Sinh ra và lớn lên tại thôn La Trung (xã Điện Thọ, Điện Bàn), năm 1968, khi mới 14 tuổi, Lê Văn Nuôi đã hăng hái tham gia du kích địa phương, năm 1969 vào bộ đội thuộc đơn vị quận đội 1 - Thành đội Đà Nẵng. Tháng 6.1971, ông bị thương nặng và vĩnh viễn mất đi một chân phải trong một lần đi công tác. Trong quá trình điều trị vết thương tại bệnh xá dân y Điện Bàn ở Gò Nổi, ông cùng một số đồng đội khác bị nhiễm trùng uốn ván, không thể cứu chữa. Ông kể: “Hôm ấy lần lượt thi thể của ông cùng đồng đội được đưa đi chôn. Khi đưa xuống huyệt, mọi người phát hiện ông còn thoi thóp thở liền tìm lá cây để che đậy và tiêm thuốc cứu chữa”.
Thoát khỏi tay thần chết nhưng không lâu sau đó, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông được thả và đưa ra miền Bắc chữa bệnh. Hòa bình lập lại, ông về công tác tại Phòng thương binh Điện Bàn. Một năm sau, ông xin trở về nhà phụng dưỡng mẹ già rồi lấy vợ, sinh con. Để nuôi sống gia đình, ông Nuôi không ngại nhọc nhằn, tần tảo sớm khuya làm đủ mọi việc. Khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, năm 2002 ông mạnh dạn chuyển 8 sào đất lúa úng thủy tại cánh đồng thôn La Trung sang nuôi các loại cá như mè, trôi, trắm cỏ, basa... Do chưa có kinh nghiệm, ông thả cá với mật độ quá dày và thất bại. Không chùn bước, gia đình tiếp tục vay mượn bà con chòm xóm và ngân hàng trên 50 triệu đồng, đầu tư chuyển đổi gần 1ha diện tích đất trũng thấp chung quanh để đào ao nuôi cá. Bây giờ, diện tích mặt nước nuôi lên đến trên 2ha. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 10 tấn cá các loại ra thị trường. Với giá bình quân 25 triệu đồng/tấn, ông thu hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Tận dụng diện tích đất bờ ven hồ cá, ông trồng sả, chuối mốc thu về cả chục triệu đồng mỗi năm. Ngoài mô hình nuôi cá, hai vợ chồng còn tập trung canh tác 4 sào đất lúa, 3 sào đất trồng ớt, đậu phụng. Năm 2012, ông lại cùng một số đồng đội góp trên 1,5 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi chim yến quy mô rộng trên 400m2 ngay cạnh ao cá. Hiện yến bắt đầu làm tổ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nuôi còn tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Mười năm liền, ông được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. “Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi đã nỗ lực tạo dựng một cuộc sống ổn định, thực sự có ý nghĩa để làm gương cho con cháu noi theo” - ông Nuôi thổ lộ.
PHẠM LỘC