Người nội ô (Tiếp theo kỳ trước)

DUY HIỂN 26/07/2016 08:52

  • Người nội ô

Khi Nguyễn Quang Hiệp đến nơi, anh em đã tập kết đông đủ. Kiểm tra vũ khí, ta có khẩu cối 82 cùng 4 cây B40 và B41, máy bộ đàm PRC25, mỗi người mang 5 cơ số đạn. Anh em đóng giả lính biệt động. Sáu giờ tối, trinh sát về báo đường xuống đồi Thanh Phong không thấy hiện tượng gì, ta bắt đầu hành quân. Đến 1 giờ sáng hôm sau, các mũi của V18 và trung đội biệt động giả đã vào vị trí chiến đấu. Đúng giờ G, các mũi quân đồng loạt tấn công, riêng khu vực đồn rừng Ông Hiểu, chờ mãi đến 3 giờ 30 mới nghe súng nổ lẹt đẹt một hồi rồi thôi, không có 3 phát pháo hiệu như đã hẹn. Ông Hiệp nghĩ, kiểu này chắc lực lượng của Tiểu đoàn 72 đã rút lên. Trong khi đó V18 đánh xong 2 mục tiêu, diệt địch thu nhiều vũ khí và đã rút lên trên đường sắt. Nếu không phải chờ trung đội đội biệt động giả, ông Hiệp cho V18 rút lên còn kịp, nhưng không thể bỏ anh em được. Mãi đến 6 giờ 30, trung đội biệt động giả mới lên đến, có một người bị thương nặng. Nguyễn Quang Hiệp đưa ống nhòm nhìn lên đồn rừng Ông Hiểu thấy vẫn y nguyên. Cơ sở ra báo, địch huy động nghĩa quân xã Kỳ Bích, Kỳ Hương và tiểu đoàn bảo an ở trung tâm huấn luyện đã kéo lên tới đường xe lửa.

Mọi người lo lắng vì địch đã vây tứ hướng, chỉ còn nước tử thủ. Gặp chỉ huy V., ông Hiệp thấy gương mặt anh ta tái mét, lập cập nói: “Thế này là nguy rồi, anh Hiệp ơi. Chắc anh em ta bỏ mạng ở đất ni thôi. Tôi biết ở vùng ni anh có nhiều hầm bí mật. Anh em ta xuống hầm cho an toàn”. Quá sửng sốt trước đề nghị của V., ông Hiệp quát: “Cậu là Thị đội phó, được giao chỉ huy trận này, bây giờ cậu bỏ mặc cả trăm anh em là sao. Cậu là chỉ huy tồi, là tên phản bội”. Xong ông Hiệp ra trận địa động viên anh em: “Chúng ta sẽ trụ lại chiến đấu và hy sinh trên đất Trường Xuân Đông này. Nhưng chúng ta phải bắt địch trả cái giá thật đắt. Để cho chúng vào thật gần rồi mới nổ súng. Các đồng chí có đồng ý không?”. Mọi người giơ tay quyết đánh.

Đến 8 giờ bỗng có 2 chiếc trực thăng chiến đấu HU1A bay lên lượn vòng trên bầu trời Trường Xuân Đông. Vòng thứ 2 chúng sà thấp xuống, nhìn thấy rõ khẩu đại liên từ cửa máy bay chĩa ra. Ông Hiệp vẫn không cho nổ súng, để xem động tĩnh tiếp theo. Bỗng nhiên trong đầu Nguyễn Quang Hiệp bật ra phương án. Ông bảo 3 lính biệt động giả ra đứng ngoài vạt đất trống, máy bộ đàm PRC25 kéo cần ăng-ten cao hết cỡ, súng AR15 cầm ngang, tay vẫy bọn lính trên trực thăng. Hai chiếc máy bay quần lại, hạ thấp vòng lượn, có tên còn thò đầu ra cửa trực thăng vẫy chào. Ông Hiệp nhận định rất nhanh: địch nhầm tưởng biệt động giả của ta là đồng đội của chúng. Ông liền ra lệnh cho các chiến sĩ xếp thành hàng dọc, mỗi lính biệt động giả chen giữa hai chiến sĩ V18, mũ tai bèo bẻ cụp vành vào trong cho giống mũ le, súng AK chúc nòng xuống; lính biệt động giả tay cầm ngang súng AR15, tay giơ lên vẫy bọn lính trên máy bay. Chiến sĩ mang máy bộ đàm PRC25 đi giữa, cần ăng-ten vút cao. Cả đoàn quân đi lên hướng Bình Hòa. Hai chiếc trực thăng vẫn lượn vòng quanh như muốn hộ tống. Bọn lính trong đồn cũng ra đứng chào đoàn quân. Vượt qua đồn không trắc trở gì, ông Hiệp rất mừng, tiếp tục dẫn anh em qua Bình Hòa. Bỗng nhiên Hồng - du kích mật ra báo bọn Mỹ ở đồn Miếu Ông, Kỳ Bích đã kéo qua sông Trà Lang. Lập tức ông Hiệp hướng đoàn người lên ngõ Đồng Sim. Thế nhưng một du kích mật khác tên Cầu cũng đến báo, lính Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 6 Cộng hòa từ đường cái sắp sục vào. Trên trời hai chiếc trực thăng vẫn quần lượn. Thế kẹt rồi, chỉ còn cách hướng quân vào cổng ấp chiến lược ở đuôi sân bay Kỳ Nghĩa, ở đó có một giao thông hào rất tốt, có thể trụ lại chiến đấu được. Bọn lính trong đồn sân bay thấy đoàn quân có máy bay dẫn đường cũng không nghi ngờ gì. Ông Hiệp bảo trung đội lính giả ra khoảng đất trống vẫy chào bọn lính trên máy bay. Hai chiếc HU1A sà xuống khá thấp, vẫy chào đoàn quân rồi bay thẳng về Chu Lai. Thế là bớt được một mối nguy hiểm từ trên không.

Anh em vào hết giao thông hào thì đã 9 giờ 30 sáng. Ông Hiệp động viên: “Từ sáng đến giờ chúng ta đã xở được mấy mối nguy rồi. Bây giờ ta đã chiếm được giao thông hào này, hỏa lực ta còn mạnh, nếu bọn địch càn vào, dù có xe tăng, bọc thép ta cũng quyết đánh. Tử thủ tại chiến hào này, anh em quyết đánh không?”.  Mọi người giơ tay quyết đánh… Ông Hiệp bảo Cầu, Lý, Chính chạy đi mua bánh mì tiếp tế, từ sáng đến giờ mọi người không có gì bỏ bụng, sao có sức chiến đấu. Nửa tiếng sau, lương thực được tiếp tế đầy đủ. Lính biệt động giả được lệnh căng dù làm trại, một số cầm súng đi dọc bờ rào ấp chiến lược giả bộ bắn chim, thuốc Ruby phả khói thơm lừng và nói chuyện với nhau bằng giọng Nam Bộ. Đến trưa tình hình xung quanh vẫn rất yên tĩnh, mọi người đã có phần yên lòng. Đến 2 giờ chiều vẫn không có gì biến động. Đến cuối buổi chiều thì Hồng chạy ra báo bọn Mỹ đồn Miếu Ông đã qua sông trở về. Rồi Hoàng - du kích mật cũng báo bọn lính cộng hòa đã rút xuống ngã ba Trường Xuân. Người cuối cùng thông báo tin tốt lành là cô Hồng - con gái một cơ sở. Hồng bảo tiểu đoàn bảo an đã rút về trung tâm huấn luyện, bọn nghĩa quân Kỳ Hương cũng giải tán rồi. Đến lúc này, toàn đội mới thở phào nhẹ nhõm.

Đề phòng địch đón lõng, đợi trời tối hẳn ông Hiệp cho trinh sát bám đường đi lên. Biết không có gì trở ngại anh em bố trí đội hình rút về, riêng ông Hiệp bảo 2 chiến sĩ V18 ở lại với mình để tìm vào nhà bà giáo Mai cơ sở hỏi xem tại sao địch không hợp vây để tiêu diệt Cộng sản. Bà Mai nói: “Hồi hôm nghe súng nổ, biết các anh đánh dưới Tam Kỳ, hướng đồn rừng Ông Hiểu cũng nổ súng. Sáng ra thấy các anh lên, có máy bay dẫn đường, tôi không hiểu chuyện gì liền cho gọi Hồng ra để hỏi có phải anh em ta đánh dưới quận bị địch bắt sống, sáng nay cho máy bay dẫn lên đồn sân bay. Nhưng Hồng nói đã ra gặp anh rồi, mọi người đã chiếm được giao thông hào, sẵn sàng chiến đấu, một số anh em đang đóng giả lính biệt động. Tôi liền nghĩ cách giúp thêm các anh một tay. Tôi bảo thằng Hồng chạy vào Bình Hòa kể chuyện với tên phiên dịch rằng có một tiểu đoàn biệt động ở Nam Bộ ra, được máy bay trực thăng dẫn lên ấp chiến lược sân bay rồi. Thằng Cầu thì ra lân la trò chuyện với lính tiểu đoàn cộng hòa nội dung tương tự. Đối với tiểu đoàn bảo an và nghĩa quân vây phía sau, thằng Chính cũng khéo kể chuyện như thế. Nên bọn lính ở đâu cứ ở yên đấy ăn chơi, đến chiều thì rút hết”. Nghe xong, ông Hiệp chỉ còn biết cảm ơn bà giáo tài trí đã xuất sắc cứu anh em thoát khỏi một phen nguy hiểm.

Về Thị đội phó V., sau trận mất mật này, ngày càng dao động; đến tháng 6.1969 đã chiêu hồi, trở thành tên chỉ điểm nguy hiểm, gây rất nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng ở thị xã Tam Kỳ.

(Còn nữa)

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nội ô (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO