Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật” (NKT) do Bộ Ngoại giao Đức và Tổ chức phi chính phủ Malteser International tài trợ dù được triển khai tại Điện Bàn muộn hơn những địa phương khác nhưng kết quả đạt được khá cao.
Quy trình công phu
Điện Minh và Điện Thọ là hai xã được áp dụng dự án. Để “ra đời” sơ đồ hiểm họa riêng từng thôn, địa phương hưởng lợi cùng với Hội NKT huyện, nhà tài trợ phải trải qua nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của NKT và người thân (có 1.052 NKT và người thân tham gia). Chủ tịch Hội NKT Điện Bàn - ông Nguyễn Văn Quang cho biết, các lớp tập huấn cho NKT được tổ chức nhằm trang bị cho bản thân và thành viên gia đình kỹ năng phòng tránh thảm họa. Đối tượng này đã được phân loại qua điều tra thứ cấp để sắp xếp lớp cho phù hợp. Từ đấy, họ có cơ hội thẳng thắn bày tỏ chính kiến, yêu cầu sự trợ giúp nếu xảy ra thiên tai. NKT còn tham gia lập kế hoạch, vẽ sơ đồ hiểm họa và là thành viên ban quản lý dự án cấp thôn, xã. Mỗi thôn tiến hành kiện toàn đội xung kích và đổi tên thành đội cứu hộ. Thành viên “phản ứng nhanh” được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn. Nhằm hoàn chỉnh kế hoạch, các thôn đều thực hiện tham vấn ý kiến nơi cộng đồng dân cư.
Đội cứu hộ thôn Đồng Hạnh tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu. Ảnh: C.T |
Khi mọi khâu chuẩn bị “vào guồng”, 20 thôn trên địa bàn 2 xã tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai. Tại kịch bản sơ tán dân khẩn cấp, NKT được ưu tiên di dời sớm, cạnh đó là những đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, phụ nữ mang thai, người già neo đơn, người ốm đau… Sau diễn tập, các bên liên quan họp đánh giá rút kinh nghiệm để điều chỉnh phương án cho phù hợp. Và cuối cùng, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai được in thành tập rồi trình UBND xã phê duyệt. Chính vì xây dựng kỹ càng, sơ đồ hiểm họa riêng của từng thôn thiết lập đầy đủ thông tin chi tiết về mức độ ngập lụt theo từng cấp báo động, vùng ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, “điểm đen” đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao để đối tượng NKT nào cũng có thể quan sát, tiếp cận được. Hướng sơ tán cụ thể khi có bão lụt cũng nêu rõ trong sơ đồ. “Khâu sơ tán và cứu hộ cứu nạn, đội xung kích của thôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, dự án trang bị cho mỗi đội 1 chiếc ghe, 16 áo phao, 5 phao cứu sinh, 5 đèn pin đội đầu, 4 loa cầm tay, 1 túi y tế, 200m dây thừng để họ cảnh báo sớm và thực thi nhiệm vụ” - ông Quang phấn khởi nói.
Hiệu quả tích cực
Bão số 11 năm 2013 khiến cho nhà bà Nguyễn Thị Nuôi tại thôn Đồng Hạnh (xã Điện Minh) bị sập. Theo ông Nguyễn Lượm - Trưởng ban Nhân dân thôn, bà Nuôi có con nhưng không ở chung mà sống riêng một mình. Những năm về trước, thôn chỉ thông báo qua đài để bà con tự lo di tản, ứng phó cho gia đình. Nhưng từ khi áp dụng dự án địa phương chủ động hơn các phương án từ cảnh báo sớm, cho tới chuyện di dời người dân, nhất là đối tượng ưu tiên về nơi tránh trú an toàn. Thôn Đồng Hạnh được chia thành 5 khu với 5 khu trưởng phụ trách. Khi thiên tai xảy ra, khu trưởng cùng 1 đại diện nhân dân và 1 đại diện người thân của NKT (thôn có 21 NKT) sẽ tiến hành công việc theo kế hoạch. “Năm vừa rồi, chúng tôi mới diễn tập xong thì nghe tin bão số 11 sắp đổ bộ. Chính quyền và ban quản lý dự án thôn liền tổ chức cảnh báo sớm, thông báo để bà con lo chuẩn bị ứng phó. Người được phân công trách nhiệm phải lập tức tổ chức sơ tán các đối tượng ưu tiên, trong đó có bà Nuôi” - ông Lượm tâm sự.
Từ những phương án của 7 thôn, Điện Minh đã xây dựng phương án chung của xã và tổ chức diễn tập toàn địa bàn. Nguồn nhân lực đáp ứng với nhiệm vụ “tác chiến” trực tiếp khi xảy ra thảm họa được bổ sung đảm bảo với nhu cầu thực tế. Trong đó, ban quản lý các thôn từ 89 người nay tăng lên 129 người (39 NKT, 9 thúc đẩy viên); đội cứu hộ 125 người (xã bổ nhiệm) thì bây giờ có 135 người (dân bầu chọn). Phó Chủ tịch UBND xã Điện Minh - ông Phạm Minh Triều đánh giá: “Thông qua tập huấn, năng lực quản lý rủi ro thiên tai từ thôn đến xã thật sự chuyển biến về chất. Đội cứu hộ trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu và cứu đuối. Dự án đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng cũng như tạo được sợi dây gắn kết lâu bền giữa các hộ dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết tại các khu dân cư”.
Theo ông Trương Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Hội NKT tỉnh, Phó Trưởng ban quản lý dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT” Quảng Nam, Điện Bàn nói chung và 2 xã hưởng lợi nói riêng đã phát huy hiệu quả cốt lõi mang tính nhân văn sâu sắc mà dự án hướng tới là xây dựng được kế hoạch phòng chống bão lụt dựa vào cộng đồng lồng ghép hòa nhập NKT. Qua trải nghiệm, NKT từ chỗ rụt rè, mặc cảm đã nâng cao nhận thức trong việc tiếp cận các lĩnh vực cuộc sống. Vị trí của họ được khẳng định bởi những đóng góp tiêu biểu cùng với địa phương xây dựng sơ đồ hiểm họa, vạch kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai. “Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt, tác động tiêu cực đến Quảng Nam. Chính vì vậy, mô hình trên cần phải được nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh” - ông Bửu đề xuất.
CÔNG TÚ