“Tính cách người Quảng Nam mới ngó thì là ăn cục nói hòn nhưng thực ra rất nhẹ nhàng và tinh tế. Chính điều này là một lợi thế khiến họ làm nghề may mặc rất hợp. Mỗi người thợ luôn biết lắng nghe ý khách hàng, biết biến ý tưởng khách hàng thành những sản phẩm rất sáng tạo và độc đáo…”. (Nhà văn Nguyên Ngọc)
Thợ may Hội An luôn biết lắng nghe, biến ý tưởng của khách hàng thành những sản phẩm độc đáo.Ảnh: MỸ DUNG |
Vinh danh
Ngay tại buổi lễ trao giải thưởng Cúp vàng Chất lượng Quốc tế (Century International Quality Era Award 2012) của BID tổ chức tại Geneve (Thụy Sỹ) nhiều doanh nghiệp có tiếng trên thế giới đã rất ngạc nhiên khi nghe Ban tổ chức xướng tên Á Đông Silk của Việt Nam. Càng ngạc nhiên hơn khi ông Trần Thái Do - Giám đốc Công ty đứng trước buổi lễ long trọng và cao quý này đã gửi lời cảm ơn đến những người thợ may ở phố cổ Hội An. Sự vinh danh dành cho những người thợ may bình thường được ông Do lý giải: “Những người thợ may bình dị xứng đáng được nhận vinh dự này, bởi suốt 15 năm qua họ không chỉ chinh phục lá phiếu bầu chọn của khách hàng khắp thế giới bằng sản phẩm hoàn hảo, khác biệt mà ẩn sâu trong đó là cả cung tầng văn hóa thể hiện rất rõ tính cách con người Quảng Nam cần cù chịu thương, chịu khó. Họ đã làm với một tinh thần trách nhiệm rất cao với mọi sản phẩm của mình và luôn hướng nó đến sự hòa nhập quốc tế”.
“Rất, rất tuyệt vời! Tôi không cần phải đến Paris, hay Ý nơi được mệnh danh là kinh đô thời trang của thế giới mới có thể sắm cho mình những bộ cánh ưng ý. Chỉ cần ở Hội An nhỏ bé này, tôi đã thỏa sức được diện những chiếc áo tuyệt đẹp” - chị Elena, một du khách người Mỹ chia sẻ. Du khách này còn cho biết, trước khi đến Việt Nam đã được người bạn thân có thời gian sống tại Hội An kể rằng người Quảng Nam nhìn bề ngoài không có gì ấn tượng nhưng ẩn sâu bên trong là sức mạnh diệu kỳ. Đặc biệt là những người thợ may ở phố cổ, họ có thể làm việc dưới áp lực và cường độ cao để có thể hoàn thành sản phẩm theo đúng ý khách hàng và cho đó là niềm vui, họ tự hào về công việc của mình.
Sự hội nhập nhanh, mạnh của nghề may mặc ở Hội An đã minh chứng được một điều là người Quảng Nam rất có khiếu và đầu óc kinh doanh. Xuất hiện và phát triển mạnh mẽ nhất vào năm 2004, chỉ theo vài yêu cầu của khách hàng họ đã nghĩ ngay đến dịch vụ “may nóng” và bây giờ đã tạo thành thương hiệu đặc biệt cho ngành may ở Hội An.
Hội nhập văn hóa
Sài Gòn những ngày cuối năm, chạy xe về khu Bảy Hiền (Tân Bình) hay đường Phú Thọ Hòa (Tân Phú) thấy tấp nập những chuyến xe máy chở vải, phụ liệu may mặc. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi hơn 80% trong số đó là người Quảng Nam.
|
Giá trị bền vững của nghề may mặc Quảng Nam không chỉ dừng lại ở 2 chữ kinh doanh mà đã lồng ghép vào đó những giá trị văn hóa và cốt cách của người Quảng. Tại sao người Quảng Nam lại thành công trên lĩnh vực may mặc nhiều hơn người nơi khác? Nhà văn Nguyên Ngọc trong một hội thảo về phát triển lụa đã nhận xét: “Tính cách người Quảng Nam mới ngó thì là ăn cục nói hòn nhưng thực ra rất nhẹ nhàng và tinh tế. Chính điều này là một lợi thế để họ làm nghề may mặc. Mỗi người thợ luôn biết lắng nghe ý khách hàng, biết biến ý tưởng khách hàng thành những sản phẩm rất sáng tạo và độc đáo…”.
Không chỉ ở Hội An, khắp các vùng quê Quảng Nam hay ở Sài Gòn nhộn nhịp, nhắc đến doanh nghiệp may mặc, người ta nói ngay đến người Quảng Nam. Với quy mô từ vài chục người đến hàng trăm người, những xưởng may công nghiệp đã và đang làm thay đổi tích cực đời sống của người Quảng Nam ở khắp mọi miền. Sự tiên phong về miền núi của Công ty May Tuấn Đạt đã làm diện mạo của vùng quê Tiên Phước khác hẳn so với trước đây. Những công nhân có nguồn gốc xuất thân là nông dân sau thời gian làm việc ở các thành phố lớn đã tự tin vào tay nghề để trở về bám trụ quê hương xin vào làm các công ty, xí nghiệp. Chính điều này đã khiến ông Lê Trung Hoan - Giám đốc Công ty May Tấn Minh tại TP.Hồ Chí Minh, quyết định phát triển và chuyển dần công ty của mình về quê hương Quảng Nam. Ông Hoan cho rằng những khó khăn trong thời buổi hiện nay buộc doanh nghiệp phải thích nghi và thay đổi để có thể đứng vững và đảm bảo đời sống công nhân. Sau sự thành công của Công ty May Ánh Sáng (tại Duy Phước, Duy Xuyên) ông tiếp tục mở công ty may ở Quán Gò (Thăng Bình) và trong tương lai không xa sẽ mở rộng mạng lưới nhà máy đến vùng đông Quảng Nam. “Tính cộng đồng và văn hóa Quảng vẫn là điều tiên quyết làm nên sự thành công của doanh nghiệp may mặc Quảng Nam dù ở quê hương hay nơi xứ người. Thời mới vào Sài Gòn, công nhân của tôi toàn người Quảng, họ đã kề vai sát cánh cùng vượt qua bao khó khăn. Bởi, người Quảng không ai bỏ mặc đồng hương của mình khi gặp khó khăn. Người Quảng mình chịu thương chịu khó và rất có trách nhiệm với nghề. Đó có thể là một trong những lý do khiến người Quảng Nam thành công với nghề may mặc” - ông Hoan chia sẻ.
MINH KIỆT