1. Hiếm, nên quý? Lẽ ra câu chuyện xe khách đổ đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) chở theo hơn 30 người trong tình trạng mất phanh và được chiếc xe tải “dìu” xuống dốc an toàn xảy ra hồi đầu tháng 9 đã khép lại với một kết thúc có hậu. Nhưng khi giải thưởng (Cúp vô lăng vàng) đặc cách trao và các danh hiệu khác do báo chí “tự phong” đang xúc tiến dành cho tài xế xe tải thì lại xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều về diễn biến sự việc. Câu chuyện bị “bẻ lái” sang một hướng khác, có phần bất ngờ so với hình dung ban đầu của nhiều người, khi phát sinh tình huống tài xế xe tải được cho là đòi giữ nguyên hiện trường để đền bù. Tất nhiên, tình huống phát sinh này vẫn đang được kiểm chứng, nhưng khiến dư luận lại một phen dậy sóng khi tranh luận gay gắt rằng có nên tôn vinh tài xế xe tải.
Tài xế xe tải Phan Văn Bắc (bên phải) nhận giải thưởng vô lăng vàng sau sự cố trên đèo Bảo Lộc. ảnh: GIA BÌNH |
Nói một cách dễ hiểu, đã có tờ báo phản ánh chút tì vết trong chuỗi hành động được cho là “anh hùng” của tài xế xe tải. Nhiều diễn đàn cũng thảo luận khá tưng bừng, bàn về các “mẫu anh hùng” trong lịch sử, không quên dẫn ra chuyện Tào Tháo uống rượu luận anh hùng cùng với Lưu Bị ở hồi thứ 21 trong bộ Tam quốc diễn nghĩa… Danh hiệu “anh hùng” trở nên cao lớn, toàn bích, để rồi có người phải giật mình đặt câu hỏi: Vậy làm người hùng giữa đời thường có quá khó?
Đọc trên các trang báo ra hằng ngày, chúng ta nhận ra đây đó có những hành động hào hiệp, những nghĩa cử cao quý, những gương người tốt việc tốt… Đấy không chỉ là một bản tin, mà sâu xa hơn có thể gói ghém bên trong ngọn lửa nhỏ sưởi ấm trái tim tha nhân giữa bộn bề cuộc sống. Đôi khi tự hỏi, vì sao hình ảnh một chiến sĩ cảnh sát giao thông tận tình giúp một người già qua đường khiến ta thích thú? Tại sao “ông Tây” James Joseph Kendall cùng nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ sạch Hà Nội) lao xuống dòng mương thối ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) để vớt rác lại khiến cộng đồng mạng theo dõi một cách thích thú? Và chàng Lục Vân Tiên trong truyện thơ đồ sộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu lại trở thành hình mẫu cương trực và xả thân ở thế kỷ 21 này? Đơn giản, vì những hình ảnh ấy quá đẹp, quá cần cho cộng đồng và được tán thưởng.
Nhưng cũng có người tự vấn: Hay là do người tốt, chuyện hay giờ quá hiếm, khiến mỗi một câu chuyện ấm áp nào đó vừa xảy ra cũng trở nên giá trị? Hoặc giả, có trường hợp bị tước danh hiệu “anh hùng” do khai báo gian dối, như chuyện xảy ra cách đây không lâu ở một tỉnh miền Trung khiến thiên hạ đàm tiếu và làm vơi đi chút ít niềm tin về danh hiệu… May thay, đó chỉ là thiểu số.
2. Khổ thân làm việc nghĩa. Bẵng đi một thời gian, sự cố đèo Bảo Lộc cũng lắng xuống, nhưng câu chuyện xung quanh “người hùng xe tải” có thể khiến chúng ta lan man nghĩ về những khía cạnh khác của cuộc sống.
Tôi nhớ trong những trang sách dạy về luân lý cho thế hệ học trò ngày trước, bổn phận làm người tích hợp cả điều kiện cần và điều kiện đủ. Trọng tính mệnh của cải, danh giá của người khác, tức giữ “không làm điều ác” thôi vẫn chưa đủ. Vì còn thiếu lòng nhân ái. Bởi một khi có (thêm) lòng nhân ái, con người ấy có lòng từ thiện, biết thương người đói khát, biết giúp người hoạn nạn, bố thí, thân yêu mọi người và quên mình để làm điều thiện. Bài thứ 12 trong chương 4 (Bổn phận đối với xã hội) dành cho lớp Sơ đẳng trong sách “Luân lý giáo khoa thư” xem ra vẫn nguyên vẹn tính thời sự lẫn tính giáo dục.
Trên thực tế, viết về người hùng hay kẻ gian đều… khó như nhau. Viết gương người tốt việc tốt, không khéo rất dễ thần thánh hóa nhân vật trong khi con người ta ở đời vốn dĩ “nhân vô thập toàn”. Viết chuyện tiêu cực của nhân vật nào đó cũng rất dễ dìm “chết” họ và vùi dập luôn những mầm thiện đang nảy nở. Đây là lỗi tô hồng hay bôi đen vẫn thường thấy trên các trang viết được thực hiện theo “phong cách” phản ánh một chiều.
Trong cuộc sống hằng ngày, ở mỗi góc phố hay đoạn đường, chúng ta không nhất thiết cứ phải vác một ma-nơ-canh người hùng ra đặt đấy và trông mong “người mẫu anh hùng” ấy sẽ làm những việc to tát. Mà đôi khi, những chuyện vụn vặt nhưng cần kíp, những hành vi tưởng bình thường nhưng có giá trị thực tế… mới là điều nên hiện diện thường trực. Cái lý lẽ “giúp ngay, chớ để chậm trễ” mà người xưa xiển dương, như sách Cổ học tinh hoa từng dẫn câu chuyện cứu người lúc nguy cấp, thấy hiển hiện trong câu chuyện xe tải dìu xe khách đổ đèo Bảo Lộc. Cũng trong sách Cổ học tinh hoa, truyện “Khổ thân làm việc nghĩa” gợi mở nhiều suy tư về cách ứng xử trong cuộc sống.
Chuyện kể, Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, vào chơi nhà người bạn cũ. Người bạn nói: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông khổ thân để làm việc nghĩa thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”. Mặc Tử dẫn tình huống một nhà kia đông con đến 10 đứa, nhưng chỉ 1 đứa cày, 9 đứa ngồi ăn không và đặt câu hỏi: Đứa cày có phải chăm cày hơn hay không? Tại sao thế? Tại nhiều đứa ăn không, ít đứa cày và Mặc Tử đi đến kết luận: “Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”.
Giá mà người cày nhiều hơn người ngồi không mà ăn, người “bẻ cây làm gậy” hành hiệp trượng nghĩa kiểu Lục Vân Tiên nhiều hơn những anh hùng bàn phím chuyên soi từng lỗi nhỏ…
CHU THỤY