(QNO) - Không đứng trên bục giảng, không có một giáo trình chuẩn nào, mỗi phạm nhân là một “bài giảng” riêng và phải xuất phát từ cái tâm của những người thầy gieo mầm thiện.
Trại tạm giam Công an tỉnh quản lý hàng trăm bị can, phạm nhân với những tội danh khác nhau. Cùng với việc quản lý, cảm hóa giáo dục phạm nhân, cán bộ chiến sĩ công an nơi đây còn thường xuyên phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với người phạm tội để họ có ý chí vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực cải tạo tốt hơn… Đặc biệt, trong nhiều năm qua mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý ở trại giam luôn nêu cao tinh thần tận tụy với công việc, yêu ngành, yêu nghề, nắm bắt được mọi diễn biến trong tư tưởng của người phạm tội để có hướng giáo dục theo từng đối tượng đạt hiệu quả cao nhất. Chứng kiến những phạm nhân tiến bộ, được trở về với đời thường lương thiện là niềm vui lớn nhất động viên anh em làm công tác quản lý ở trại ngày càng nỗ lực trong việc gieo mầm thiện.
Giáo dục cải tạo phạm nhân bằng chính cái tâm của người quản giáo. |
Những người thầy tại đây luôn tâm niệm, phải uốn nắn, cảm hóa từ tâm để phạm nhân tự ý thức được hành vi của mình mà thay đổi.
Thượng tá Nguyễn Văn Sỹ - Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, Phân trại tạm giam Tiên Lãnh cho biết: “Đối với những người làm công tác giáo dục trong trại giam để phạm nhân nhận thức được hành vi phạm lỗi của mình, cảm hóa để họ ăn năn hối cải phải xuất phát từ cái tâm. Bản thân mỗi cán bộ chiến sĩ trong trại giam đã là bài học để khơi dậy phần thiện trong con người họ. Vì vậy, người quản giáo không chỉ phải am hiểu về pháp luật, bản lĩnh mà cần phải rèn luyện đạo đức, có lòng vị tha. Khi một phạm nhân ra khỏi trại giam tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, thì đấy chính là thành quả của người thầy thầm lặng ấy”.
Đối với người cán bộ, chiến sĩ công tác ở trại không chỉ quản lý chặt chẽ phạm nhân mà còn có nhiệm vụ giáo dục, giúp phạm nhân nhận thức đúng, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do vậy, cán bộ chiến sĩ luôn phải nâng cao trình độ chuyên môn, đưa ra những phương thức phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn khác nhau theo phương châm: giáo dục, thuyết phục, cảm hóa kết hợp với giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, giáo dục công dân, gắn với đào tạo nghề. Với số can phạm bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, cán bộ chiến sĩ, những thầy thuốc luôn gần gũi động viên, không mặc cảm kỳ thị, giúp họ vừa chống chọi với bệnh tật vừa nhận ra lỗi lầm, tạo cho họ niềm tin, để họ sống tốt hơn. Những người thầy gieo mầm thiện như vậy luôn xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.
KIM THÁI