Người khuyết tật học nghề

LÊ DIỄM 26/08/2016 09:43

Lớp nghề đan mây tre đang được dạy cho người khuyết tật (NKT) ở Điện Bàn  nhằm tạo cơ hội việc làm để họ có thể nuôi sống bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Hơn một tháng qua, nhà chị Phạm Thị Yến Linh (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) trở thành điểm hẹn của 40 NKT trong toàn thị xã. Người khập khiễng chống gậy, người di chuyển trên xe lăn, người đi xe máy ba bánh… nhưng tất cả đều nỗ lực mong học thành nghề. Lớp học ai cũng chăm chú, họ ngồi cả buổi, thậm chí cả ngày chăm chỉ học cách đan mây tre. Buổi trưa, một số người đi lại thuận tiện, ở gần thì về nhà ăn cơm, người ở xa thì góp gạo rau cùng nhau nấu cơm ăn tại chỗ. Hiện mọi người đã học được cách đan, cho ra sản phẩm khung mây tre đẹp mắt. Bản thân chị Linh và chồng đều là NKT nặng và đặc biệt nặng, nên trước kia hai vợ chồng chị học nghề làm vàng mã. Nghề này chỉ làm vào những mùa cao điểm như rằm, tết, nên thời gian nhàn rỗi nhiều. Chị Linh và chồng bàn nhau tham gia lớp học nghề đan mây tre, lấy nhà của mình làm nơi tổ chức việc dạy và học. Chị Linh nói: “Có nhiều người trước khi đến với lớp học này rất tự ti, không dám bước ra đường vì sợ người đời dòm ngó. Thế nhưng khi tham gia lớp học, họ đã dần thay đổi cách nhìn và mở lòng hơn”.

Lớp đào tạo nghề đan mây tre cho người khuyết tật Điện Bàn luôn có đông học viên tham gia. Ảnh: D.L
Lớp đào tạo nghề đan mây tre cho người khuyết tật Điện Bàn luôn có đông học viên tham gia. Ảnh: D.L

Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Chút (xã Điện Hồng) được chồng là ông Trần Văn Phúc chở đến và bế vào lớp rồi đi lấy dụng cụ, nguyên liệu cho vợ ngồi đan. Hai vợ chồng đều là NKT nên luôn là chỗ dựa để sẻ chia. Bà Chút ở lớp học nghề cả ngày, còn ông Phúc vừa học, trưa tranh thủ chạy về lo cho heo gà ở nhà. Việc gì hai vợ chồng cũng cùng làm, miễn sao có được nguồn thu nhập, không để phải trở thành gánh nặng cho xã hội. Và quan trọng hơn, họ làm để nuôi nấng ước mơ vào giảng đường đại học của cậu con trai.

Còn ông Lê Doãn Thông (xã Điện Phương) từ nhỏ bị bệnh sốt bại liệt nên đôi chân bị teo cơ, rút lại không thể tự đi được mà phải trợ sức bằng xe lắc tay. “May mắn có được tình yêu của vợ, tôi mới phấn đấu gạt bỏ tự ti để sống tốt đến hôm nay. Vợ tôi làm nghề tráng bánh tráng, mọi khi tôi ở nhà phụ vợ đi giao hàng cho người ta trên chiếc xe ba bánh. Nghe Chi hội NKT của xã giới thiệu về lớp học này, tôi thấy phù hợp với sức khỏe của bản thân nên đăng ký học. Đến giờ tôi có thể đan được những sản phẩm đơn giản, không cần dùng sức lực nhiều hay kỹ thuật quá phức tạp. Học xong tôi sẽ nhận sản phẩm thông qua huyện hội, mang về nhà vừa đan lát vừa phụ giúp vợ” - ông Thông tâm sự.

Lớp học đan mây tre của Hội NKT thị xã Điện Bàn được Trung ương Đoàn tài trợ mở lớp, và làm cầu nối đưa sản phẩm của NKT ra thị trường. Sản phẩm của NKT làm ra trong quá trình học nghề đã được Xí nghiệp mây tre Đông Huy (Thăng Bình) nhận hàng để tiêu thụ. Ngoài ra, Đông Huy có hẳn hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho NKT trong thời gian 5 năm kể từ sau khóa đào tạo nghề. Vì vậy, họ đang cố gắng học những kỹ thuật đan mây tre phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, sau đó sẽ thông qua Hội NKT Điện Bàn nhận hàng về nhà làm, sẽ có người thu gom sản phẩm bàn giao cho xí nghiệp. Chính vì lẽ đó, NKT học nghề rất chăm chỉ để sau này còn làm thành thạo các sản phẩm mây tre, tạo nguồn thu nhập cho bản thân và nuôi sống gia đình.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người khuyết tật học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO