Men theo đường rừng, chúng tôi tìm gặp thầy A Lăng Ri ở bản nghèo H’juh, xã Ch’ơm, huyện miền núi Tây Giang, người đã dẫn dắt bao thế hệ học trò nghèo nơi đây thành tài.
Trong ngôi nhà nhỏ chưa đầy 30m2, thầy Ri đang soạn bài bên bếp lửa hồng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, lại là anh cả trong gia đình, mọi gánh nặng gia đình thầy phải lo, để có được bữa ăn hàng ngày cũng đã vất vả rất nhiều, đến được trường học thì càng khó khăn gấp bội. Nhưng với quyết tâm tìm con chữ cho tương lai, thầy học hết tiểu học ở trường xã, và băng rừng xuống trường huyện để tiếp tục học phổ thông. Thầy Ri tâm sự: “Thời ấy bạn bè trang lứa đều bỏ học, lúc đó chỉ một mình tôi xuống núi học. Cũng không nhớ đã bao nhiêu lần mưa rừng không ngớt, cơn lũ chảy xiết không qua được bên bờ kia, phải ngủ lại bìa rừng. Thời ấy, muốn đến trường huyện phải vượt qua 10 con suối, phải xin từng củ sắn của bà con dọc đường nướng ăn qua ngày, mới đến được trường huyện”. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, năm 1988 thầy A Lăng Ri tốt nghiệp THCS và chọn ngành sư phạm để đem con chữ về với bản làng mình. Đối với miền biên này, giáo viên dạy chữ rất hiếm.
Thầy A lăng Ri tận tình giảng dạy học trò của mình. Ảnh: H.Yên |
Về bản H’juh hôm nay, khi nhắc tên thầy A Lăng Ri ai cũng yêu quý bởi vì con cái họ được học hành và có công ăn việc làm ổn định. Anh Tơngôn Tờ - Phó chủ tịch xã A xan, từng là học trò của thầy Ri kể: “Ngày xưa mình bỏ học, nhờ buổi tối thầy Ri đến nhà động viên mình đi học trở lại. Mình làm cán bộ được như ngày hôm nay cũng nhờ thầy”. Ông Brao Nhâu, Bí thư chi bộ thôn nói: “Các cháu không bỏ học là nhờ phương pháp giảng dạy của thầy Ri rất tốt, buổi sáng thầy phải đi từng nhà gọi các em tập trung để điểm danh, nếu các em tập trung đầy đủ thì mới cho các em cùng nhau đến trường học. thầy Ri không những giảng dạy các em tốt, mà còn tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ việc học của con em mình. Giờ đây thôn bản H’juh đang chuẩn bị chuyển về chỗ mới, dân làng mừng vì không phải sống trên đồi dốc như trước kia, niềm vui hơn nữa con cháu họ được học hành đầy đủ. Hiện nay trong thôn đã có hơn 10 em đang học đại học, cao đẳng, đối với bản nghèo H’juh giáp với địa phận nước bạn Lào này đó là niềm vui lớn nhất. Em Tơngôn Tới sinh viên năm 3 trường Đại học ngoại ngữ Đà nẵng chia sẻ: “Em được trưởng thành và được đến thành phố học cũng nhờ vào sự tận tình yêu học trò của thầy A lăng Ri. thầy đã truyền cảm hứng, cho em biết được chỉ có con đường học mới có thể thay đổi số phận của bản thân, trong thâm tâm mình, thầy giống như người cha thứ 2 của em vậy, em cảm ơn thầy nhiều lắm”.
Theo ông A lăng Hưng, Chủ tịch UBND xã Ch’ơm: “Trong những năm người dân khó khăn nhất, không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, có được những con người đem về nguồn sáng cho các em thật là hiếm. Một số các em đã trưởng thành như ngày hôm nay là sự đóng góp rất lớn của các thầy cô địa phương, trong đó thầy A Lăng Ri là một điển hình mà các em sau này noi theo”.
HOÀNG YÊN - KIẾN TẠO