Trong những năm qua, với tinh thần xung kích, sáng tạo, đoàn viên - thanh niên luôn phát huy vai trò sức trẻ, có nhiều đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Dưới đây là 2 điển hình thanh niên tiêu biểu vượt khó làm giàu.
Anh Trần Đắc Cư giới thiệu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao được lót bạt chống thấm HDPE. Ảnh: H. CƯỜNG |
1. Dù chân trái bị tật khiến việc đi lại có phần khó khăn, nhưng không vì thế mà chàng trai sinh năm 1985 Trần Đắc Cư (thôn Long Thạch, xã Tam Tiến, Núi Thành) khuất phục trước số phận. Với suy nghĩ phải làm gì đó để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, năm 2010 anh Cư vào Quảng Ngãi học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt chống thấm HDPE. Bởi lâu nay tại Tam Tiến việc nuôi tôm thẻ chân trắng đã nhiều, nhưng phần lớn bà con nuôi tôm ao đất, hiệu quả kinh tế không cao. Do khi nuôi ở ao đất, khả năng nhiễm bệnh của tôm rất cao và chỉ nuôi được với số lượng ít. Trong khi đó, Tam Tiến là vùng đất ven biển thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản.
Sau khi nắm rõ quy trình, trở về quê, được sự vận động của đoàn thanh niên, anh Cư mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên cộng với nguồn hỗ trợ của gia đình triển khai mô hình. Xây dựng ao nuôi mới trên diện tích 1.500m2, áp dụng kỹ thuật lót bạt chống thấm HDPE, anh Cư thả nuôi 15 vạn tôm giống. Dù đã nắm chắc các khâu kỹ thuật, tuy nhiên thời gian đầu bắt tay vào thực hiện anh Cư vẫn gặp khá nhiều trở ngại. Anh tâm sự: “Dù sao cũng là lần đầu tiên, mà cũng là người đầu tiên ở đây thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt chống thấm HDPE nên không thể tránh khỏi khó khăn, vấp váp ban đầu. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên vào cuối năm 2010, do không lường trước được ảnh hưởng của thời tiết nên vụ tôm đó tôi bị mất trắng, thiệt hại hàng chục triệu đồng”.
Thất bại nhưng anh Cư vẫn không nản chí, lại càng thêm quyết tâm làm giàu với mô hình này. Trời không phụ lòng người, những vụ nuôi tiếp theo thành công, càng về sau kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, hiệu quả kinh tế cũng theo đó ngày càng cao. Hiện tại, anh Cư đã mở rộng diện tích nuôi tôm lên 5.000m2; mang lại nguồn thu trung bình hàng năm 800 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 - 5 thanh niên địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhận thấy kinh doanh thức ăn thủy sản có điều kiện phát triển tốt, anh Cư mở đại lý cung cấp thức ăn thủy sản mang tên Đắc Cư, đem lại khoản thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Là người hỗ trợ, đồng hành với anh Cư trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Xuân Uy - Bí thư Đoàn xã Tam Tiến nói: “Anh Trần Đắc Cư là tấm gương thanh niên khuyết tật có ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, anh đã áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương. Đây là kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đang được bà con trong xã học tập, nhân rộng”.
2. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành hóa - môi trường, nhiều bạn trẻ lựa chọn cho mình con đường vào làm tại các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp hay ở lại thành phố tìm kiếm việc làm, tìm cơ hội để phát triển, thì thanh niên Nguyễn Văn Hòa (SN 1989) ở thôn Mậu Long 1, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn lại tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để mở trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Anh Nguyễn Văn Hòa chăm sóc đàn heo ở trang trại của mình. Ảnh: THIÊN THU |
Tiếp chúng tôi tại trang trại có diện tích 3.500m2 của mình, anh Hòa cho biết, sau khi xây dựng hoàn thiện hệ thống chuồng trại, tìm mua con giống có uy tín, cuối năm 2015 anh bắt đầu tập trung nuôi heo thịt với nguồn thức ăn chính là cám gạo, hèm rượu, rau lang. Trung bình mỗi năm trang trại xuất bán 4 lứa heo với số lượng 120 - 150 con. Để đảm bảo chất lượng con giống, anh Hòa triển khai thêm mô hình nuôi heo nái sinh sản. Các lứa heo con ra đời, anh không bán mà để vậy nuôi lớn rồi bán heo thịt nên tiết kiệm được nguồn kinh phí khá lớn từ việc mua heo con. Anh Hòa còn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm khác, và nay mô hình đã trở thành trang trại tổng hợp.
Điều đáng nói là từ khi thực hiện mô hình đến nay, trang trại của anh Hòa chưa bao giờ bị dịch bệnh, bởi anh luôn chú trọng đến khâu vệ sinh, có đầy đủ hệ thống đèn điện chiếu sáng, hệ thống cống rãnh thoát nước; trại nuôi đảm bảo ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè... “Tôi luôn tích cực tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và thú y dành cho nông dân, nên có thể nhận định được và tự xử lý khi có sự cố xảy ra, nhờ đó tránh được rủi ro, dịch bệnh trên đàn heo” - anh Hòa nói.
Ngoài nuôi heo nái và heo thịt, hiện tại trang trại tổng hợp của anh Hòa còn nuôi hơn 200 gà ta thả đồi, 16 con bò và 25 con dê, lợi nhuận thu về gần 180 triệu đồng/năm. “Trong quá trình nuôi phải thường xuyên chú ý đến công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo khẩu phần ăn với năng lượng cao như: thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin để tăng cường sức đề kháng, cho con vật phát triển tốt và cho nguồn thịt có chất lượng” - anh Hòa chia sẻ. Cũng theo anh Hòa, trong hành trình phát triển trang trại, anh luôn nhận được sự chia sẻ, động viên của tổ chức Đoàn thanh niên địa phương. Trong đó, sự lan tỏa phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế” của Đoàn đã giúp anh có hướng đi đúng và học được cách vượt qua thử thách để vươn lên phát triển kinh tế.
THIÊN THU - HỒNG CƯỜNG