Cơn mưa đầu tháng Năm ào ạt tưới nước xuống cùng đất cao nguyên vốn khô khát vì hạn cả năm nay. Cả thành phố Buôn Ma Thuột uống bia mừng mưa, mừng cho những vườn cà phê, vườn tiêu được tưới mát và cứu sống.
Minh họa: VĂN TIN |
Cơn mưa làm cha con anh Năm Sáng ướt như chuột lột, hên mà chiếc máy kéo chở toàn củi. “Mưa lớn rồi má nó ơi!”. Chiếc máy kéo vừa chạy qua cổng vô sân, anh Năm đã hồ hởi kêu vợ. Chị Năm người cũng ướt nhẹp vì vội chạy thu dọn đồ phơi ngoài vườn, cười với chồng. “Bộ ông không thấy tui cũng ướt cùng mình sao mà còn kêu?”. Hàng xóm phì cười, thấy thích thú bởi cách đối thoại dí dỏm của vợ chồng anh Năm. “Đúng là dân xứ Quảng”.
Có người thắc mắc với vợ chồng Năm Sáng, rằng vô Buôn Ma Thuột từ năm 1986, đúng 30 năm rồi, sao không lựa thửa đất nào gần quốc lộ 14 mà buôn bán, lại chọn mua đất tuốt trong xã Ea Tu, cách cầu Đạt Lý hơn bốn cây số. Chị Năm Sáng “cãi” lại: “Muốn buôn bán, tụi tui ở lại thị xã Tam Kỳ, vô đây làm chi?”. Đúng là những năm mới đổi mới, mở cửa hồi đó, cuộc sống gia đình khó khăn quá. Chưa tới 30 tuổi, mà anh chị Năm đã có bốn mặt con, lại toàn con trai. Trời ơi! Khổ hết chỗ nói. Người xưa bảo “tam nam bất phú”, có ba con trai thì không giàu được. Vậy mà quất tới bốn thằng thì chỉ có nước đi… ăn mày!? Hai vợ chồng có làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt cũng chỉ đủ cơm rau muối cho bầy con, chưa tính mai mốt chúng lớn lên, cưới vợ, làm nhà. Hỏi làm sao lo cho thấu đây trời? Phải tìm cách nào đó để lo cho tương lai các con thôi. Có người đồng hương ở Đắk Lắk nói trong đó đất đai bạt ngàn lại màu mỡ, vô đó lập nghiệp chắc thoát nghèo. Vậy là bồng bế nhau đi.
Hai vợ chồng bàn nhau chỉ mua ba công đất cách quốc lộ xa xa cất nhà ở tạm. Còn vốn liếng dồn lại mua đất rẫy trồng cây. Cuộc sống lần hồi vượt qua khó khăn, đến giờ thì mát mặt rồi. Dân bản xứ cũng thế, dân ngụ cư cũng thế. Ai cũng nói nhà Năm Sáng có được ngày nay là nhờ bản chất cần cù chịu thương, chịu khó của người Quảng Nam. Có vài kẻ còn chê họ là keo kiệt, không dám ăn chơi. Vậy chớ ngó vô đám bạn bè của mấy thằng con trai nhà họ thì biết. Không biết ai học tập ai, nhưng chúng đều siêng làm, ít ăn nhậu, không cờ bạc, chửi thề. Người trong buôn nói với nhau, có con mà kết bạn với con nhà Năm Sáng là yên tâm, không sợ bắt chước, hư hỏng. Như bữa nay vậy, mưa tưới vàng, tưới bạc xuống cho con người. Ai cũng mượn cớ rượu bia “mát trời ông địa”, cha con nhà Năm Sáng vẫn lo vô rẫy chở củi về nhà. Buổi chiều có tụ tập sáu, bảy đứa bạn của con ngồi lai rai một thùng bia. “Một thùng thôi nghen! Rồi về còn lo xuống phân cho cà!”. Anh chị Năm thường dạy các con. Làm được mười ngàn thì ăn xài bảy ngàn thôi, chừa lại ba ngàn giắt bọc phòng thân. Mình tằn tiện là lo cho tương lai, ai chê cười mặc người ta. “Ông bà làm ra của cải dữ lắm, mà sao thấy hà tiện quá hả?”. “Vợ chồng tui không hà tiện. Cuộc sống, con cái được như vậy sao?”. Người xứ Quảng có thói quen móc câu hỏi trong câu trả lời. Anh Năm muốn nói ngược lại rằng, không hà tiện mà nuôi bầy con khôn lớn, có cho mỗi đứa một mẫu rẫy, một ngôi nhà. Không hà tiện mà mua được máy kéo, xe tải cho các con đi làm. Năm rồi, thấy các con khôn lớn cả, anh chị chia đất, chia vườn cho chúng. Cậu thứ ba theo ngành sư phạm, muốn về lại Tam Kỳ dạy học. “Nó về phục vụ quê hương, chúng tôi cũng mừng. Căn nhà, đất vườn chia cho nó, giờ không ở thì cha mẹ trả tiền bằng giá bán trên thị trường. Chứ không muốn vợ chồng nó bán ra ngoài”.
Cậu thứ Hai đang chạy xe bán tải giao kem trên hai tuyến đường dài trên 100km, suốt từ thành phố Buôn Ma Thuột đi Đắk Nông, Gia Lai. Vừa rồi gom góp tiền vốn, bán xe cũ mua xe trọng tải lớn hơn chạy tuyến đường Đắk Lắk - Đà Nẵng, nên có ý định bán lại xe cũ và tuyến giao hàng cho anh bạn hàng xóm người Bắc. Có người bàn ra, rằng đừng có dại mà ôm cục nợ nó bỏ lại. Có làm ăn được nó đã không “bán cái” sang người khác. Anh bạn người Bắc cũng là người… liều, nhắm mắt mua đại chiếc xe cũ và tuyến đường giao kem. Chạy xe bỏ kem được hai tháng, anh người Bắc tổ chức một mâm tiệc mời cha con anh Năm Sáng và mấy người bạn tới nhà cảm ơn. Trong bữa nhậu, anh chàng thú thật là lúc đầu lo lắm, nhưng cứ liều mạng coi sao. “Cha con bác Năm tử tế quá! Vợ tôi nó bảo, đã làm ăn với người Quảng Nam thì đừng có lo”. Anh Năm Sáng chỉ cười, miệng than: “Đừng có nghĩ vậy! Tậu qué! Tậu qué!”. Làm mọi người phá lên cười theo.
Câu chuyện kể, nhân tiện mùa mưa đã tới. Tản mạn tình người, tản mạn tình đời. Để suy ngẫm và xác định rằng, mỗi miền đất đều có những mạch ngầm linh thiêng làm nên tố chất con người nơi họ sinh ra.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ