“Học trò xứ Quảng ra thi” như một minh chứng cho việc hiếu học, “bụng đầy chữ nghĩa” để ra kinh ứng thí. Nhiều thư tịch xưa đã ca ngợi về truyền thống giáo dục của vùng đất xứ Quảng: “học trò thì chăm học hành” (Ô châu cận lục); “do ở núi sông thanh tú cho nên nhiều người tư chất thông tuệ dễ học hành” (Đại Nam nhất thống chí). Những “học trò” này sau khi đỗ đại khoa đã dốc sức “kinh bang tế thế”, truyền dạy đạo lý cho đời, đề xuất tư tưởng canh tân. Đặc biệt trong số đó, có những người con xứ Quảng đã từng là thầy dạy học của các vị vua triều Nguyễn.
Trong 39 khoa thi Hội và thi Đình được tổ chức dưới triều Nguyễn từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến năm Khải Định thứ 4 (1919), Quảng Nam có 39 người đỗ đại khoa trong 22 khoa thi, gồm 15 tiến sĩ và 24 phó bảng. Trong đó có những người đỗ đầu cả nước như Phạm Như Xương, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng. Đất Quảng còn nổi tiếng với các “danh hiệu”: “Ngũ phụng tề phi” - 5 con chim phụng cùng bay (3 tiến sĩ: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; 2 phó bảng: Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến), trong khoa thi Mậu Tuất (1898); “Tứ hổ”: Các phó bảng Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán cùng đỗ khoa thi Tân Sửu (1901); “Tứ kiệt” - 4 người nổi tiếng về văn chương khoa cử: Trần Quý Cáp về thơ, Nguyễn Đình Hiến về phú, Phan Châu Trinh về kinh nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng về cả 3 loại trên. Đây chính là đội ngũ nhân sĩ trí thức của xứ Quảng để tham gia việc nước trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục: thầy dạy học (Nguyễn Đức Chánh - thầy dạy Phạm Phú Thứ…; Nguyễn Dục - mở trường dạy học ở quê; Lương Thúc Kỳ - mở trường Dục Thanh và làm Giám hiệu), Giáo thụ (Nguyễn Tường Phổ, Trần Quý Cáp…), quan Đốc học (Phạm Như Xương - Đốc học tỉnh Quảng Trị, Hồ Trung Lượng - Đốc học tỉnh Bình Định…), Tế tửu Quốc tử giám (Nguyễn Dục, Nguyễn Đình Tựu…). Dưới đây là những người đã từng là thầy dạy của các hoàng tử mà sau này lên ngôi trị vì.
Lớp học thời xưa. Ảnh: Internet |
Nguyễn Thành Ý (1819 - 1897) sinh tại làng Túy La, ngụ tại làng Bất Nhị (nay là Điện Phước, thị xã Điện Bàn), xuất thân trong một gia đình nho học, có 5 anh em đều đỗ đạt, nên được dân gian đương thời gọi là “Ngũ tử đăng khoa”. Ông đỗ cử nhân khoa thi Quý Mão (1843) dưới thời Thiệu Trị. Đầu năm 1884, ông chuyển qua làm Thự tả tham tri bộ Công, rồi ra làm Tổng đốc Thanh Nghệ, lại trở về Huế được thăng Hiệp biện đại học sĩ, Phụ đạo đại thần, dạy hai người con nuôi của vua Tự Đức về sau là vua Hàm Nghi và Đồng Khánh.
Phạm Phú Thứ (1820 - 1882), tên lúc nhỏ là Hào, hiệu Trúc Đường, biệu hiệu Giá Viên, sinh tại làng Đông Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, Điện Bàn). Năm 1842, ông đỗ đầu kỳ thi Hương; đỗ đầu kỳ thi Hội vào năm sau (1843). Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được đề bạt vào Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi những lời nói và hành động của vua), làm việc ở Tòa Kinh diên (phòng giảng sách của vua). Vua Tự Đức đặc cách cử Thượng thư Phạm Phú Thứ làm giáo đạo, dạy hoàng tử Ưng Chân.
Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888), tự Doãn Ngũ, Vọng Chi, sinh tại làng Hội An (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), trong một gia đình nhà nho, đỗ cử nhân khoa Tân Dậu (1861), phó bảng khoa Mậu Thìn (1868). Năm 1869 dưới triều vua Tự Đức, ông được sung chức Giảng tập ở Dục Đức đường, dạy hoàng tử Ưng Chân - sau là vua Dục Đức. Sau đó một thời gian, ông tiếp tục được bổ chức Giảng tập ở Chánh Mông đường, dạy hoàng tử Ưng Đăng - sau là vua Kiến Phước, kiêm Thị giảng học sĩ, hàng tuần giảng sách cho vua.
Trần Văn Dư (1839 - 1885), còn có tên là Trần Dư, tự Hoán Nhược, sinh tại làng An Mỹ Tây huyện Hà Đông (nay xã Tam An, Phú Ninh), trong một gia đình nho học. Năm 19 tuổi đỗ tú tài, 27 tuổi đỗ cử nhân (1868), 35 tuổi đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Hợi (1875). Năm 1879, ông được thăng Hàn lâm viện Thị độc sung chức Giảng tập Dục Đức đường, dạy hoàng tử Ưng Chân và Ưng Kị (sau này là vua Đồng Khánh).
Nguyễn Thuật (1842 - 1911), tự Hiếu Sinh, hiệu là Hà Đình, trong một gia đình vọng tộc theo nho học, quê làng Hà Lam huyện Lễ Dương (nay là thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên vào năm 1867 và đỗ phó bảng vào năm 1868. Năm 1872, ông được bổ làm Thị lang tại Nội các, làm Phụ đạo ở trường Dưỡng Thiện (dạy hoàng tử Ưng Đăng).
Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887), hiệu Hữu Thành, quê làng Thanh Hà (nay là phường Cẩm Hà, Hội An), đỗ tú tài năm 1963, cử nhân năm 1876, phó bảng năm 1879. Năm 1882 thời Tự Đức, ông được sung chức Phụ đạo Giảng tập hoàng tử Ưng Đăng (tức vua Kiến Phước sau này), được phong hàm Hồng lô tự khanh.
Các vị vua triều Nguyễn đánh giá cao về trình độ học vấn và nhân cách của kẻ sĩ Quảng Nam để từ đó lựa chọn làm thầy cho hoàng tử kế vị của triều đại. Sách Đại Nam thực lục chép: “Vua dụ rằng: Nội các Thị lang Nguyễn Thuật được gặp biết sớm là người thông hiểu, cẩn thận, cho gia hàm Tham tri, kiêm sung chức dạy bảo ở nhà ấy” (tức nhà Dưỡng Thiện, nơi học của hoàng tử Ưng Đăng - NV) với mong mỏi “hoàng tử chóng được có đức tốt, học thông nết thuần, mới xứng đáng với ân mệnh”. Thậm chí vua nhà Nguyễn còn ban những đặc ân đối với những người Quảng Nam là thầy của hoàng tử: “Viên dạy bảo ở nhà Dục Đức là Nguyễn Dục vì đến lệ tuổi già (70 tuổi) lại ốm xin về hưu. Vua cho là Dục hay nghiêm chính, việc trong ngoài ở nhà ấy (nơi học của hoàng tử - NV), không việc gì là không xem xét, sửa sang, hoàng trưởng cũng tất phải kính sợ, chuẩn cho nghỉ 3 tháng về điều trị, ban cho 50 lạng bạc, quan tỉnh thường phải thăm hỏi, hết hạn tâu lại” - theo Đại Nam thực lục.
Nghề làm thầy là nghề cao quý. Được làm thầy của vua càng thêm vinh dự. Đội ngũ nhân sĩ trí thức xưa của đất Quảng là tấm gương soi sáng cho hậu thế và thêm hun đúc truyền thống giáo dục khoa bảng của Quảng Nam xứng đáng với những danh hiệu tôn quý mà cả triều đình và dân gian đã ban tặng cho sĩ tử Quảng Nam.
NGUYỄN DỊ CỔ