Gần 20 năm nay, anh Bh’ling Hương ở thôn Arâng II, xã A Xan (
Hàng ngày, Bh’ling Hương vẫn miệt mài với công việc của mình. Ảnh: K.T |
Khu 7 gồm 4 xã biên giới: A Xan, Tr’Hy, Ch’Ơm, Ga Ry, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu sinh sống. Từ trung tâm huyện Tây Giang về đến các xã này phải mất gần một ngày đi bộ đường rừng với nhiều đồi núi cao chót vót, hiểm trở. Cuộc sống đồng bào Cơ Tu nơi đây chủ yếu tự cung, tự cấp, giao thông, thông tin liên lạc còn hạn chế, vì vậy việc chuyển báo chí đến tận nơi còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng với người dân khu 7, mọi khó khăn về thông tin liên lạc như được giải tỏa khi có anh Bh’ling Hương. Mỗi sáng sớm, hình ảnh quen thuộc giữa đại ngàn này là vóc dáng nhỏ bé của Bh’ling Hương gùi trên lưng hàng trăm sách báo, thư tín men theo con đường rừng lên cổng làng.
Năm 17 tuổi, Bh’ling Hương xung phong làm liên lạc cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ khu 7. Mỗi tuần, anh từ A Xan đi bộ xuống trung tâm huyện 2 lần, mỗi lần mất 2 ngày cả đi lẫn về, mang theo báo chí, thư từ về làng. Khi gà rừng bắt đầu gáy sáng cũng là lúc Bh’ling Hương bắt đầu một ngày làm việc. Cứ như vậy, gần 20 năm đều đặn, vẫn chiếc áo bộ đội sờn vai, chân mang dép nhựa, anh cuốc mòn trên con đường dày đặc sương mù làm người đưa thư giữa rừng núi. Những ngày mưa lũ, có khi anh phải ngủ lại giữa rừng chờ nước rút mới băng suối về lại làng. Rồi lại tiếp tục chuyển báo, sách, thư tín sang các xã biên giới lân cận. Khó khăn là vậy nhưng không một ngày nào anh bỏ công việc gùi sách báo. Giờ đây, khi giao thông đến các xã biên giới thuận lợi hơn, người dân đã biết sử dụng xe máy chuyên chở hàng hóa giao thương ở chợ phiên hàng tháng, vẫn thấy Bh’ling Hương “trung thành” với đôi dép nhựa và gùi sách báo trên vai cuốc bộ.
Bh’ling Hương kể, trong 2 năm đầu công tác, mỗi tháng anh được trả 60.000 đồng. Sau 20 năm, tiền lương của anh bây giờ là 690.000 đồng. Dù vậy, anh vẫn yêu thích công việc này. Bh’ling Hương chia sẻ: “Mặc dù tiền lương ít, nhưng đem những chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, những trang báo bổ ích vượt qua được từng dãy núi đưa tận tay cán bộ, nhân dân, chiến sĩ quê mình đang từng ngày khát khao được dõi theo, thì sự mệt mỏi, vất vả của mình cũng tan biến. Mình thấy rất vui”. Anh A Lăng Tạo, người chuyên nhận sách báo từ Bh’ling Hương tâm sự: “Từ hồi còn nhỏ tôi đã rất thích đọc sách báo do anh Bh’ling Hương đem lên, mọi thứ trong sách báo rất lạ lẫm và thú vị với đồng bào Cơ Tu, ai cũng muốn đọc và tìm hiểu chúng, do vậy mỗi ngày tôi đều trông ngóng tin anh Bh’ling Hương. Bữa nào không có là thấy buồn lắm”.
Được đọc báo mỗi ngày đối với đồng bào Cơ Tu ở các xã biên giới Tây Giang là một điều quý giá. Công việc của Bh’ling Hương với họ vì thế cũng thật đặc biệt. Họ gọi Bh’ling Hương là “người mang ánh sáng về bản làng”.
HOÀNG YÊN - KIẾN TẠO