánh ước muốn kết nối được thật nhiều bạn bè, người thân để nhận đỡ đầu các hoàn cảnh khốn khó. “Giúp người là một hạnh phúc lớn” - anh tâm niệm.

THANH TƯỜNG

Quán sách của Ninh

Hơn 10 năm trước, trong một cuộc gặp gỡ người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh, tôi nghe anh Trần Phước Ninh ngọng nghịu ngâm thơ chẳng tròn vành rõ chữ “Mười năm bến lở sông bồi/ Ru người tình cũ nghẹn lời ca dao”. Viết về anh ngày ấy, đơn giản chỉ là người vịn câu thơ mà đứng dậy. Mười năm sau, mọi thứ đã khác…
Từ “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”

Nhắc lại chuyện cũ, anh Ninh cười tròn môi: “Quán bây giờ vẫn là “quán cóc liêu xiêu” nhưng đủ sức chứa hàng vạn chữ nghĩa, hàng triệu trang sách và không giới hạn trái tim đâu”. Anh nói bằng những câu chữ rành rõ, không khó khăn như 10 năm trước tôi gặp, cũng ở đây - “Thi hữu quán” - thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên. Ngày ấy 30 tuổi, gia tài của anh vỏn vẹn mấy tập học trò nắn nót chép đầy thơ, một vài bài trong số đó đã được phổ nhạc. Cộng thêm 13 năm thanh xuân, từ một cậu học trò Trường THPT Sào Nam lành lặn trở thành người khuyết tật, lê la từ Bắc chí Nam bán vé số kiếm sống qua ngày. Đêm đêm kiếm mảnh giấy nhàu nắn nót làm thơ, ngày mai trên dặm dài bán vé số lại ghé một tòa soạn nào đó gửi tác phẩm. Thân hình lẽ ra của một thanh niên vạm vỡ lại teo tóp trong đôi chân không cân xứng, đôi tay lèo khoèo đụng đâu cũng vướng, mắt cứ đảo liên tục và khuôn miệng méo đi khiến Ninh phát âm từ nào cũng không tròn vành rõ chữ. “Tôi nhận ra rằng, cuộc đời có thể biến thân xác con người thành khiếm khuyết, nhưng tâm hồn thì chỉ con người mới vẽ nên con người. Tôi làm thơ không như nhà thơ mà từ những gì tôi nhìn thấy, tôi nhớ nhung, tôi khao khát” - Ninh nói vậy và đã làm như vậy. Từ những niềm an ủi khi thơ được phổ nhạc, trở thành một trong những bài hát hay về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng như “Duy Xuyên đất mẹ ân tình”, “Đà Nẵng vào xuân”, mỗi khi sóng radio phát những bản nhạc này, chính Ninh cũng tìm thấy sự mới mẻ. Anh nói, giống như sự đâm chồi, nếu nhìn thấy niềm tin và sự mới mẻ từ chính mình, tất nhiên sẽ vươn lên và “sống”. Người đàn ông hơn 40 tuổi đầu này đã sống trong niềm tin về chính mình. Con đường học chữ dang dở ngày trước quay trở lại với Ninh trên những trang sách. Mỗi ngày Trần Phước Ninh vận động các em có hoàn cảnh khó khăn, tặng tập vở và tổ chức lớp học tình thương. Không đứng lớp, Ninh nhờ cô giáo cũ dạy giúp các em học sinh nghèo mỗi tối ngay tại quán cóc nhà mình.

Bạn đọc nhỏ tuổi ở thư viện Thi hữu quán. Ảnh: A.T
Bạn đọc nhỏ tuổi ở thư viện Thi hữu quán. Ảnh: A.T

Nhiều người cũng như tôi cứ tưởng, Trần Phước Ninh sẽ tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc cho dù mãi sống một đời không lành lặn. Ấy nhưng, còn hơn thế nữa.

Đến “quán sách”

Ngoại trừ việc tự bản thân nỗ lực cải thiện khuyết tật đến 80%: không khó khăn trong việc đi lại, giọng nói đã bình thường, Ninh còn làm những việc ít ai ngờ tới. Mỗi năm, anh lại tự thân hành phương Nam một chuyến để vận động tài trợ cho học sinh nghèo quê mình vào cuối và đầu mỗi năm học. Còn rải rác trong năm, anh đăng ký tặng tập vở, quà cho học sinh ở các trường học. Thi hữu quán của anh – không chỉ là điểm hẹn của những người yêu thơ, mà còn là điểm hẹn từ thiện.

Thỉnh thoảng, một vài nhà hảo tâm ở khắp nơi có nhờ tôi đem đến quà hỗ trợ cho Trần Phước Ninh. Khi từ một máy tính xách tay, khi từ cả nghìn tập vở, có khi là tiền hỗ trợ…. Tất cả những tấm lòng ấy, Ninh lại gom góp và chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó quanh mình. Giờ tôi mới hiểu ý anh khi nói “quán cóc liêu xiêu” có sức chứa hàng vạn trái tim ở đầu câu chuyện là vậy. Quán cóc này, anh dựng lên một “quán sách”. Hoàn toàn miễn phí!

Thủ thư Trần Phước Ninh sắp xếp thẻ thư viện đọc miễn phí.
Thủ thư Trần Phước Ninh sắp xếp thẻ thư viện đọc miễn phí.

“Suốt bao nhiêu năm nay, mình đón nhận rất nhiều tấm chân tình của nhiều người có khi chẳng quen. Biết là họ kỳ vọng ở mình nhiều lắm, nên mình cũng muốn được chia sẻ” - anh Ninh nói. Thư viện mini của Trần Phước Ninh mở cửa thường xuyên cho bạn đọc miễn phí. Ban đầu cho đọc tại nhà, sau đó, anh làm thẻ thư viện cho bạn đọc mang về, vài hôm sau lại đem trả. “Nếu mà bọn trẻ không trả, cũng khó khăn trong việc đi đòi lắm, ấy nhưng mà đứa nào cũng đúng hẹn, mượn xong rồi trả nhường cho người khác” - quản thư Trần Phước Ninh miêu tả. Từ quản thư, chọn lọc sách, phân loại đến làm thẻ, đánh dấu, chuyển đổi sách đều một tay anh Ninh làm. Hôm tôi ghé, có cô bé Dung mới học lớp mẫu giáo, chưa biết chữ cũng đến làm thẻ, đăng ký đọc sách. Dung nói: “Con xem tranh, các anh chị đọc cho con nghe, hoặc là chú Ninh đọc”.

Vẫn cái quán cóc liêu xiêu ấy nhưng khi trở thành thư viện, cũng gọn gàng, đầy đủ. Kệ sách có người đóng mang từ Nông Sơn đem xuống tặng. Với gần 2.000 đầu sách ở nhiều thể loại, quán sách của Ninh gần như là một thư viện tổng hợp. Ông Lê Quang Minh - một nhà tài trợ sách ở TP.Hồ Chí Minh nhận xét về thư viện sách miễn phí của Trần Phước Ninh: “Các cháu miền quê có thể nghèo tiền bạc, nhưng sẽ không thiếu trí tuệ bởi tấm lòng của Ninh dành cho các em hôm nay. Mình nhỏ nhoi, trước tấm lòng của nhà thơ khuyết tật này. Em ấy là người tử tế trong lòng tôi”. Cứ như thế, rất nhiều chia sẻ gửi về cùng những “kiện sách” tài trợ cho thư viện của Ninh.

Sắp hè, thư viện miễn phí ở Thi hữu quán ngày một đông. Người đến tặng sách, kẻ đến đọc sách, mượn về. Ai cũng mong cho thư quán này ngày một phát triển, nhiều sách hơn, nhiều tấm lòng hơn. Riêng người quản thư 40 tuổi Trần Phước Ninh thì muốn: “Những đứa trẻ ở quê nghèo này được đến với thế giới rộng lớn từ trang sách, gieo cho các em thói quen đọc sách ngay từ lúc nhỏ”.

TÂM AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người đi gieo hạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO