Người đi xây đình

DUY THÁI 25/06/2018 12:01

Đình làng Gia Cát ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Những người con tâm huyết với quê nhà đã chung tay phục dựng ngôi đình để có nơi thờ tự các bậc tiền nhân và lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử.

Đình làng Gia Cát được phục dựng. Ảnh: D.T
Đình làng Gia Cát được phục dựng. Ảnh: D.T

Giá trị lịch sử

Làng Gia Cát có từ giữa thế kỷ XVII, dòng họ Nguyễn mà tiền hiền là ông Nguyễn Viết Công đến khai phá, lập nghiệp tại vùng đất này. Đến đầu thế kỷ XVIII, khi dân cư đông đúc, các tộc họ trong làng đã chung góp dựng nên đình Gia Cát. Đầu thế kỷ XX đình được tu sửa, nâng cấp gồm 3 gian, 2 chái, kết cấu chủ yếu là cột gỗ được chạm trổ tinh vi, mái lợp ngói âm dương, nóc trang trí tứ linh… Đình tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng. Trước năm 1945, làng Gia Cát đều tổ chức rước sắc phong về đình và bố trí người thủ sắc. Ngoài công năng thờ tự, đình là nơi họp dân, tổ chức các hoạt động văn hóa, hát bội... Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Gia Cát là cơ sở cách mạng quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Thể (75 tuổi) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quế Phong, người một thời gắn bó với ngôi đình này cho biết, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, Đình làng Gia Cát trở thành nơi thanh niên luyện tập võ nghệ, viết truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền. Cách mạng tháng Tám nổ ra, từ đình làng nhân dân đã mang giáo mác, gậy gộc tiến xuống cướp chính quyền ở huyện lỵ từ trong tay địch.  Sau cách mạng tháng Tám, đình là nơi mở lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân ở địa phương. Đồng thời làm bệnh xá và nơi chứa lương thực phục vụ kháng chiến. Đến kháng chiến chống Mỹ, Huyện ủy Quế Sơn tổ chức hội nghị quân dân chính toàn huyện để quán triệt Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy Quảng Nam về nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam trong tình hình mới. Vào tháng 2.1966, tại đình Gia Cát diễn ra ngày hội tòng quân được coi là lớn nhất huyện Quế Sơn với hàng trăm thanh niên tham gia. Tháng 7.1967, Mỹ đổ quân ào ạt xuống các cứ điểm như Hòn Chiêng, Dương Là, Bộ Chỉ huy tiền phương của Quân khu V đóng tại đình Gia Cát đã trực tiếp chỉ huy, đánh chiếm đồn Dương Là làm nên thắng lợi vang dội. Biết đây là căn cứ cách mạng quan trọng, năm 1969 Mỹ đã tập trung đánh phá làm ngôi đình này chỉ còn lại gạch ngói.

Công trình tâm huyết

Qua hàng chục năm đình Gia Cát bị hoang phế, dân làng không có nơi thờ tự các bậc tiền nhân, các anh linh của làng. Tâm huyết và trăn trở khôi phục ngôi đình, năm 2011 ông Nguyễn Duy Đề đứng ra xin phép chính quyền địa phương, rồi tự bỏ kinh phí tổ chức hai cuộc hội thảo về “Ý nghĩa lịch sử của đình làng Gia Cát” và “Lấy ý kiến về việc xây đình”. Hội thảo được các tộc họ trong làng thống nhất cao, ông Đề cùng các trưởng tộc đã lặn lội đến từng nhà trong làng vận động và gửi tâm thư kêu gọi con cháu xa quê ủng hộ kinh phí xây đình. Riêng gia đình ông Đề đóng góp gần 20 triệu đồng. Cuối năm 2013, ngôi đình được khởi công xây dựng từ tiền của, công sức của dân làng. Hơn một năm sau, ngôi đình chính thức được khánh thành với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu đồng. Quy mô  đình gồm 3 gian, 2 chái, trước có tiền đình. Kết cấu bằng bê tông cốt thép, bên trong bài trí 5 bàn thờ. Đình tổ chức cúng giỗ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm với sự tề tựu đông đủ con cháu trong làng. Ông Nguyễn Duy Đề chia sẻ: “Đình làng Gia Cát có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân làng Gia Cát. Đình bị chiến tranh tàn phá, do đó yêu cầu tái lập đình làng Gia Cát là nguyện vọng chung của toàn dân nơi đây. Sau khi vận động đã có hơn 400 hộ dân trong làng và con cháu xa quê đóng góp kinh phí. Nhờ đó, đình làng Gia Cát sớm được hoàn thành, chúng tôi hết sức vui mừng phấn khởi”.  

Sau khi đình Gia Cát được xây mới, ông Nguyễn Duy Đề tiếp tục gặp các nhân chứng lịch sử, rồi liên hệ với đảng ủy, chính quyền địa phương và phòng Văn hóa thông tin huyện sưu tầm tài liệu liên quan để làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử cho ngôi đình. Tháng 4.2018, UBND tỉnh đã có Quyết định xếp hạng di tích lịch sử đối với đình làng Gia Cát trong niềm tự hào của bà con dân làng. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Phong nói: “Đình làng Gia Cát không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, tri ân công đức các bậc tiền nhân mà còn là nơi gắn kết cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Chính quyền địa phương và dân làng ở đây rất trân trọng đóng góp của ông Nguyễn Duy Đề trong việc khôi phục, xây dựng lại ngôi đình. Đây là việc làm rất đáng quý nên người dân nơi đây thường gọi ông là “người đi xây đình”. Tháng 7.2018 này, đình làng Gia Cát sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy và gìn giữ giá trị di tích này”.

DUY THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người đi xây đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO