Ở Mỹ, Covid-19 là lửa thử vàng!

TS. PHẠM NGỌC VIỆT PHƯƠNG 12/08/2020 17:06

(QNO) - Ở Mỹ, khi thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp cần những người có nỗ lực nhất trong quá trình làm việc, chứ không cần thứ làng nhàng. Nói như ông cha ta là người ta chọn hạt gạo trên sàng, chứ không ai chọn tấm cám, mặc dù tấm cám cũng không phải loại bỏ đi, nhưng trước mắt hãy đợi đấy!

Đường phố ở Seattle trong những ngày bị dịch Covid-19.
Đường phố ở Seattle trong những ngày bị dịch Covid-19.

Mấy ngày nay đọc báo, biết quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng đang nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19 giai đoạn 2. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và nhân dân tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 12.8 cho đến khi có thông báo mới. Quảng Nam chưa căng thẳng như Đà Nẵng, nhưng đã có ca tử vong; UBND tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, các địa phương đang ngày đêm nỗ lực chống dịch; nhiều khu phố bị giãn cách, phong tỏa...

Thử thách của Chúa?

Là người con xa xứ, tôi cũng lo lắng trước tình hình đại dịch ở quê nhà, nhưng cũng mừng là các cấp, các ngành từ Trung ương đến các tỉnh, thành và bà con trong cả nước hướng về tỉnh Quảng Nam với cả tấm lòng; hỗ trợ cho Quảng Nam từ lương thực, thực phẩm đến trang thiết bị y tế và cử nhiều đoàn y, bác sĩ tiếp sức và đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Bây giờ, tôi đã cập kề đẳng tuổi “tứ thập” và chưa dễ đạt đến trình độ “nhi bất hoặc” như Khổng Tử nói, nhưng tôi biết những chuyện chí tình chí nghĩa lúc nào cũng dễ dàng làm người khác cảm thấy rung động. Chuyện giúp đỡ người khác cũng là một loại tích đức. Giúp đỡ người khác còn có thể khiến cho tinh thần và thể xác ta thoải mái. Thật ra, làm loại chuyện này chẳng ai mong được báo đáp, còn việc tích đức có thật hay không cũng khó biết, nhưng chỉ biết mỗi lần giúp đỡ được người khác cảm thấy tâm tình của bản thân thư sướng là đủ rồi.

Và đạo lý ở đời của người Việt mình cả ngàn năm qua là như thế.

Ở quê nhà, cha mẹ tôi cũng qua báo chí mà lo lắng cho gia đình nhỏ của tôi. Vợ chồng, con cái của tôi đang sống tại TP.Seattle (bang Washington). Đây là thành phố công nghệ hàng đầu ở Mỹ, nhưng là thành phố có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Mỹ và có bệnh nhân chết vì Covid-19 đầu tiên ở Mỹ. Ở đây, không mấy người gọi Covid-19 hoặc virus corona mà gọi “virus Vũ Hán”, phổ thông hơn là “virus Trung Quốc”; một số cửa hàng của người Mỹ gốc Hoa bị đập phá. Người châu Á ở đây, ngoài người Ấn dễ phân biệt, còn người Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam khá giống nhau, nên dễ gặp ánh mắt kỳ thị. Nhiều người lo sợ nên dán dòng chữ trước cửa nhà/cửa phòng, cho biết mình không phải người Trung Quốc.

Báo chí ở quê nhà cho rằng đại dịch Covid-19 ở Mỹ bị vỡ trận; người Mỹ xuống đường vì dân chủ, nhân quyền thái quá, coi thường nhân mạng... Tôi nghĩ đó chỉ là phần nhỏ, chủ yếu văn hóa của họ khác mình. Một số bạn bè người Mỹ cùng cơ quan và gia đình của họ, tôi có dịp gặp vào những ngày cuối tuần, cho rằng đại dịch Covid-19 là Chúa thử thách con người. Kinh Thánh có dạy: “Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nỗi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống”. Và đã là thử thách của Chúa thì sao phải trốn tránh? Nếu có từ giã cõi đời này thì đó là Chúa chọn rước về hầu hạ Người, tại sao phải lo, phải buồn?

Đường phố vắng tênh, nay trở lại gần như xưa; trường học các cấp được mở cửa lại. Con tôi được đến nhà trẻ 2 tháng nay.

Không nên lo lắng lắm

Báo Quảng Nam đã vài lần nhắc tới tôi khi tôi nhận được học bổng VEF và khi tôi nhận được giải thưởng báo cáo khoa học ở Nhật Bản, nên bài viết này tôi viết cho Báo Quảng Nam như là sự kết nối tình thân hữu, cũng như muốn nhắn gửi đến người thân ở quê nhà không nên lo lắng quá về những người con xa xứ ở tận trời Tây.

Ở đâu tôi chưa biết, chứ ở TP.Seattle đã và đang cung cấp xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho mọi lứa tuổi bằng cách đăng ký trên mạng, tại 3 địa điểm trên khắp Seattle thông qua sự hợp tác với quận King (thủ phủ TP.Seattle) và UW Medicine. Nếu ai có triệu chứng sốt, ho, hụt hơi, khó thở, đau họng, mất khứu giác, ớn lạnh, đau người, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, chảy mũi và nghẹt mũi… thì chính quyền khuyên nên đi xét nghiệm. Các xe lưu động, nhận bệnh và xét nghiệm từ 9h30 sáng đến 5h30 chiều.

Thời gian qua, Việt Nam ta được thế giới ngợi khen về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài việc cách ly tại nhà, cách ly tập trung, còn phác đồ điều trị ra sao, tôi không biết, còn ở đây… rất đơn giản. Khi có những triệu chứng kể trên thì bác sĩ cho uống thuốc trị đau nhức, như Panadol, Cetamol, Tylenol, đặc biệt là Vitamin C liều cao; khuyên ăn uống nhiều bữa đủ chất bổ dưỡng. Nếu ai khó thở thì gọi cấp cứu sẽ được hỗ trợ máy thở, giống như điều trị bệnh cúm theo mùa mấy năm qua ở Mỹ.

Tiền không có màu!

Trước khi sang Mỹ du học, tôi có tìm hiểu về “Giấc mơ Mỹ” (American Dream). “Giấc mơ Mỹ” không phải không cần làm gì cũng sống khỏe, mà phải làm cật lực, bởi người Mỹ quan niệm “tiền không có màu”. “Giấc mơ Mỹ” là một niềm tin về sự tự do mà cho phép tất cả các công dân và người thường trú (người có thẻ xanh) của Hoa Kỳ theo đuổi các mục tiêu của họ trong cuộc sống qua sự làm việc siêng năng và tự ý chọn lựa. “Giấc mơ Mỹ” là cơ hội chọn lựa của từng cá nhân, không bị hạn chế ràng buộc bởi giai cấp, tôn giáo hay chủng tộc. Chơi nhạc hay, đánh bóng rổ giỏi cũng được cộng đồng dựng tượng đồng bia đá, chứ không nhất thiết là những danh nhân làm nên lịch sử.

Cửa hàng của người Mỹ gốc Hoa ở Seattle bị đập phá.
Cửa hàng của người Mỹ gốc Hoa ở Seattle bị đập phá.

Trước đây, ở Mỹ cũng có quan niệm như mình - “Tiền không mua được hạnh phúc” (Money can’t buy happiness), nhưng gần đây, có những nghiên cứu nghiêm túc từ thực tế cuộc sống, trong đó có nghiên cứu “Cách biệt giai cấp lớn dần về mức độ hạnh phúc ở Mỹ” (Expanding Class Divide in Happiness in the United States), người ta khẳng định: “Tiền thực sự có thể mua được hạnh phúc” (Money can actually buy happiness). Do đó, để thực hiện “Giấc mơ Mỹ” cần phải nỗ lực và nỗ lực hơn nữa.

Tôn nghiêm ai cho? Không ai cho cả mà nó đến từ thực lực bản thân. Không có chút thực lực nào thì đừng đòi hỏi tôn nghiêm, bởi càng đòi hỏi thì càng tự sỉ nhục mình. Chỉ có năng lực thực sự mới là vương đạo để mọi người tôn trọng mình. Những giả dối che đậy bên ngoài khi đứng trước thực lực thì giống như cặn bã. Và qua đại dịch Covid-19 này, những giả dối che đậy bên ngoài ở Mỹ về cơ bản được bóc trần.

Thứ gì cũng thuê!

Bước vào thế kỷ 21, người ta chia rạch ròi 7 thế hệ: Generation (1901-1924), Traditionnalist (thế hệ Im lặng, 1925-1942), Baby Boomber (thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh, 1943-1960), Baby Busters (thế hệ X, 1961-1981), Millennial (thế hệ Y, 1981-1996), Gen Z (thế hệ Z, 1997-2012) và Alpha (thế hệ Alpha, sau năm 2012).

Tôi thuộc thế hệ Y (1981-1996). Thế hệ này đã hoàn tất bậc đại học, và nhiều người đạt trình độ sau đại học (24-39 tuổi), có thể gọi đây là “Thế hệ vàng” trên thị trường lao động so với thời điểm hiện tại. Và bất kỳ quốc gia nào, Millennial hiện đóng vai trò lực lượng cốt yếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống, bởi đây là thế hệ trẻ khỏe, tiếp cận nhanh những tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới, góp phần chính trong việc xây dựng, phát triển đất nước.

Nhưng qua đại dịch Covid-19, người thất nghiệp tăng dần từng ngày và phần lớn là “Thế hệ vàng” chúng tôi. Tại sao?

Nước Mỹ bình yên lâu quá, khoa học - công nghệ phát triển từng giây, tiền bạc dễ kiếm, thức ăn không đắt, nếu có thu nhập ổn định thì được khuyến khích mua nhà, mua xe trả góp từ tiền thuế… Thế nhưng tuổi trẻ thế hệ Y ở Mỹ không muốn sự ổn định ấy mà muốn “mới hơn nữa” là cái gì cũng thuê.

Vừa được tăng lương liền thuê căn hộ mới có cảnh quan lãng mạn hơn, nội thất thuê sẽ mới hơn, hợp thời hơn.

Xe thuê luôn mới hơn, và dòng xe nào vừa xuất xưởng là mình có ngay trước cặp mắt thán phục của bạn bè; thậm chí áo quần, đôi giày, chiếc đồng hồ, cái xách tay cũng thuê khi có lời mời đi dự tiệc, đi ra mắt người cần ra mắt…

Những người ấy thấy như vậy là “ổn định” lắm lắm, không cần phải nỗ lực gì thêm. Đại dịch Covid-19 bùng nổ trở thành thứ lửa thử vàng. Khi thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp cần những người có nỗ lực nhất trong quá trình làm việc, chứ không cần thứ làng nhàng. Nói như ông cha ta là người ta chọn hạt gạo trên sàng, chứ không ai chọn tấm cám, mặc dù tấm cám cũng không phải loại bỏ đi, nhưng trước mắt hãy đợi đấy!

Nói điều này, có người cho tôi nói ẩu, nhưng tôi nói từ thực tế công việc vợ chồng tôi.

Tôi làm việc ở tập đoàn đa quốc gia Microsoft tại Seattle. Vợ tôi làm việc ở Đại học Seattle. Khi những đề tài nghiên cứu hoàn tất, chúng tôi muốn trở về Việt Nam hoàn thành 2 năm nghĩa vụ với nhà nước, nên xin nghỉ. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng nổ, tìm chuyến bay về Việt Nam không dễ. Cơ quan hai vợ chồng tôi liên hệ đề nghị ký tiếp hợp đồng làm việc, nếu các chuyến bay được tiếp nối, thì vợ chồng tôi có thể làm việc qua mạng đến khi hoàn tất đề tài nghiên cứu.

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Chính phủ Mỹ hỗ trợ người thất nghiệp 600 USD/tuần, sau đó lưỡng viện Quốc hội không đồng thuận, vì với số tiền hỗ trợ ấy, người thất nghiệp sẽ không cần đi làm. Điều này, tôi thấy đúng, vì làm nghề bưng bê nhà hàng, làm nail ở Mỹ thu nhập trung bình 2.000 USD/tháng, mà hưởng trợ cấp thất nghiệp những 2.400 USD/tháng thì không ai muốn đi làm. Lưỡng viện Quốc hội còn lùng nhùng, thì ngày 8.8 vừa rồi, Tổng thống Mỹ “vượt rào” ký một sắc lệnh hành pháp và 3 chỉ thị mới, hỗ trợ 400USD/tuần cho hàng chục triệu người đối mặt với tình trạng thất nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra, và ngăn chặn việc trục xuất người ở khỏi nhà cho thuê.

Chuyện “ngăn chặn việc trục xuất người ở khỏi nhà cho thuê” có ảnh hưởng không nhỏ đến những “ông chủ” người Việt mình. Nhiều người Việt có việc làm ổn định bèn mua nhà trả góp cho thuê. Cách làm này có thêm thu nhập đáng kể, nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những người thuê nhà thất nghiệp, không có tiền trả tiền thuê nhà; chủ nhà cũng thất nghiệp không có tiền đóng thuế. Thế là nhà mua trả góp bị tịch thu. Chủ nhà không trục xuất người thuê nhà, nhưng nhà đã bị tịch thu thì họ còn quyền sở hữu đâu mà trục xuất với không trục xuất. Thế là những người thuê nhà phải về nương tựa với gia đình hoặc phải vào homeless (nhà ở dành cho những người vô gia cư).

Vì vậy, phần lớn thế hệ Y (24 - 39 tuổi) của người Mỹ thực sự trắng tay. Đây là bài học đáng giá để thế hệ Z, thế hệ Alpha của Mỹ rút kinh nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở Mỹ, Covid-19 là lửa thử vàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO